Chức Năng Thông Khí Của Phổi – Sinh Lý Hô Hấp

Bài 10.2

SINH LÝ HÔ HẤP: CHỨC NĂNG THÔNG KHÍ CỦA PHỔI

MỤC TIÊU

Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:

1. Trình bày được chức năng thông khí phổi.

2. Nếu được nguyên tắc, ý nghĩa của một số kỹ thuật thăm dò chức năng thông khí phổi.

Cơ thể sống luôn luôn đòi hỏi được cung cấp oxy để sử dụng trong quá trình chuyển hóa chất và chuyển hóa năng lượng, đồng thời đào thải CO2 (sản phẩm của quá trình chuyển hóa) ra ngoài cơ thể nhằm duy trì một sự hằng định tương đối nồng độ oxy và CO2 trong nội môi. Cơ thể đơn bào có thể trao đổi trực tiếp với môi trường, nhận oxy từ môi trường và thải CO2 trực tiếp ra ngoài môi trường. Cơ thể đa bào, đặc biệt với cấu trúc phức tạp như cơ thể con người thì các tế bào không thể trao đổi trực tiếp oxy và CO2 với môi trường bên ngoài, mà chúng phải thông qua một bộ máy chuyên biệt để cung cấp oxy và đào thải CO2 đó là bộ máy hô hấp. Bộ máy hô hấp của người và động vật có vú bao gồm đường dẫn khí, phổi, lồng ngực và các cơ hô hấp. Chức năng hô hấp bao gồm chức năng thông khí, vận chuyển khí và hô hấp tế bào. Nội dung bài này chỉ đề cập đến chức năng thông khí, vận chuyển khí và điều hoà hô hấp. Rối loạn chức năng của một bộ phận nào của bộ máy hô hấp đều có thể dẫn đến những quá trình bệnh lý khác nhau.

2. CHỨC NĂNG THÔNG KHÍ CỦA PHỔI (CNTKP)

Chức năng thông khí của phổi (Pulmonary Ventilation) giữ một vai trò quan trọng trong hoạt động của bộ máy hô hấp. CNTKP có nhiệm vụ đưa không khí giàu oxy từ ngoài khí trời vào phế nang và đưa không khí từ phế nang có nhiều CO2 ra ngoài cơ thể. Như vậy CNTKP có vai trò làm cho không khí phế nang thường xuyên được đổi mới thông qua các động tác hô hấp. Để phân biệt với sự trao đổi khí ở màng hô hấp, quá trình thông khí của phổi còn được gọi là các hoạt động cơ học của hô hấp.

2.1. Các động tác hô hấp

2.1.1. Động tác hít vào

– Hít vào thông thường: hít vào thông thường là một động tác chủ động, đòi hỏi tiêu tốn năng lượng cho sự co của các cơ hô hấp. Các cơ hô hấp tham gia hoạt động tạo nên động tác hít vào thông thường bao gồm: cơ hoành, cơ bậc thang, cơ răng to, cơ liên sườn trong và cơ liên sườn ngoài. Khi các cơ hô hấp này co lại làm tăng kích thước lồng ngực theo cả ba chiều, đó là chiều thẳng đứng (trên dưới), chiều trước sau và chiều ngang (phải trái).

+ Tăng chiều đứng thẳng:

Đáy của lồng ngực là cơ hoành. Bình thường cơ hoành lồi lên phía lồng ngực theo hai vòm là vòm gan và vòm dạ dày. Khi cơ hoành co, hai vòm này phẳng ra và hạ thấp xuống về phía bụng, do đó làm cho kích thước theo chiều đứng thẳng của lồng ngực được tăng lên. Cơ hoành hạ thấp 1 cm có thể làm tăng thể tích lồng ngực lên 250 cm3. Hít vào bình thường cơ hoành hạ thấp 1,5 cm. Diện tích cơ hoành khoảng 250 cm2. Cơ hoành là một cơ hô hấp quan trọng, khi liệt cơ hoành hô hấp bị rối loạn nghiêm trọng, những bệnh của cơ hoành có ảnh hưởng tới hoạt động của cơ hoành đều ảnh hưởng tới hô hấp.

+ Tăng chiều trước sau và chiều ngang:

Ở tư thế nghỉ ngơi, các xương sườn chếch ra trước và xuống dưới. Khi các cơ hít vào co lại, xương sườn quay xung quanh một trục đi qua hai điểm khớp với đốt sống và xương ức, làm cho xương sườn chuyển từ tư thế chếch xuống sang tư thế nằm ngang hơn và đưa ra trước do đó tăng đường kính trước sau và đường kính ngang của lồng ngực.

Các cơ liên sườn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng đường kính trước sau và đường kính ngang của lồng ngực. Động tác hít vào là động tác tích cực vì được thực hiện nhờ năng lượng co cơ của cơ hoành và các cơ hít vào khác.

Do kích thước của lồng ngực được tăng lên theo cả ba chiều nên dung tích của lồng ngực tăng lên, áp suất trong lồng ngực và trong phổi âm hơn giai đoạn trước khi hít vào, tạo nên sự chênh lệch áp suất giữa môi trường bên ngoài và phổi, không khí di chuyển từ bên ngoài môi trường vào phổi.

Như vậy động tác hít vào đã dẫn đến kết quả là không khí di chuyển từ ngoài môi trường vào phổi đến tận các phế nang.

– Hít vào gắng sức: nếu ta cố gắng hít vào hết sức thì có thêm một số cơ nữa cũng tham gia vào động tác hít vào như cơ ức đòn chũm, cơ ngực, cơ chéo, đó là những cơ hít vào phụ. Vì cần phải cố định đầu và tay để huy động các cơ hô hấp phụ, người hít vào gắng sức thường có một tư thế rất đặc biệt là cổ hơi ngửa, hai cánh tay dang ra không cử động.

Trong động tác hít vào gắng sức, cơ hoành tiếp tục hạ thấp hơn so với hít vào thông thường, có thể hạ thấp tới 7 – 8 cm, có thể làm tăng thể tích lồng ngực lên tới 1500 – 2000 cm3. Kết quả của động tác hít vào gắng sức là không khí có thể di chuyển thêm vào phổi khoảng 1500- 2000 ml. Qua đây cũng thấy vai trò của cơ hoành trong các động tác hô hấp quan trọng đến mức nào. Cơ chế của sự tăng thông khí này là do sự huy động thêm các cơ hô hấp phụ và sự có tiếp tục của cơ hoành làm tăng dung tích phổi do đó làm cho áp suất trong ngực, phổi tiếp tục thấp hơn áp suất bên ngoài môi trường. Sự chênh lệch về áp suất làm cho không khí tiếp tục di chuyển thêm từ ngoài môi trường vào trong phổi đến các phế nang.

2.1.2. Động tác thở ra

– Thở ra thông thường: thở ra thông thường là một động tác thụ động vì nó không đòi hỏi năng lượng co cơ, các cơ hít vào ở giai đoạn này không co nữa, chúng giãn ra trở về vị trí cũ, làm cho lồng ngực được trở về vị trí ban đầu dưới tác dụng của sức đàn hồi ngực phổi và sức chống đối của các tạng bụng. Các xương sườn hạ xuống, các vòm hoành lại lồi lên phía trên lồng ngực. Kết quả là dung tích lồng ngực giảm làm cho áp suất của phổi tăng lên có tác dụng đẩy không khí từ phổi ra ngoài môi trường.

– Động tác thở ra gắng sức: khi cố gắng thở ra hết sức, cần huy động thêm một số cơ nữa, chủ yếu là các cơ thành bụng. Những cơ này khi co lại kéo xương sườn xuống thấp hơn nữa, đồng thời ép thêm vào các tạng ở bụng, dồn cơ hoành lồi thêm lên phía trên lồng ngực làm cho dung tích lồng ngực tiếp tục giảm, ép vào phổi làm cho áp suất của phổi tăng lên thêm và kết quả là không khí tiếp tục được đẩy từ phổi ra ngoài môi trường. Động tác thở ra gắng sức cũng đòi hỏi năng lượng co cơ, do đó nó cũng là một động tác hô hấp tích cực.

2.1.3. Một số động tác hô hấp đặc biệt

– Rặn: rặn là một động tác hô hấp đặc biệt, nó được thực hiện khi cần phải hỗ trợ để đẩy nước tiểu, phân hoặc thai ra ngoài, bản thân cơ bàng quang, cơ trực tràng hoặc cơ tử cung không đủ sức tự mình đẩy nước tiểu, phân hoặc thai ra. Động tác rặn được thực hiện theo trình tự như sau: đối tượng hít vào sâu, đóng thanh môn rồi cố sức thở ra, do đó tạo được một áp suất lớn trong lồng ngực, làm cho cả cơ hoành và cơ thành bụng cùng ép vào các tạng ở bụng tạo nên một sức ép phối hợp với sự co của các cơ bàng quang, cơ trực tràng hoặc cơ tử cung đẩy nước tiểu, phân hoặc thai ra ngoài.

– Ho: ho là một phản xạ xảy ra khi phế quản bị kích thích do vật lạ, do đờm, do viêm… Ho được thực hiện nhờ một chuỗi phản xạ mà khi đã phát động thì tự động kế tiếp nhau xảy ra tạo nên các động tác: hít vào sâu, đóng thanh môn lại, rồi thở ra tạo nên một áp suất lớn trong lồng ngực, sau đó thanh môn đột ngột mở ra, một luồng không khí có áp suất cao bật nhanh qua miệng ra ngoài, đẩy các vật lạ trong đường hô hấp ra.

– Hắt hơi: hắt hơi là một phản xạ xảy ra khi bị kích thích ở mũi do ngửi phải hơi có tính chất kích thích, khi viêm mũi, hoặc khi bị lạnh ở mũi. Hắt hơi cũng tương tự như ho, nhưng luồng không khí có áp suất cao đi qua mũi ra ngoài, đẩy các vật lạ từ mũi ra.

– Nói: nói là do khi thở ra gây rung động thanh đới nhờ cử động phối hợp của lưỡi, môi phát thành âm. Nói là một hoạt động của bộ máy hô hấp nhưng có ý nghĩa to lớn vì nó biểu hiện hoạt động chức năng cao cấp của bộ não loài người. Các cơ chế phát âm và tạo lời nói rất phức tạp và sẽ được trình bày cụ ở các giáo trình về tai mũi họng, về âm học và ngôn ngữ học.

2.2. Các thể tích, dung tích hô hấp và lưu lượng thở

Có nhiều cách đo các thể tích, dung tích và lưu lượng hô hấp:

– Ghi vận động của thành ngực người ta dùng phế ký Marey áp vào thành ngực ghi lại những cử động của lồng ngực.

– Máy hô hấp kế để đo thể tích và dung tích phổi mà không ghi lại được đồ thị hô hấp.

– Máy hô hấp ký ghi lại sự biến đổi các thể tích và dung tích hô hấp theo nguyên lý đo thể tích.

– Máy ghi các thể tích, dung tích, lưu lượng thông qua sự biến đổi áp suất dòng thở và theo nguyên lý phế lưu tích phân (Pneumotachograph-Integration) (hình 10.2).

Đồ thị các thể tích và dung tích hô hấp

Phân tích các đồ thị hô hấp tuỳ theo các loại máy khác nhau chúng ta đo được các thể tích, dung tích hô hấp và lưu lượng dòng thở.

2.2.1. Các thể tích hô hấp

– Thể tích khí lưu thông (Tidal Volume – TV):

Thể tích khí lưu thông là thể tích khí lưu chuyển trong một lần hít vào hoặc thở ra thông thường. Để đo thể tích khí lưu thông đối tượng đo thở ra hít vào bình thường, sẽ ghi được đồ thị thể tích khí lưu thông. Ở người trưởng thành, bình thường thể tích khí lưu thông khoảng 400-500 ml, nó chiếm khoảng 12% thể tích của dung tích sống. Thể tích lưu thông ở nam cao hơn ở nữ và giảm ở người già. Thể tích khí lưu thông trừ thể tích khoảng chết, phần còn lại thường xuyên được trộn lẫn với khí cặn, khí dự trữ, tất cả khoảng 3000 ml để làm đổi mới không khí phế nang. Như vậy mỗi lần hít vào có 1/10 lượng không khí phế nang được đổi mới, ta gọi 1/10 này là tỷ số thông khí.

– Thể tích dự trữ hít vào (Inspiratory Reserve Volume – IRV):

Thể tích dự trữ hít vào là thể tích khí thu được khi cố gắng hít vào hết sức sau thì hít vào thông thường. Thể tích này khoảng từ 1.500 – 2.000 ml. Thể tích dự trữ hít vào còn được gọi là dung lượng dự trữ hít vào hoặc thể tích khí bổ túc. Bình thường thể tích dự trữ hít vào chiếm khoảng 56% thể tích của dung tích sống. Đo IRV bằng cách cho đối tượng hít vào hết sức sau khi hít vào thông thường.

– Thể tích dự trữ thở ra (Expiratory Reserve Volume- ERV):

Thể tích dự trữ thở ra là thể tích khí thu được khi cố gắng thở ra hết sức sau thì thở ra thông thường. Thể tích này khoảng 1.100 – 1.500 ml. Bình thường thể tích dự trữ thở ra còn được gọi là dung lượng dự trữ thở ra hay lượng khí dự trữ của phổi. Đo ERV bằng cách cho đối tượng thở ra hết sức sau khi thở ra bình thường.

– Thể tích khí cặn (Residual Volume: RV):

Thể tích khí cặn là thể tích khí còn lại trong phổi sau khi đã thở ra hết sức. Bình thường thể tích khí cặn khoảng 1.000 – 1.200 ml. Thể tích khí cặn cùng với thể tích dự trữ thở ra pha trộn với không khí lưu thông thu được sau một lần hít vào thông thường làm đổi mới không khí phế nang. Thể tích khí cặn tăng lên làm cho tỷ số thông khí giảm, khả năng đổi mới thành phần khí phế nang giảm. Thể tích khí cặn được đo theo nguyên tắc pha loãng khí. Có thể dùng các khí nitơ hoặc heli để đo.

2.2.2 Các dung tích hô hấp

Trong thăm dò chức năng thông khí phổi, theo quy ước quốc tế, dung tích hô hấp là tổng của hai hay nhiều thể tích thở, như vậy dung tích ở đây cũng là một đại lượng thể tích chứ không phải là sức chứa theo như khái niệm dung tích trong vật lý học.

– Dung tích sống (Vital Capacity – VC, còn được ký hiệu là SVC – Slow Vital Capacity): Dung tích sống là thể tích khí thở ra hết sức sau khi đã hít vào hết sức. Dung tích sống là tổng của thể tích khí lưu thông, thể tích dự trữ hít vào và thể tích dự trữ thở ra:

VC = TV + IRV + ERV

Dung tích sống là thể tích tối đa huy động được trong một lần hô hấp, nó thể hiện khả năng của cơ thể đáp ứng về mặt hô hấp với lao động nặng, thể thao hoặc các công việc nặng nhọc khác. Để đo VC có thể có nhiều cách đo nhưng cách đo thông thường nhất là đo dung tích sống thở ra, nguyên tắc đo là cho đối tượng hít vào hết sức rồi thở ra từ từ, hết sức, chúng ta ghi được đồ thị của SVC.

Người Việt Nam bình thường ở tuổi trưởng thành có dung tích sống 3,5 – 4 lít với nam giới; 2,5 – 3 lít với nữ giới. VC phụ thuộc vào tuổi, giới, chiều cao. người già dung tích sống giảm, ở nam giới dung tích sống cao hơn ở nữ giới. VC có thể tăng lên nhờ luyện tập và giảm nhiều ở một số bệnh phổi hay ngực như tràn dịch màng phổi, u phổi, gù, vẹo lồng ngực… Trong thăm dò chức năng hô hấp, VC giảm so với số lý thuyết từ 20% trở lên được coi là có rối loạn chức năng thông khí hạn chế nếu chỉ giảm VC đơn thuần.

– Dung tích sống thở mạnh hay còn gọi là dung tích sống gắng sức (Forced Vital Capacity- FVC): dung tích sống thở mạnh là thể tích khí thu được do hít vào thật hết sức rồi thở ra thật nhanh, thật mạnh và thật hết sức. Cách đo FVC cũng giống như đo VC chỉ khác là khi thở ra hết sức phải thở thật nhanh, thật mạnh và thật hết sức. Người bình thường FVC và VC bằng nhau, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, ở những người có tắc nghẽn đường thở, FVC giảm rõ rệt và là biểu hiện sớm của rối loạn thông khí tắc nghẽn. Trong các đánh giá và điều tra ở cộng đồng, chỉ số FVC được sử dụng để tiến hành các nghiên cứu dịch tễ học nhằm phát hiện sớm các biến đổi về CNTKP. Khi FVC giảm xuống trên 20% của số lý thuyết là có rối loạn thông khí hạn chế hoặc rối loạn thông khí tắc nghẽn nếu có kèm theo giảm thể tích thở ra tối đa giây đầu tiên (ký hiệu là FEV1 – Forced Expiratory Volume in the first second).

– Dung tích hít vào (Inspiratory Capacity- IC): dung tích hít vào là số lít khí hít vào tối đa kể từ vị trí cuối thì thở ra bình thường, bao gồm thể tích khí lưu thông và thể tích khí dự trữ hít vào:

IC = TV+ IRV

Dung tích hít vào thể hiện khả năng hô hấp thích ứng với nhu cầu cung cấp O2 tăng lên của cơ thể. Bình thường dung tích hít vào khoảng 2.000 – 2.500 ml. Đo IC bằng cách hít vào hết sức sau khi thở ra bình thường.

– Dung tích cặn chức năng (Functional Residual Capacity- FRC): dung tích cặn chức năng là số lít khí có trong phổi cuối thì thở ra bình thường, bao gồm thể tích khí cặn và dự trữ thở ra:

FRC = RV + ERV

Bình thường thể tích này khoảng 2.000 ml đến 3.000 ml. Dung tích cặn chức năng có ý nghĩa quan trọng vì chính thể tích khí này được pha trộn với lượng không khí mới hít vào và hỗn hợp khí sau khi đã pha trộn này sẽ trao đổi với máu. Dung tích cặn chức năng càng lớn thì khí hít vào bị pha trộn càng nhiều, nồng độ O2 ở đó càng thấp, cường độ trao đổi khí với máu càng nhỏ, không có lợi cho cơ thể. Dung tích cặn chức năng tăng lên trong một số bệnh gây khí phế thũng phổi, hoặc giãn phế nang như trong bệnh hen phế quản, bệnh bụi phổi ở giai đoạn nặng.

– Dung tích toàn phổi (Total Lung Capacity – TLC): dung tích toàn phổi là toàn bộ số lít khí có trong phổi sau khi hít vào tối đa, bao gồm dung tích sống và thể tích khí cặn:

TLC = VC + RV

Bình thường dung tích toàn phổi khoảng 5 lít, thể hiện khả năng chứa đựng của phổi. Đây là một thông số quan trọng để đánh giá rối loạn chức năng thông khí hạn chế.

2.2.3. Các lưu lượng thở

Lưu lượng thở là số lượng thể tích khí được huy động trong một đơn vị thời gian. Đơn vị là lít trong một phút (lít/phút) hoặc lít trong một giây (lít/giây). Lưu lượng thở nói lên khả năng hay tốc độ huy động khí đáp ứng nhu cầu cơ thể và sự thông thóang của đường dẫn khí.

Để đo các lưu lượng thở, người ta đo dung tích sống thở mạnh. Đo dung tích sống thở mạnh có thể thực hiện được bằng các thiết bị hô hấp kế hiện nay và từ đó cho chúng ta rất nhiều thông số về lưu lượng thở. Phân tích đồ thị FVC theo biến đổi thời gian sẽ cho biết các thông số sau đây:

– Lưu lượng tối đa trung bình trong một khoảng nhất định của FVC: thường được ký hiệu là FEF (Forced Expiratory Flow) hoặc MEF (Maximal Expiratory Flow) cùng với khoảng phần trăm của FVC đã thở ra.

+ FEF 0,2-1,2: là lưu lượng trung bình thở ra ở quãng đầu của FVC, đánh giá mức độ thông thoáng của phế quản lớn.

+ FEF 25-75 hoặc MMEF (Maximal Mid Expiratory Flow): là lưu lượng trung bình thở ra ở quãng giữa của FVC, đánh giá mức độ thông thoáng của các phế quản vừa và nhỏ.

– Lưu lượng tức thời tại một điểm xác định của FVC: thường được ký hiệu là FEF đi cùng với một số % thể tích của FVC đã thở ra hoặc MEF đi cùng với số % thể tích của FVC còn lại trong phổi . Chúng ta có các giá trị:

+ Lưu lượng đỉnh (Peak Expiratory Flow – PEF hay Peak Flow – PF): lưu lượng đo tại điểm bắt đầu thở ra gắng sức sau khi đã hít vào hết sức (là điểm A trên hình 10.3). Bình thường, PEF có giá trị gần bằng dung tích toàn phổi và nó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng gắng sức của đối tượng. Ngày nay người ta sử dụng các lưu lượng đỉnh kế để các bệnh nhân hen có thể đo PEF thường xuyên ở nhà nhằm phát hiện các dấu hiệu sớm của các cơn hen.

+ FEF 25 hoặc MEF 75: lưu lượng thở ra tại vị trí còn lại 75% của FVC, đánh giá mức độ thông thóang của các phế quản lớn.

+ FEF 50 hoặc MEF 50: lưu lượng thở ra tại vị trí còn lại 50% của FVC, đánh giá mức độ thông thóang của các phế quản vừa.

+ FEF 75 hoặc MEF 25: lưu lượng thở ra tại vị trí còn lại 25% của FVC, đánh giá mức độ thông thóang của các phế quản nhỏ.

– Thể tích thở tối đa giây đầu tiên – FEV, trước đây ký hiệu theo tiếng Pháp là VEMS (Volume Expiratoire Maximum par Seconde) là thể tích khí lớn nhất có thể thở ra được trong một giây đầu tiên. Trên một người bình thường FEV1 chiếm khoảng 75% dụng tích sống. Tỷ số (FEV1/VC) x100% được gọi là tỷ số Tiffeneau. Tỷ số này giảm khi FEV1 giảm. Khi tỷ số Tiffeneau < 75% chúng ta nói có rối loạn chức năng thông khí tắc nghẽn (hay gặp ở bệnh nhân co hẹp đường dẫn khí, ví dụ hen phế quản). Chỉ số này đánh giá khả năng làm việc của phổi, mức độ chun giãn của phổi, lồng ngực và cơ hoành cũng như độ thông thoáng của đường hô hấp.

– Thông khí phút (ký hiệu là V): thông khí phút là lưu lượng khí thở được trong một phút lúc nghỉ ngơi. Thông khí phút được tính bằng cách lấy thể tích khí lưu thông nhân với tần số thở (f) trong một phút:

V = TV x f

– Thông khí tối đa phút: (Maximal Volumtary Ventilation per minute – MV V ): là lượng khí tối đa có thể huy động được trong một phút, đánh giá khả năng hô hấp trong lao động nặng, thể thao hoặc tình trạng gắng sức khác, đồng thời nó cũng đánh giá khả năng dự trữ hô hấp, tính đàn hồi của phổi.

Để đo MV V chúng ta cho đối tượng đo thở nhanh và thở sâu trong khoảng 6 giây rồi quy ra trong 1 phút.

– Thông khí phế nang (Alveolar Ventilation – VA): là mức không khí trao đổi ở tất cả các phế nang trong một phút. Liên tục phân tích thành phần không khí trong một lần thở thì thấy lúc đầu thành phần không khí rất giống khí hít vào, về sau tỷ lệ CO2 tăng lên, O2 giảm đi gần giống không khí trong các phế nang. Như vậy, không khí thở ra là hỗn hợp của hai thứ không khí, một thứ có trao đổi khí với máu và được đựng trong các phế nang, một thứ không khí không trao đổi khí với máu và được đựng trong đường dẫn khí và được gọi là “khoảng chết” của bộ máy hô hấp.

+ Khoảng chết giải phẫu: là khoảng không gian trong bộ máy hô hấp không có diện trao đổi khí với máu. Khoảng này bao gồm toàn bộ các đường dẫn khí.

+ Khoảng chết sinh lý: là khoảng chết giải phẫu cộng thêm các phế nang không trao đổi khí với máu được vì những điều kiện nào đó như xơ hóa phế nang, hoặc mao mạch vào phế nang co thắt …

Thể tích không khí trong khoảng chết gọi là thể tích khoảng chết hoặc thể tích chết. Thể tích khoảng chết luôn luôn thay đổi vì các ống dẫn khí của bộ máy hô hấp không phải là những ống cứng rắn. Thể tích khoảng chết trung bình khoảng 140 ml.

Thông khí phế nang chính là mức thông khí có hiệu lực vì nó tham gia trao đổi khí. Từ công thức trên ta thấy thở sâu có lợi hơn thở nông vì thở chậm và sâu thì thống khí khoảng chết giảm, thông khí phế nang tăng. Trong phương pháp dưỡng sinh thở chậm thở sâu làm tăng thông khí phế nang, tăng hiệu quả trao đổi khí.

Đồ thị các lưu lượng hô hấp

Cập nhật thông tin mới nhất về kiến thức y học và test y học tại facebook TEST Y HỌC

Tham gia nhóm zaloTài Liệu Y Học Tổng Hợp

Ôn thi nội trú, sau đại học Giải Phẫu TẠI ĐÂY

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one