Các Xương Và Khớp Của Chi Dưới – Giải Phẫu Y Hà Nội

Bài 42

CÁC XƯƠNG VÀ KHỚP CỦA CHI DƯỚI

1. XƯƠNG CHI DƯỚI

Mỗi chi dưới có 31 xương bao gồm: 1 xương chậu, 1 xương đùi, 1 xương bánh chè, 1 xương chày, 1 xương mác, 7 xương cổ chân, 5 xương đốt bàn chân và 14 xương đốt ngón chân. Xương chậu ở hai bên cùng với xương cùng tạo nên đai chi dưới (đai chậu pelvic girdle), các xương còn lại thuộc phần tự do của chi dưới.

Xương chậu - các xương và khớp của chi dưới

Hình 42.1. Xương chậu

1.1. Xương chậu

Mỗi xương chậu của trẻ mới sinh bao gồm ba xương ngăn cách nhau bằng sụn; đó là xương cánh chậu ở phía trên, xương mu ở phía trước – dưới, và xương ngồi ở phía sau – dưới. Về sau, sụn được cốt hóa và ba xương dính lại với nhau ở quanh ổ cối. Những cấu trúc chung do cả ba phần xương chậu hoặc hai trong số ba phần tạo nên là: (1) ổ cối là một hõm khớp sâu ở mặt ngoài xương chậu, tiếp khớp với chỏm xương đùi để tạo nên khớp hông; (2) lỗ bịt nằm giữa xương mu ở trong và xương ngồi ở ngoài; (3) ngành ngồi – mu do ngành xương ngồi và ngành dưới xương mu hợp nên; và (4) khuyết ngồi lớn là khuyết xương nằm giữa gai ngồi và xương cánh chậu.

Ổ cối được vây quanh bằng một bờ; bờ này khuyết ở dưới thành khuyết ổ cối. Thành ổ cối bao gồm phần tiếp khớp và phần không tiếp khớp. Phần không tiếp khớp nằm ở phần trung tâm và phần dưới ổ cối là hố ổ cối. Phần tiếp bao quanh hố ổ cối là một mặt khớp hình liềm gọi là diện (mặt) nguyệt.

Xương cánh chậu là xương lớn nhất. Bờ trên xương cánh chậu dày lên thành mào chậu. Các đầu trước và sau của mào chậu được gọi lần lượt là gai chậu trước – trêngai chậu sau trên. Ngay sau gai chậu trước trên, mào chậu có một ụ lồi sang phía bên gọi là củ mào chậu. Bờ trước xương cánh chậu có gai chậu trước – dưới nằm ngay dưới gai chậu trước – trên; ngay dưới gai chậu trước – dưới, nơi xương cánh chậu dính với xương mu, là một vùng nhỏ lên thành lồi chậu – mu. Bờ sau có gai chậu sau – dưới nằm dưới gai chậu sau – trên. Mặt trong xương cánh chậu được đường cung chia thành hai phần, phần dưới tham gia vào thành chậu hông bé, phần trên là hố chậu. Ở sau hố chậu và đường cung là mặt loa tai, nơi tiếp khớp với xương cùng, và ở sau mặt loa tai là lồi củ chậu. Mặt ngoài được gọi là mặt mông, nơi có các đường gờ, gọi là các đường mông cho các cơ mông bám.

Xương ngồi gồm thân xương ngồi ở trên, liên tiếp với xương cánh chậu và ngành trên xương mu, và ngành xương ngồi ở dưới. Đầu trong ngành xương ngồi liên tiếp với ngành dưới xương mu, đầu ngoài liên tiếp với thân và phình to thành củ ngồi, một chỗ bám cho các cơ của đùi sau. Bờ sau thân xương ngồi có gai ngồi; gai này ngăn cách khuyết ngồi lớn ở trên và khuyết ngồi bé ở dưới.

Xương mu gồm một thân và hai ngành:

Thân dẹt trước sau và tiếp khớp với xương mu bên đối diện tại khớp mu. Thân có một mào mu tròn ở mặt trên; mào này tận cùng ở ngoài như là củ mu;

Ngành trên từ thân chạy ra ngoài để dính với xương cánh chậu và xương ngồi; bờ sau – trên sắc của ngành trên được gọi là đường lược (lược xương mu), vốn là một phần của đường tận cùng của xương chậu và liên tiếp với mào mu; bờ trước – dưới là mào bịt;

Ngành dưới chạy xuống dưới và ra ngoài để liên tiếp với ngành xương ngồi.

1.2. Xương đùi

Là xương dài nhất cơ thể, xương đùi có một thân nằm giữa hai đầu.

Đầu gần. Từ trong ra ngoài, đầu gần có chỏm, cổ, mấu chuyển lớn và mấu chuyển nhỏ.

Chỏm có hình cầu và tiếp khớp với ổ cối xương chậu; mặt trong của chỏm có một chỗ lõm không tiếp khớp, gọi là hõm, để dây chằng chỏm đùi bám.

Xương đùi - các xương và khớp của chi dưới

Hình 42.2. Xương đùi

 – Cổ là một đoạn xương hình trụ nối chỏm với thân xương. Cổ chạy về phía trên trong so với trục thân xương và tạo với thân xương một góc khoảng 125. Góc cổ – thân này làm tăng tầm vận động của khớp hông.

Mấu chuyển lớn từ thân xương nhô lên trên rồi ra sau, ở ngay bên ngoài vùng tiếp nối cổ – thân. Mặt trong của mấu chuyển lớn lõm thành hố mấu chuyển. Mẫu chuyển lớn là chỗ bám của nhiều cơ vận động khớp hông.

Mấu chuyển bé có hình nón từ thân xương nhỏ về phía sau – trong, ở ngay dưới chỗ tiếp nối cổ – thân. Đây là nơi bám của cơ thắt lưng – chậu.

Đường gian mấu là một gờ xương ở mặt trước của đầu gần thân xương, nối mặt trước nền mấu chuyển lớn với mặt trước nền mẫu chuyển bé. Đường này liên tiếp với đường lược.

Mào gian mấu nối mặt sau của các mẫu chuyển. Nửa trên của mào gian mấu có củ cơ vuông đùi cho cơ vuông đùi bám.

Thân xương. Từ trên xuống, thân xương chạy chếch vào trong và tạo với đường thẳng đứng khoảng 7. Thân nhẵn và gần tròn nhưng ở phía sau có một đường gồ ghề gọi là đường ráp với các mép ngoài và trong. Ở phần trên xương đùi, các mép ngoài và trong tách xa nhau và lần lượt liên tiếp ở trên với lồi củ cơ mông (cho cơ mông lớn bám) và đường lược.

Đầu xa. Ở phần xa thân xương đùi, các mép đường ráp cũng tách xa nhau, giới hạn nên một mặt sau nhắn gọi là mặt khoeo; các bờ của mặt này được gọi là các đường trên lồi cầu trongngoài. Đường trên lồi cầu trong tận cùng ở một củ lồi gọi là củ cơ khép ở mặt trên của lồi cầu trong. Đầu xa to, tiếp khớp với xương chày bằng lồi cầu tronglồi cầu ngoài. Hai lồi cầu nối với nhau ở trước bằng một mặt tiếp khớp với xương bánh chè (mặt bánh chè) và được ngăn cách nhau ở phía sau bằng hố gian lồi cầu. Trên mặt trong của lồi cầu trong có mỏm trên lồi cầu trong. Trên mặt ngoài của lồi cầu ngoài có mỏm trên lồi cầu ngoài. Ngay ở sau và trên mỏm trên lồi cầu trong là củ cơ khép.

1.3. Xương chày

Xương chày là xương lớn hơn, nằm ở trong xương mác và là xương cẳng chân duy nhất tiếp khớp với xương đùi.

Đầu gần là một khối xương to do lồi cầu tronglồi cầu ngoài tạo nên. Mặt trên của mỗi lồi cầu lõm thành mặt khớp trên tiếp khớp với một lồi cầu xương đùi. Trên mặt sau – dưới lồi cầu ngoài có mặt khớp mác tiếp khớp với chỏm xương mác. Các mặt khớp trên của hai lồi cầu được ngăn cách nhau bằng vùng gian lồi cầu; vùng này bao gồm lồi gian lồi cầu nằm giữa các diện gian lồi cầu trước và sau.

Thân xương gần có hình lăng trụ tam giác với ba mặt (mặt trong, mặt ngoàimặt sau) và ba bờ (bờ trước, bờ trongbờ gian cốt). Thân xương có lồi củ chày nằm ở trước, dưới và giữa hai lồi cầu. Phần trên của mặt sau thân có một đường gờ chạy chếch xuống dưới và vào trong – đường cơ dép.

Đầu xa nhỏ hơn đầu gần, có mặt khớp dưới hướng xuống dưới tiếp khớp với xương sên, và khuyết mác hướng ra ngoài tiếp khớp với đầu dưới xương mác. Đầu dưới kéo dài xuống thành một mỏm ở trong xương sên, tạo nên mắt cá trong.

Xương cẳng chân xương chày và xương mác - các xương và khớp của chi dưới

Hình 42.3. Xương cẳng chân: Xương chày và xương mác

1.4. Xương mác

Xương mác là một xương dài, mảnh, ở ngoài xương chày; nó gồm một thân và hai đầu. Đầu gần phình to gọi là chỏm mác; chỏm có mặt khớp tiếp khớp với xương chày. Thân xương nối với chỏm mác qua một cổ và cũng có các mặt và các bờ gần giống như xương chày. Đầu xa hình tam giác và được gọi là mắt cá ngoài. Mặt trong của mắt cá ngoài tiếp khớp với xương sên.

1.5. Xương bánh chè

Xương bánh chè là một xương vừng lớn nhất nằm trong gân cơ tứ đầu, làm tăng lực cho cơ này. Xương bánh chè còn bảo vệ khớp gối. Nó có hai mặt (mặt khớpmặt trước), hai bờ bên, một nền ở trên và một đỉnh ở dưới. Mặt khớp hướng ra sau tiếp khớp với mặt bánh chè của xương đùi. Một gờ dọc ở giữa mặt khớp chia mặt này thành phần ngoài (rộng hơn) và phần trong.

1.6. Các xương bàn chân

Các xương bàn chân gồm các xương cổ chân, các xương đốt bàn chân và các xương đốt ngón chân.

Xương cổ chân và xương bàn chân - các xương và khớp của chi dưới

Hình 42.4. Xương bàn chân và xương cổ chân

1.6.1. Các xương cổ chân

Bảy xương cổ chân xếp thành hai hàng: hàng sau có xương sênxương gót; hàng trước có xương thuyền, xương hộp và ba xương chêm.

Xương sên có hình con sên với ba phần kể từ trước ra sau: chỏm sên ; cổ sênthân sên. Nó nằm dưới xương chày, trên xương gót và giữa hai mắt cá trong và ngoài. Xương sên tiếp giáp với nhiều xương khác nên có nhiều mặt khớp: mặt trước chỏm sên có mặt khớp thuyền tiếp khớp với xương thuyền; các mặt trên và bên của thân sên có ròng rọc sên tiếp khớp với mặt khớp dưới của xương chày và các mắt cá; mặt dưới có các mặt khớp gót trước, giữasau tiếp khớp với xương gót.

Xương gót là xương cổ chân lớn nhất nằm ở dưới xương sên và sau xương hộp. Xương gồm sáu mặt. Mặt trên gồm phần sau tự do và phần trước có các mặt khớp sên trước, giữasau tiếp khớp với xương sên. Mặt khớp sen giữa nằm trên một mỏm có tên là mỏm đỡ xương sên. Giữa các mặt khớp sên của xương gót và các mặt khớp gót của xương sên đều có các rãnh ngăn cách: rãnh ở xương sên là rãnh sên, rãnh ở xương gót là rãnh gót . Các rãnh ở hai xương hợp nên xoang cổ chân. Mặt dưới có ụ gót ở sau và củ gót ở trước; ụ gót do các mỏm trongngoài ( tiếp đất ) tạo nên. Mặt ngoài có ròng rọc mác ở trước và rãnh gân cơ mác dài ở sau. Mặt trong lõm sâu thành rãnh gân cơ gấp ngón cái dài.

Xương thuyền tiếp khớp với chỏm sên ở phía sau, với ba xương chêm ở phía trước và với xương hộp ở phía ngoài; mặt trong của nó có lồi củ xương thuyền.

Các xương chêm trong, giữa và ngoài nằm trên một hàng ngang ở trước xương thuyền và sau các xương đốt bàn I, II, và III.

Xương hộp hình khối vuông nằm giữa xương gót và các xương đốt bàn chân IV và V.

1.6.2. Các xương đốt bàn chân

Gồm năm xương được gọi theo số từ I – V, kể từ trong ra ngoài. Chúng thuộc loại xương dài, mỗi xương có thân nằm giữa nềnchỏm (đầu xa). Nền có các mặt khớp tiếp khớp với xương cổ chân và với xương đốt bàn chân bên cạnh. Chỏm lồi, tiếp khớp với nền xương đốt ngón chân gần.

1.6.3. Các xương đốt ngón chân

Có số lượng và cách gọi tên giống như xương đốt ngón tay.

2. CÁC KHỚP CỦA CHI DƯỚI

2.1. Các khớp của đai chậu

Đại chậu có hai khớp: khớp cùng – chậukhớp mu. Khớp cùng – chậu là khớp hoạt dịch giữa diện nhĩ của xương cùng với diện nhĩ của xương chậu. Tuy là khớp hoạt dịch nhưng cử động của khớp cùng – chậu rất hạn chế vì các mặt khớp lồi lõm nhiều và các dây chằng của khớp rất khoẻ, đặc biệt là dây chằng cùng – chậu gian cốt. Ở cuối thời kỳ mang thai, các dây chằng của khớp mềm và giãn ra nhờ tác dụng của hormon, làm cho cử động của khớp tăng lên.

Khớp mu là một khớp sụn. Một đĩa sụn – sợi gọi là đĩa gian mu liên kết hai mặt khớp mu của hai xương mu với nhau. Bờ trên của đĩa hoà lẫn với dây chằng mu trên (phủ trên các thân xương mu), bờ dưới với dây chằng mu dưới (nối ngành dưới của hai xương mu).

Khớp cùng chậu - các xương và khớp của chi dưới

Hình 42.5. Khớp cùng – chậu

2.2. Các khớp hoạt dịch của chi dưới tự do

2.2.1. Khớp hông

Khớp hông là một khớp chỏm lớn nhất cơ thể, nối xương đùi với chậu hông.

Các mặt khớp bao gồm chỏm xương đùiổ cối xương chậu. Một vòng sụn – sợi bám vào vành ổ cối – gọi là sụn viền ổ cối – làm cho ổ cối sâu thêm. Phần sụn viền vắt ngang qua khuyết ổ cối được gọi là dây chằng ngang ổ cối.

Khớp hông - các xương và khớp của chi dưới

Hình 42.6. Khớp hông

Bao khớp: Một đầu bao khớp dính vào quanh ổ cối và mặt ngoài sụn viền; đầu còn lại dính vào xương đùi: phía trước dính vào đường gian mấu, phía sau dính vào chỗ nối 2/3 trong và 1/3 ngoài cổ xương đùi.

Màng hoạt dịch che phủ cả mặt trong của sụn viền ổ cối và bọc quanh dây chằng chỏm đùi như một cái ống.

Dây chằng của khớp hông bao gồm loại ngoài bao khớp và loại trong bao khớp

Có ba dây chằng ngoài bao khớp quan trọng:

Dây chằng chậu – đùi hình tam giác đi từ gai chậu trước dưới tới đường gian mấu.

Dây chằng mu – đùi đi từ ngành trên xương mu tới mấu chuyển bé.

Dây chằng ngồi – đùi ở mặt sau, đi từ xương ngồi tới mấu chuyển lớn. Những sợi ở lớp sâu của dây chằng ngồi – đùi được gọi là đai vòng.

Dây chằng trong bao khớpdây chằng chỏm đùi từ hõm chỏm đùi chạy xuống bám vào dây chằng ngang và các mép của khuyết ổ cối. Có một động mạch chạy theo dây chằng này để tới chỏm đùi.

Các cơ và những cử động

Gấp đùi: cơ thắt lưng, cơ chậu, cơ thẳng đùi và cơ may.

Duỗi đùi: cơ mông lớn và các cơ ụ ngồi – cẳng chân.

Dạng đùi: cơ mông nhỡ, cơ mông bé, cơ may và các cơ khác. Khép đùi: các cơ khép đùi.

Xoay ngoài đùi: các cơ mông là chính, nhóm cơ khép đùi.

Xoay trong đùi: cơ mông nhỡ, cơ mông nhỏ và các cơ khác.

2.2.2. Khớp gối

Khớp gối là một khớp phức hợp, bao gồm khớp bản lề giữa xương đùi với xương chày và khớp phẳng giữa xương bánh chè với xương đùi.

Mặt khớp. Các mặt khớp của khớp giữa xương đùi và xương chày là hai lồi cầu xương đùi và hai mặt khớp trên của xương chày; ở khớp giữa xương đùi và xương bánh chè, mặt sau xương bánh chè tiếp khớp với mặt bánh chè của đầu dưới xương đùi.

Hai mặt khớp trên xương chày còn được làm sâu thêm nhờ các sụn chêm trong và ngoài. Sụn chêm trong có hình chữ C, sụn chêm ngoài gần có hình chữ O. Mỗi sụn chêm đều có một sừng trước và một sừng sau lần lượt dính vào các diện gian lồi cầu trước và sau của xương chày. Sừng trước của hai sụn chêm được nối với nhau bằng dây chằng ngang khớp gối. Bờ chu vi của mỗi sụn chêm thì dày, lồi và dính vào bao khớp, còn bờ trong thì mỏng và lõm. Mặt trên của sụn chêm không phẳng như mặt dưới mà lõm để tiếp xúc với lồi cầu xương đùi. Bờ chu vi của sụn chêm trong còn dính vào dây chằng bên chày nên sụn này được cố định tốt hơn sụn chêm ngoài. Hai dải mô xơ từ bờ sau của sụn chêm ngoài chạy theo dây chằng bắt chéo sau (ở trước và sau dây chằng bắt chéo sau) để đến bám vào xương đùi được gọi là các dây chằng chêm – đùi trước và sau.

Khớp gối - các xương và khớp của chi dưới

Hình 42.7. Khớp gối

Bao khớp bám vào rìa các mặt khớp của xương chày và xương đùi, vào các bờ xương bánh chè và vào bờ chu vi của các sụn chêm.

Màng hoạt dịch lót mặt trong bao khớp, bám vào rìa các mặt khớp và bờ chu vi của các sụn chêm.

Ở phía trước, màng hoạt dịch kéo dài lên trên xương bánh chè khoảng 3 khoát ngón tay (do bao khớp bám không kín), tạo nên một túi bịt nằm sau cơ tứ đầu gọi là túi hoạt dịch trên bánh chè. Từ phần sau của bao khớp, màng hoạt dịch lật ra trước để phủ lên mặt trước của các dây chằng bắt chéo nên những dây chằng này nằm trong bao khớp nhưng ngoài ổ hoạt dịch. Khi màng hoạt dịch từ rìa dưới mặt khớp xương bánh chè lật xuống dưới và ra sau ở trên cục mỡ dưới bánh chè, nó tạo nên nếp hoạt dịch dưới bánh chè. Nền của nếp này là cục mỡ dưới bánh chè, còn các bờ tự do của nó được gọi là các nếp cánh.

Thiết đồ đứng dọc qua khớp gối - các xương và khớp của chi dưới

Hình 42.8. Thiết đồ đứng dọc qua khớp gối

Các dây chằng

Các dây chằng ngoài bao khớp

Ở phía trước có dây chằng bánh chè từ bờ dưới xương bánh chè chạy tới bám vào lồi củ chày. Ngoài ra, còn có các mạc hãm bánh chè trong và ngoài liên kết gân bám tận cơ tứ đầu đùi với mạc sâu của đùi.

Ở hai bên có dây chằng bên chày từ mỏm trên lồi cầu trong xương đùi chạy tới lồi cầu trong xương chày, và dây chằng bên mác từ mỏm trên lồi cầu ngoài xương đùi chạy tới chỏm xương mác.

Ở phía sau có hai dây chằng. Dây chằng khoeo chéo từ chỗ bám tận của gân cơ bán mạc chạy lên trên, ra ngoài tới bám vào lồi cầu ngoài xương đùi. Có thể coi dây chằng này như một chẽ quặt ngược của gân cơ bán mạc. Dây chằng khoeo cung là chỗ dày lên tại bờ lỗ khuyết của mặt sau bao khớp, nơi có cơ khoeo chui qua. Hai bó của dây chằng này từ chỏm xương mác chạy tới bám vào đầu trên xương chày và lồi cầu ngoài xương đùi.

Các dây chằng trong bao khớp

Có hai dây chằng rất chắc bắt chéo nhau trong hố gian lồi cầu. Dây chằng bắt chéo trước từ mặt trong lồi cầu ngoài xương đùi chạy xuống dưới và ra trước để bám vào diện gian lồi cầu trước của xương chày. Dây chằng bắt chéo sau từ mặt ngoài lồi cầu trong xương đùi chạy xuống dưới và ra sau bám vào diện gian lồi cầu sau của xương chày.

Các cơ và những cử động

Gấp cẳng chân: cơ bụng chân và các cơ ụ ngồi – cẳng chân.

Duỗi cẳng chân: cơ tứ đầu đùi.

2.2.3. Các khớp chày – mác

Xương chày và xương mác liên kết với nhau như sau:

Đầu trên hai xương nối với nhau bằng khớp chày – mác trên. Đây là một khớp hoạt dịch thuộc loại khớp phẳng, trong đó mặt khớp chỏm mác ở mặt trong chỏm mác tiếp khớp với mặt khớp mác của lồi cầu ngoài xương chày. Khớp này được giữ vững bởi các dây chằng chỏm mác sau và trước.

Bờ gian cốt của hai thân xương nối với nhau bằng màng gian cốt cẳng chân.

Đầu dưới của hai xương liên kết với nhau bằng khớp sợi chày – mác. Mô sợi liên kết mặt trong mắt cá ngoài (đầu dưới xương mác) với khuyết mác của đầu dưới xương chày.

2.2.4. Khớp cổ chân hay khớp sên – cẳng chân

Khớp sên – cẳng chân là một khớp hoạt dịch kiểu bản lề liên kết xương sên với đầu dưới hai xương cẳng chân.

Các mặt khớp. Về phía xương sên, mặt khớpròng rọc xương sên gồm mặt trên, mặt mắt cá trongmặt mắt cá ngoài. Ba mặt khớp tương ứng của các xương cẳng chân là: mặt khớp dưới của xương chày tiếp khớp với mặt trên của ròng rọc xương sên; mặt khớp mắt cá trong của mặt ngoài mắt cá trong xương chày tiếp khớp với mặt mắt cá trong của xương sên; mặt khớp mắt cá ngoài ở mặt trong mắt cá ngoài tiếp khớp với mặt mắt cá ngoài của xương sên.

Bao khớp được tăng cường bởi các dây chằng ở mặt ngoài và trong của khớp.

Các cơ và những cử động

Gấp mu chân: cơ chày trước và các cơ duỗi ngón chân.

Gấp gan chân: cơ bụng chân và cơ dép với sự hỗ trợ của các cơ gấp ngón chân.

Khớp cổ chân - các xương và khớp của chi dưới

Hình 42.9. Khớp cổ chân

2.2.5. Các khớp của bàn chân

Các khớp của bàn chân bao gồm:

Các khớp giữa các xương cổ chân nối 7 xương cổ chân với nhau.

Khớp sên – gót còn được gọi là khớp dưới sên.

Khớp sên – gót – thuyền.

Khớp gót – hộp.

Khớp chêm – thuyền.

Các khớp gian chêm.

Các sên – gót – thuyền và gót – hộp được gọi chung là khớp ngang cổ chân.

Các khớp cổ chân – đốt bàn chân là các khớp liên kết năm xương đốt bàn chân với ba xương chêm và xương hộp.

Các khớp gian đốt bàn chân nối mặt bên của đầu gần các xương đốt bàn chân với nhau.

Các khớp đốt bàn chân – đốt ngón chân nối các chỏm xương đốt bàn chân với nền các xương đốt ngón chân gần.

Các khớp gian đốt ngón chân nối các xương đốt ngón chân với nhau.

Cập nhật thông tin mới nhất về kiến thức y học và test y học tại facebook TEST Y HỌC

Tham gia nhóm zalo: Tài Liệu Y Học Tổng Hợp

Ôn thi nội trú, sau đại học Giải Phẫu TẠI ĐÂY

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one