Bài 14
MẮT VÀ THẦN KINH THỊ GIÁC
MỤC TIÊU1. Mô tả được nhãn cầu, thần kinh thị giác và các cấu trúc mắt phụ. 2. Nêu được các liên hệ chức năng và lâm sàng thích hợp (các bệnh mắt thường gặp). |
1. MẮT VÀ NHỮNG CẤU TRÚC CÓ LIÊN QUAN
Mắt gồm có nhãn cầu và thần kinh thị giác. Các cấu trúc mắt phụ gồm các cơ ngoài nhãn cầu, mạc ổ mắt, lông mày, mí mắt, kết mạc và bộ lệ. Ổ mắt là một hốc xương chứa mắt và các cấu trúc mắt phụ. Nó có hình tháp với bốn thành (trên, dưới, trong, ngoài) một nền mở ra phía trước và một đỉnh hướng ra sau thông với hộp sọ qua khe ổ mắt trên và ống thị giác. Ổ mắt được tạo nên bởi các xương sọ và xương mặt.
1.1. Nhãn cầu
Nhãn cầu nằm trong ổ mắt và chỉ có khoảng 1/6 diện tích phía trước của nhãn cầu là lộ ra khỏi ổ mắt. Nhãn cầu có đường kính trung bình khoảng 24 mm.
Có thể coi nhãn cầu như được cấu tạo bằng hai phần của hai khối cầu có bán kính khác nhau. Phần trước, phần của khối cầu nhỏ hơn, thì trong suốt và tạo nên khoảng một phần sáu khối cầu; nó lồi hơn phần sau. Phần sau là phần của khối cầu lớn hơn và đục, chiếm phần còn lại của khối cầu. Phần trước được vây quanh bởi giác mạc và thấu kính và được chia không hoàn toàn thành các buồng trước và sau bởi mống mắt, hai buồng thông nhau qua đồng tử. Phần sau của nhãn cầu bao gồm các phần của nhãn cầu nằm sau thấu kính và vùng mi.
Nhãn cầu có hai cực: cực trước và cực sau. Đường nối hai cực gọi là trục nhãn cầu. Đường vòng quanh nhãn cầu và cách đều hai cực gọi là xích đạo. Nhãn cầu được vây quanh bằng ba lớp áo; bên trong các lớp áo là thấu kính và các buồng (phòng) của nhãn cầu.
1.1.1. Các lớp áo của nhãn cầu
Từ ngoài vào trong, áo xơ, áo mạch và võng mạc là những lớp vây quanh nhãn cầu. Áo xơ gồm giác mạc ở trước và củng mạc ở sau.
Giác mạc là phần trong suốt và lồi hơn củng mạc, chiếm khoảng 1/6 diện tích bề mặt của nhãn cầu. Giác mạc dày khoảng 1,0 mm ở ngoại vi và 0,5-0,6 mm ở trung tâm. Vì giác mạc có độ lồi lớn hơn củng mạc, có một rãnh nông gọi là rãnh củng mạc đánh dấu chỗ tiếp nối giác mạc – củng mạc ở mặt ngoài. Từ trước ra sau. giác mạc được cấu tạo bằng 5 lớp: thượng mô giác mạc (thượng mô trước), lá giới hạn trước, chất riêng, lá giới hạn sau, và nội mô của buồng trước (thượng mô sau). Thượng mô giác mạc là một thượng mô lát tầng không sừng hóa; chất riêng là một lớp sợi collagen và nguyên bào sợi ở giữa, nằm giữa các lá giới hạn và nội mô của buồng trước là một lớp thượng mô lát đơn ở mặt trong. Độ lồi và sự trong suốt của giác mạc giúp cho nó hội tụ ánh sáng vào võng mạc.
Củng mạc hay “lòng trắng”. Củng mạc dày nhất ở phía sau (khoảng 1,1 mm), gần nơi đi vào của thần kinh thị giác, mỏng nhất ở đường xích đạo (0,4 mm) và ở chỗ bám của các cơ thẳng. Mặt ngoài của nó thì trắng, nhẵn và tiếp xúc với mặt trong của bao mạc nhãn cầu. Phần trước của củng mạc được phủ bằng kết mạc từ mặt sâu của các mí mắt lật lên củng mạc. Mặt trong củng mạc được gắn với mạch mạc bằng một lớp sợi mỏng gọi là lá trên mạch mạc (hay lá tối củng mạc) chứa nhiều nguyên bào sợi và các tế bào hắc tố. Ở phía trước, nó được gắn với thể mi bằng lá trên thể mi. Ở phía sau, củng mạc bị thần kinh thị giác xuyên qua và liên tiếp với bao sợi của thần kinh này và do đó với màng não cứng. Nơi thần kinh xuyên qua củng mạc, củng mạc trông như một mảnh bị thủng lỗ chỗ nên được gọi là lá sàng củng mạc, các lỗ nhỏ của lá sàng là nơi đi qua của các bó thần kinh thị giác. Lá sàng là nơi yếu nhất của củng mạc và có thể lồi ra ngoài trong tình trạng có tăng áp lực nội nhãn cầu kéo dài. Ở gần chu vi của lá sàng có nhiều lỗ nhỏ cho các mạch và các thần kinh mi đi qua. ngay sau đường xích đạo có bốn lỗ lớn cho các tĩnh mạch xoáy đi qua.
Ở phía trước, củng mạc liên tiếp với giác mạc tại viền giác mạc (hay chỗ tiếp nối củng mạc – giác mạc). Ở gần mặt trong của củng mạc, tại chỗ tiếp nối này có một ống nội mô chạy vòng tròn gọi là xoang tĩnh mạch củng mạc; trên mặt cắt, đây là một khe hình oval với thành ngoài của nó khía thành một rãnh trên củng mạc. Về phía sau, khe này kéo dài đến tận một bờ viền của mô củng mạc gọi là cựa củng mạc; trên mặt cắt, cựa này có hình tam giác với đỉnh hướng ra trước. Thành trong của xoang tĩnh mạch củng mạc, tức thành tiếp giáp với thuỷ dịch ở buồng trước, được cấu tạo bằng mô bè lỏng lẻo liên tiếp ở trước với lá giới hạn sau và thượng mô sau của giác mạc; ở giữa các sợi của mô bè là những khoang (các khoang của góc mống mắt – giác mạc) mà qua đó thuỷ dịch thấm từ buồng trước tới xoang, tiếp đó được dẫn ra ngoại vi tới các tĩnh mạch mi trước. Hầu hết các sợi của mô bề bám vào mặt trước – ngoài của cựa củng mạc, một số liên tiếp với các sợi kinh tuyến của cơ thể mi hoặc bám vào mặt sau – trong của cựa. Góc mống mắt – giác mạc của buồng trước được giới hạn ở trước bởi mô bè và cựa củng mạc và ở sau bởi chu vi của mống mắt. Nói chung, củng mạc là một lớp mô liên kết dày đặc do các sợi collagen, các sợi chun và các nguyên bào sợi tạo nên; ba lớp mô của nó là chất riêng củng mạc nằm giữa lá trên củng mạc (ở ngoài) và lá tối củng mạc (ở trong). Nó có vai trò bảo vệ và định hình cho nhãn cầu.
Áo mạch gồm ba phần từ trước ra sau là mống mắt, thể mi và màng mạch.
Màng mạch là lớp mô mỏng, sẫm màu và giàu mạch máu chiếm khoảng 2/3 sau của áo mạch và lót hầu hết mặt trong của củng mạc. Nó được cấu tạo bởi các tế bào sắc tố, các tiểu động mạch, các tiểu tĩnh mạch và mao mạch. Phần sau của màng mạch thì dày hơn. Mặt ngoài của nó được gắn lỏng lẻo với củng mạc bởi lá trên mạch mạc (lá tối củng mạc); ở mặt trong, nó dính chặt với lớp sắc tố của võng mạc. Tại đĩa thần kinh thị, nó liên tiếp với mỗ màng mềm – màng nhện bao quanh thần kinh thị giác. Màng mạch đích thực nằm trong lá trên mạch mạc (lá này một phần là mô củng mạc) và gồm một số lớp sau đây, tính từ ngoài vào trong:
– Một lá mạch ở ngoài do các động mạch và các tĩnh mạch nhỏ cùng mô liên kết lỏng lẻo và các tế bào sắc tố tạo nên.
– Một lá mao mạch ở giữa.
– Một lá đáy mỏng dường như phi cấu trúc.
Màng mạch có vai trò nuôi dưỡng cho lớp ngoài của võng mạc.
Thể mi là phần dày lên của áo mạch, đi từ miệng thắt (ngang bờ trước lởm chởm như răng cưa của võng mạc thị giác) tới ngay sau nơi tiếp nối giác mạc – củng mạc. Thể mi có màu nâu nhờ các tế bào hắc tố trong lá sâu của thượng mô và là vùng giàu mạch máu vì là nơi gặp nhau của các động mạch mi trước và mi sau dài. Nhìn ở mặt trong thể mi ta có thể phân biệt được hai phần: phần nhẵn phía sau là vòng mi, phần gấp nếp ở trước là vành mi. Vành mi là một vòng tròn do 70- 80 gờ lồi dọc (gọi là mỏm mi) tạo nên. Trong khe giữa các mỏm mi lại có những nếp nhỏ hơn gọi là các nếp mi. Các sợi của vùng mi (dây chằng treo thấu kính) kéo dài tới rãnh giữa các mỏm mi và vượt quá các mỏm mi để tới hoà lẫn vào màng đáy của lá thượng mô nông của vòng mi. Các sợi cơ trơn trong thể mi tạo nên cơ thể mi. Thượng mô của thể mi là hai lá thượng mô đơn. Lá nông là sự tiếp tục về phía trước của lớp thần kinh của võng mạc, lá sâu chứa các tế bào sắc tố và liên tiếp với lớp thượng mô sắc tổ của võng mạc. Giữa hai lá thượng mô có một màng đáy; lá sắc tố liên tiếp với chất đệm của thể mi bằng một màng đáy khác. Cơ thể mi được cấu tạo bằng các sợi dọc ở ngoài cùng, các sợi tia (chéo) ở giữa và các sợi vòng ở trong cùng, tất cả đều bám vào cựa củng mạc và từ đó chạy ra sau. Mỏm mi là nguồn tiết ra thuỷ dịch; cơ thể mi có vai trò điều tiết độ lồi của thấu kính khi ta nhìn gần hoặc nhìn xa. Cơ thể mi co làm chùng dây treo thấu kính, tức làm tăng độ lồi của thấu kính.
Mống mắt, còn được gọi là lòng đen, là một hoành sắc tố hình vành khăn nằm đứng ngang giữa thấu kính và giác mạc. Bờ ngoại vi của mống mắt dính với thể mi; ở trung tâm của nó có lỗ con ngươi, hay đồng tử. Mống mắt chứa các tế bào sắc tố và các sợi cơ trơn (gồm cơ vòng làm hẹp đồng tử và cơ hình tia làm giãn đồng tử); nó có chức năng như một màn chắn để điều chỉnh lượng ánh sáng lọt vào nhãn cầu. Mống mắt chia khoang nằm giữa giác mạc và thấu kính thành hai phòng: phòng trước và phòng sau. Hai phòng chứa thủy dịch và thông với nhau qua con người. Các mỏm mi nhô vào phòng sau và tiết thuỷ dịch vào đây. Chỗ gặp nhau của mống mắt và giác mạc là góc mống mắt – giác mạc. Đây là nơi thuỷ địch ra khỏi phòng trước để đi vào xoang tĩnh mạch củng mạc.
Áo trong là võng mạc liên tiếp với thần kinh thị giác. Võng mạc được chia thành hai phần: võng mạc tịt phủ mặt trong thể mi và mống mắt, võng mạc thị giác phủ mặt trong màng mạch. Võng mạc thị giác dầy hơn võng mạc tịt và tại nơi chuyển tiếp giữa hai phần võng mạc này có một đường riềm hình răng cưa gọi là miệng thắt. Khi quan sát võng mạc thị giác bằng kính soi mắt, ta nhìn thấy các mạch máu của võng mạc và hai vùng đặc biệt là vết võng mạc và đĩa thần kinh thị giác. Vết võng mạc, hay điểm vàng, nằm ở cực sau của nhãn cầu, ở phía ngoài đĩa thần kinh thị giác. Trong vết có hõm trung tâm, nơi chỉ có các tế bào nón. Đây là nơi nhìn các vật được chi tiết nhất và rõ nhất. Đĩa thần kinh thị giác, hay điểm mù, là nơi các sợi thần kinh tập trung lại tạo nên thần kinh thị giác. Điểm mù ở phía trong và dưới cực sau nhãn cầu. Động mạch và tĩnh mạch trung tâm võng mạc từ điểm mù tỏa nhánh ra xung quanh.
Võng mạc bao gồm một tầng thượng mô sắc tố nằm sát màng mạch và một tầng thần kinh. Thượng mô sắc tố của võng mạc (chứa melanin) có vai trò hấp thụ ánh sáng, ngăn chặn sự phản xạ và phân tán ánh sáng trong nhãn cầu. Tầng thần kinh của võng mạc có ba lớp nơron tiếp nối synáp với nhau, tính từ ngoài vào là: lớp tế bào cảm thụ ánh sáng, lớp tế bào hai cực và lớp tế bào hạch; tế bào của ba lớp ngăn cách nhau bằng hai vùng tiếp nối synáp. Các sợi trục của lớp tế bào hạch tập trung lại tạo nên thần kinh thị giác. Hai loại tế bào cảm thụ ánh sáng là tế bào nón và tế bào que. Tế bào nón có ngưỡng kích thích ánh sáng lớn hơn, thích hợp với cường độ chiếu sáng mạnh và nhìn màu.
Hình 14.1. Nhãn cầu thiết đồ ngang
1.1.2. Thấu kính
Thấu kính là một khối chất trong suốt (chất thấu kính) hai mặt lồi nằm giữa phòng sau và phòng sau cùng. Chất thấu kính được bao quanh bằng bao thấu kính. Chất thấu kính gồm vỏ và nhân thấu kính, cả hai đều là những tập hợp của các sợi thấu kính. Các sợi thấu kính là những tế bào thuôn dẹt nằm áp sát nhau như các lớp của một củ hành và có nguồn gốc từ lớp thượng mô thấu kính nằm ở mặt trước khối chất thấu kính. Thành phần chính của sợi thấu kính là một protein có tên là crystalin. Thấu kính được bao quanh bởi các mỏm mi và được gắn vào các mỏm mi bởi các sợi vùng; tập hợp của các sợi vùng tạo nên vùng mi (hay dây chằng treo thấu kính) có tác dụng giữ thấu kính tại vị trí và truyền lực kéo tới thấu kính trừ khi có điều tiết thị giác. Các sợi vùng được lồng vào bao thấu kính. Khi cơ thể mi co (điều tiết), vùng mi chùng ra và độ lồi của thấu kính tăng lên. Thấu kính có hai mặt: mặt trước và mặt sau. Mặt sau tựa lên hố kính của thể kính, mặt trước tiếp xúc với bờ tự do của mống mắt theo một vòng tròn nhưng càng ra xa khỏi trục thấu kính thì khe giữa thấu kính và mống mắt càng tăng lên để tạo nên phòng sau. Độ lồi của mặt trước lớn hơn mặt sau và những điểm trung tâm của các mặt này là các cực trước và sau; một đường nối các cực này là trục thấu kính. Bờ chu vi của thấu kính là xích đạo thấu kính. Thấu kính của người trưởng thành thì vô mạch, không màu và trong suốt nhưng vẫn mềm. Tình trạng đục thấu kính thường thấy ở tuổi già gọi là đục nhân mắt.
Hình 14.2. Thấu kính và các cấu trúc giữ thấu kính
Các đường kính của thấu kính có tầm quan trọng về thị giác và lâm sàng nhưng chúng thay đổi theo tuổi do kết quả của sự tăng trưởng liên tục. Đường kính xích đạo của nó ở lúc sinh là 6,5 mm, lúc đầu tăng lên nhanh chóng, sau đó chậm hơn tới 9,0 mm lúc 15 tuổi và tăng chậm hơn nữa để đạt tới 9,5 mm ở tuổi 90. Chiều dài của trục thấu kính tăng từ 3,5-4,0 mm lúc sinh tới 4,75-5,0 mm ở tuổi 95. Bán kính của độ cong giảm qua suốt đời người, mặt trước cho thấy sự thay đổi lớn hơn khi thấu kính dày lên. Các bán kính trung bình của các mặt trước và sau lần lượt là 10 mm và 6 mm, sự giảm trong lúc điều tiết sảy ra chủ yếu ở mặt trước.
1.1.3. Các phòng của nhãn cầu
Hình 14.3. Tiền phòng và hậu phòng của mắt
Mống mắt và thấu kính chia khoang bên trong nhãn cầu thành ba phòng: phòng trước nằm giữa mống mắt và giác mạc, phòng sau nằm giữa mống mắt và thấu kính, và phòng sau cùng nằm sau thấu kính và vùng mi. Phòng trước và phòng sau chứa thủy dịch.
Thủy dịch là một chất dịch trong suốt có thành phần giống huyết tương nhưng không có protein. Dịch này được mỏm mi tiết vào phòng sau. Từ phòng sau, thủy dịch qua con người vào phòng trước, đi tới góc mống mắt – giác mạc của phòng trước, rồi được dẫn lưu vào xoang tĩnh mạch củng mạc; dịch từ xoang được dẫn về các tĩnh mạch mi trước. Khi sự lưu thông của thủy dịch bị trở ngại, áp lực trong nhãn cầu tăng. gây nên chứng đau đầu gọi là thiên đầu thống.
Phòng sau cùng còn được gọi là phòng kính vì nó chứa thể kính. Thể kính là một khối chất keo trong suốt. Thể kính gồm dịch kính nằm trong một bao gọi là màng kính. Nằm dọc theo trục của thể kính có một ống gọi là ống kính.
1.2. Thần hinh thị giác và các đường thị giác
Hình 14.4. Thần kinh thị giác
1.2.1. Nguyên uỷ của thần kinh thị giác
Về cấu tạo, thần kinh thị giác không phải là một thần kinh thực sự mà là một dải sợi của não. Các sợi của thần kinh thị giác bắt nguồn từ, hay là sợi trục của. các nơron thuộc lớp hạch của võng mạc; các sợi trục này nằm ở lớp trong cùng của võng mạc và được bao bọc bằng các tế bào ít nhánh. Thần kinh thị giác là chặng thứ ba của đường dẫn truyền thị giác. Chặng thứ nhất của con đường này là các tế bào nón và các tế bào que của võng mạc; chúng tiếp nối với các tế bào hai cực. Các tế bào hai cực của võng mạc là chặng thứ hai; chúng tiếp nối synap với các nơron của lớp hạch võng mạc.
1.2.2. Đường đi và liên quan của thần kinh thị giác
Các sợi của thần kinh thị giác tập trung lại ở đĩa thần kinh thị, xuyên qua các lớp ngoài của võng mạc, áo mạch và lá sàng ở gần cực sau của nhãn cầu, ở trong cực sau khoảng 3 mm. Khi đi qua lá sàng, chúng bắt đầu được bọc bằng myelin và chạy thành từng bó, các bó tập hợp thành thần kinh thị giác. Thần kinh thị giác dài khoảng 4 cm; nó chạy về phía sau – trong qua phần sau ổ mắt (đoạn ổ mắt), tiếp đó đi qua ống thị giác (đoạn trong ống) vào hộp sọ, đi một đoạn trong hộp sọ (đoạn trong sọ) rồi hợp với thần kinh bên đối diện tại giao thoa thị giác. Đoạn đi trong ổ mắt, dài khoảng 25 mm, có đường đi hơi ngoằn ngoèo, dài hơn khoảng cách giữa ống thị giác và nhãn cầu khoảng 6 mm (vì thần kinh còn có một đoạn dài 6 mm đi qua các lớp áo của nhãn cầu – đoạn trong nhãn cầu). Ở phần sau ổ mắt, nó bị bao quanh bằng 4 cơ thẳng và được ngăn cách với các cơ này bằng mô mỡ; vùi trong mô mỡ này là các mạch và thần kinh mi. Hạch mi nằm giữa thần kinh thị giác và cơ thẳng ngoài. Động mạch và tĩnh mạch trung tâm võng mạc xuyên vào thần kinh ở khoảng 12 mm sau nhãn cầu rồi đi ở trung tâm của thần kinh tới đĩa thần kinh thị. Trong ống thị giác, với chiều dài khoảng 5 mm, thần kinh nằm ở phía trên – trong động mạch mắt và được ngăn cách ở phía trong với các xoang bướm và sàng sau bởi một mảnh xương mỏng; ở trước ống thị giác, thần kinh mũi mi và động mạch mắt chạy ra trước và vào trong, thường bắt chéo trên thần kinh thị giác, trong khi đó một nhánh từ phần dưới của thần kinh vận nhãn bắt chéo dưới thần kinh thị giác để tới cơ thẳng trong.
Phần trong sọ của thần kinh thị giác, dài khoảng 10 mm, chạy về phía sau – trong từ ống thị giác tới giao thoa thị giác. Các phần sau của dải khứu và hồi thẳng và động mạch não trước ở trên thần kinh, động mạch cảnh trong ở ngoài thần kinh.
Thần kinh thị giác được bọc trong một bao gồm ba lớp liên tiếp với ba lớp của màng não.
1.2.3. Giao thoa thị giác và dải thị giác
Các sợi thần kinh thị giác từ cả hai nhãn cầu kết hợp lại để tạo nên giao thoa thị giác, vốn nằm ở trên phần trước của yên Thổ Nhĩ Kì, ngay trên và trước tuyến yên. Sự bắt chéo của một phần của các sợi sảy ra tại giao thoa thị giác. Những sợi từ các nửa mũi của hai võng mạc bắt chéo nhau; những sợi từ võng mạc thái dương của mỗi võng mạc đi tới giao thoa thị giác nhưng rời khỏi đây mà không bắt chéo. Ở ngang mức giao thoa thị giác, một lượng nhỏ các sợi trục của tế bào hạch tận cùng ở nhân trên giao thoa thị giác của hạ đồi thị, nơi mà các chu kì sáng và tối của môi trường đi vào nhịp ngày đêm.
Hầu hết các sợi trục, tức các sợi của võng mạc mũi bắt chéo và của võng mạc thái dương không bắt chéo, chạy tiếp tục ở sau giao thoa thị giác như là các dải thị giác. Các dải thị giác tận cùng ở các nhân thể gối bên của đồi thị, gồ trên, vùng trước mái và một loạt các nhân nằm dọc theo dải thị giác mà tham gia vào các vận động thị giác của nhãn cầu. Tóm lại, các sợi của thần kinh thị giác đi từ nơron hạch võng mạc tới gian não và trung não.
1.2.4. Các tiếp nối trung ương
Thể gối bên (thể gối ngoài) và con đường lên vỏ não. Thể gối bên là một nhân của đồi thị. Nó tiếp nhận số lượng lớn sợi của dải thị giác. Sợi trục từ các nơron của nhân thể gối bên đi tới vùng vỏ não quanh rãnh cựa và tạo nên dải gối – cựa (tia thị). Vùng vỏ quanh rãnh cựa là vùng vỏ thị giác thứ nhất của thuỳ chẩm (diện 17 của Brodmann). Các diện 18 và 19, vốn bao quanh diện 17, tham gia vào quá trình nhận thức thị giác (xử lí thông tin thị giác).
Gò trên và các tiếp nối: Gò trên tiếp nối hỗ tương với các nơron ở vỏ não thị giác. Những nơron ở gò trên mà mà tiếp nhận thông tin thị giác cho sợi trục đi tới các nơron vận động ở tuỷ sống và cầu não qua đường dải mái – cầu và dải mái – tuỷ. Các sợi mái – cầu chuyển thông tin thị giác tới tiểu não và tham gia vào sự kiểm soát các cử động mắt qua cấu tạo lưới cầu não cạnh giữa. Dải mái – tuỷ là đường cung cấp thông tin thị giác cho các cử động phản xạ của đầu và cổ.
Vùng trước mái và các phản xạ đồng tử. Vùng trước mái là một vị trí quan trọng làm trung gian cho các phản xạ đồng tử. Nó nằm ở trước gò trên, nơi mà trung não liên tiếp với đồi thị. Vùng này tiếp nhận các sợi từ dải thị giác, rồi các nơron của nó cho sợi trục đi tới nhân Edinger – Westphal ở cả hai bên; nhân Edinger – Westphal là một thành phần của phức hợp nhân thần kinh vận nhãn. Sợi của các nơron đối giao cảm trước hạch ở nhân Edinger – Westphal ra khỏi trung não qua đường thần kinh vận nhãn và tiếp xúc synap với các nơron ở hạch mi. Sợi sau hạch từ các nơron của hạch mi đi tới cơ thắt đồng tử và cơ thể mi, cơ làm thay đổi hình dạng của thấu kính.
2. CÁC CẤU TRÚC PHỤ CỦA MẮT
Nhãn cầu được vây quanh bằng bao mạc nhãn cầu. Bao mạc có những thớ gọi là dây chằng treo nhãn cầu treo nhãn cầu vào thành ổ mắt. Khoảng nằm giữa bao mạc nhãn cầu và thành ổ mắt được lấp đầy bằng thể mỡ ổ mắt.
2.1. Các cơ ngoài nhãn cầu
Các cơ nhãn cầu còn gọi là các cơ vận nhãn, gồm các cơ thẳng (trong, ngoài, trên, dưới) và các cơ chéo (trên và dưới) cùng cơ nâng mí trên. Các cơ này làm nhiệm vụ vận động nhãn cầu và nâng mí trên (cơ nâng mí trên). Chúng do các thần kinh số III, IV và số VI chi phối.
Hình 14.5. Các cơ vận nhãn
2.2. Lông mày
Là những lông ngắn mọc dày trên những lồi da hình cung nằm ngay phía trên lỗ vào ổ mắt.
2.3. Mí mắt
Mí mắt là hai nếp da – cơ – màng di động nằm ở phía trước ổ mắt để bảo vệ nhãn cầu. Có hai mí: mí trên và mí dưới. Khoảng giữa bờ tự do của hai mí gọi là khe mí. Ở hai đầu của khe mí là các góc mắt trong và ngoài. Ở góc mắt trong có một khoang hình tam giác mà đỉnh hướng tới mũi gọi là hồ lệ. Trong hồ lệ có cục lệ. Trên mỗi bờ mí, tại các góc đáy của hồ lệ có nhú lệ. Đỉnh mỗi nhú lệ mang một lỗ nhỏ gọi là điểm lệ (lacrimal punctum), nơi mà hồ lệ thông vào tiểu quản lệ.
Bờ mỗi mí có hai viền mí: viền mí trước tròn, có lông mí và các lỗ của tuyến mi; viền mí sau áp vào nhãn cầu.
Các lớp mô tạo nên mí từ nông vào sâu gồm: da, mô dưới da, cơ, lớp xơ – sụn (sụn mí) và lớp kết mạc mí. Sụn mí chứa các tuyến sụn mí.
Hình 14.6. Mi mắt
2.4. Lớp kết mạc
Kết mạc là một màng niêm mạc mỏng lót mặt trong hai mí mắt (kết mạc mi), rồi lật ra sau phủ mặt trước nhãn cầu (kết mạc nhãn cầu). Khoang nằm giữa kết mạc mí và kết mạc nhãn cầu được gọi là túi kết mạc mà khe mí là đường vào túi. Đường lật từ kết mạc mí tới kết mạc nhãn cầu được gọi là vòm kết mạc: các vòm kết mạc trên và dưới.
2.5. Bộ lệ
Hình 14.7. Bộ lệ
Bộ lệ gồm có tuyến lệ nằm trong hố tuyến lệ ở góc trước – ngoài của thành trên ổ mắt. Nước mắt tiết ra từ tuyến lệ được các ống tiết dẫn tới vòm kết mạc trên.
Nước mắt sẽ qua điểm lệ vào các tiểu quản lệ rồi đổ vào túi lệ nằm trong hố lệ. Từ đó nước mắt được ống lệ – mũi dẫn tới ngách mũi dưới.
Cập nhật thông tin mới nhất về kiến thức y học và test y học tại facebook TEST Y HỌC
Tham gia nhóm zalo: Tài Liệu Y Học Tổng Hợp
Ôn thi nội trú, sau đại học Giải Phẫu TẠI ĐÂY