Nhập Môn Giải Phẫu Học – Giải Phẫu Y Hà Nội

Bài 1:

NHẬP MÔN GIẢI PHẪU HỌC

MỤC TIÊU

Trình bày được đối tượng và các phương pháp nghiên cứu của môn giải phẫu học người, vị trí của môn học này trong y học, tư thế và các mặt phẳng giải phẫu, các danh từ giải phẫu.

1.1. Định nghĩa và lịch sử môn giải phẫu học người

Giải phẫu học người (human anatomy) là ngành khoa học nghiên cứu cấu trúc cơ thể con người. Tuỳ thuộc vào phương tiện quan sát, giải phẫu học được chia thành hai phân môn: giải phẫu đại thể (gross anatomy hay macroscopic anatomy) nghiên cứu các cấu trúc có thể quan sát bằng mắt thường và giải phẫu vi thể (microscopic anatomy hay histology) nghiên cứu các cấu trúc nhỏ chỉ có thể nhìn thấy qua kính hiển vi. Cuốn sách này chủ yếu trình bày những mô tả giải phẫu đại thể. Ở các trường đại học y của Việt Nam, giải phẫu vi thể hay mô học là một bộ môn riêng tách rời với giải phẫu đại thể.

Việc nghiên cứu giải phẫu học được bắt đầu từ thời Ai Cập cổ đại. Về sau (ở giữa thế kỉ thứ IV trước công nguyên), Hyppocrates, “Người Cha của Y học”, đã dạy giải phẫu ở Hy Lạp. Ông đã viết một số sách giải phẫu và ở một trong những cuốn sách đó ông cho rằng “Khoa học y học bắt đầu bằng việc nghiên cứu cấu tạo cơ thể con người”. Aristotle, một nhà y học nổi tiếng khác của Hy Lạp (384-322 trước công nguyên), là người sáng lập của môn giải phẫu học so sánh. Ông cũng có nhiều đóng góp mới, đặc biệt về giải phẫu phát triển hay phôi thai học. Người ta cho rằng ông là người đầu tiên sử dụng từ “anatome”, một từ Hy Lạp có nghĩa là “chia tách ra” hay “phẫu tích”. Từ “phẫu tích – dissection” bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là “cắt rời thành từng mảnh”. Từ này lúc đầu đồng nghĩa với từ giải phẫu (anatomy) nhưng ngày nay nó là từ được dùng để chỉ một kĩ thuật để bộc lộ và quan sát các cấu trúc có thể nhìn thấy được (giải phẫu đại thể), trong khi đó từ giải phẫu chỉ một chuyên ngành hay lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà những kĩ thuật được sử dụng để nghiên cứu bao gồm không chỉ phẫu tích mà cả những kĩ thuật khác, chẳng hạn như kĩ thuật chụp X – quang.

1.2. Các phương tiện và phương thức mô tả giải phẫu

Ngoài phẫu tích, ta còn có thể quan sát được các cấu trúc của cơ thể (nhất là hệ xương – khớp, các khoang cơ thể và các cơ quan khác) trên phim chụp tia X. Cách nghiên cứu các cấu trúc cơ thể dựa trên kĩ thuật chụp tia X được gọi là giải phẫu X- quang (radiological anatomy). Giải phẫu X-quang là một phần quan trọng của giải phẫu đại thể và là cơ sở giải phẫu của chuyên ngành X-quang. Chỉ khi nào hiểu được sự bình thường của các cấu trúc trên phim chụp X-quang ta mới có thể nhận ra được các biến đổi của chúng trên phim chụp đối tượng mắc bệnh hoặc bị chấn thương. Ngày nay, đã có thêm nhiều kĩ thuật làm hiện rõ hình ảnh của các cấu trúc cơ thể (được gọi chung là chẩn đoán hình ảnh) như kĩ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT scaner), siêu âm, chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) …

Tuỳ theo mục đích nghiên cứu, có nhiều cách mô tả giải phẫu khác nhau. Ba cách tiếp cận chính trong nghiên cứu giải phẫu là giải phẫu hệ thống, giải phẫu vùng và giải phẫu bề mặt. Giải phẫu hệ thống (systemic anatomy) là cách mô tả mà ở đó cấu trúc của từng hệ cơ quan (thực hiện một hay một số chức năng nào đó của cơ thể) được trình bày riêng biệt. Giải phẫu hệ thống thích hợp với mục đích giúp người học hiểu được chức năng của từng hệ cơ quan. Các hệ cơ quan của cơ thể là: hệ da, hệ xương, hệ khớp, hệ cơ, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ tiết niệu, hệ sinh dục và hệ nội tiết. Các giác quan là một phần của hệ thần kinh.

Giải phẫu vùng (regional anatomy) hay giải phẫu định khu (topographical anatomy) là nghiên cứu và mô tả giải phẫu của tất cả các cấu trúc thuộc các hệ cơ quan khác nhau trong một vùng, đặc biệt là những liên quan của chúng với nhau. Kiến thức giải phẫu định khu rất cần đối với những thầy thuốc lâm sàng hàng ngày phải thực hành khám và can thiệp trên bệnh nhân. Cơ thể được chia thành những vùng lớn sau đây: ngực, bụng, đáy chậu và chậu hông, chi dưới, chỉ trên, lưng, đầu và cổ. Mỗi vùng này lại được chia thành những vùng nhỏ hơn.

Giải phẫu bề mặt (surface anatomy) là mô tả hình dáng bề mặt cơ thể người, đặc biệt là những liên quan của bề mặt cơ thể với những cấu trúc ở sâu hơn như các xương và các cơ. Mục đích chính của giải phẫu bề mặt là giúp người học hình dung ra những cấu trúc nằm dưới da. Ví dụ, ở những người bị vết thương do dao đâm, thầy thuốc phải hình dung ra những cấu trúc bên dưới vết thương có thể bị tổn thương. Nói chung, thầy thuốc phải có kiến thức giải phẫu bề mặt khi khám cơ thể bệnh nhân.

Giải phẫu phát triển (developmental anatomy) là nghiên cứu và mô tả sự tăng trưởng và phát triển cơ thể. Sự tăng trưởng và phát triển diễn ra qua suốt đời người, nhưng quá trình phát triển thể hiện rõ nét nhất ở giai đoạn trước khi sinh, đặc biệt là ở thời kì phôi (4 tới 8 tuần). Tốc độ tăng trưởng và phát triển chậm lại sau khi sinh, nhưng vẫn có sự cốt hoá tích cực và những thay đổi quan trọng khác trong thời thơ ấu và niên thiếu (chẳng hạn như sự phát triển của răng và não).

Mô tả giải phẫu đơn thuần là một công việc nhàm chán nếu không liên hệ kiến thức giải phẫu với kiến thức của những môn học khác có liên quan. Những cách tiếp cận khác trong mô tả giải phẫu hiện nay là giải phẫu lâm sàng và giải phẫu chức năng. Giải phẫu lâm sàng (clinical anatomy) nhấn mạnh đến sự ứng dụng thực tế của các kiến thức giải phẫu đối với việc giải quyết các vấn đề lâm sàng, và, ngược lại, sự áp dụng của các quan sát lâm sàng tới việc mở rộng các kiến thức giải phẫu. Trong mô tả các chi tiết giải phẫu, người giảng giải phẫu lâm sàng chú ý lựa chọn những chi tiết tạo nên nền tảng giải phẫu cần thiết cho nhà lâm sàng. Giải phẫu chức năng (functional anatomy) là sự kết hợp giữa mô tả cấu trúc với mô tả chức năng.

1.3. Vị trí của môn giải phẫu học trong y học

Trong y học, giải phẫu học đóng vai trò của một môn học cơ sở. Kiến thức giải phẫu học người là kiến thức nền tảng, giúp ta hiểu được hoạt động của cơ thể người (sinh lí học). Fernel nói rằng “Giải phẫu học cần cho sinh lí học giống như môn địa lí cần cho môn lịch sử”. Giải phẫu học cũng là nền tảng kiến thức căn bản của tất cả các chuyên ngành lâm sàng. Chỉ khi hiểu rõ vị trí, hình thể, kích thước, cấu tạo và liên quan của mỗi cơ quan/bộ phận của cơ thể thầy thuốc mới có thể khám và phát hiện được tình trạng bệnh lí của chúng cũng như mới có thể điều trị/can thiệp (chẳng hạn như phẫu thuật) một cách đúng đắn. Một bác sĩ lâm sàng khám chữa bệnh, nhất là phẫu thuật viên, mà không nắm vững giải phẫu thì chẳng khác nào một người vượt biển lạ mà không có hải đồ.

1.4. Thuật ngữ giải phẫu và thuật ngữ y học

Thuật ngữ giải phẫu bao gồm ít nhất 4500 từ. Số từ vựng giải phẫu tạo nên phần lớn số từ vựng y học, vì thế có thể nói rằng thuật ngữ giải phẫu là nền tảng của thuật ngữ y học. Mỗi chi tiết giải phẫu có một tên gọi riêng. Mỗi danh từ giải phẫu phải đảm bảo yêu cầu mô tả được đúng nhất chi tiết giải phẫu mà nó đại diện. Thuật ngữ giải phẫu quốc tế có nguồn gốc từ tiếng Latin, tiếng Ả Rập và tiếng Hy Lạp nhưng đều được thể hiện bằng kí tự và văn phạm tiếng Latin. Trên con đường tiến tới một bản danh pháp giải phẫu quốc tế hợp lí nhất và để bổ sung thêm tên gọi của những chi tiết mới được phát hiện, đã có nhiều thế hệ danh pháp giải phẫu Latin khác nhau được lập ra qua các kì hội nghị giải phẫu quốc tế. Bản danh pháp mới nhất là Thuật ngữ Giải phẫu Quốc tế TA (International Anatomical Terminology – Terminologia Anatomica) được Hiệp hội Các Nhà Giải phẫu Quốc tế (International Federation of Anatomists) chấp thuận năm 1998. Tập bài giảng này sử dụng các danh từ dịch từ bản tiếng Anh. Hiện nay, các danh từ giải phẫu mang tên người phát hiện (gọi là các eponyms) đã hoàn toàn được thay thế.

1.5. Tư thế giải phẫu

Tất cả các mô tả giải phẫu được trình bày trong mối liên quan với tư thế giải phẫu để đảm bảo rằng các mô tả đó được rõ ràng và chính xác. Một người ở tư thế giải phẫu là một người đứng thẳng với: đầu, mắt và các ngón chân hướng ra trước, các gót chân và các ngón chân áp sát nhau, và hai tay buông thông ở hai bên với các gan bàn tay hướng ra trước.

1.5.1. Các mặt phẳng giải phẫu (Hình 1)

Những mô tả giải phẫu được dựa trên bốn loại mặt phẳng giải phẫu cắt qua cơ thể ở tư thế giải phẫu. Có nhiều mặt phẳng đứng dọc, đứng ngang và nằm ngang nhưng chỉ có một mặt phẳng đứng dọc giữa. Tác dụng chính của các mặt phẳng giải phẫu là để mô tả các mặt cắt và các hình ảnh của cơ thể.

Mặt phẳng đứng dọc giữa (median sagittal plane) hay mặt phẳng giữa (median sagittal) là mặt phẳng thẳng đứng đi dọc qua trung tâm của cơ thể, chia cơ thể thành các nửa phải và trái.

Các mặt phẳng đứng dọc (sagittal planes) là những mặt phẳng thẳng đứng đi qua cơ thể song song với mặt phẳng đứng dọc giữa. Sẽ rất có ích nếu chỉ rõ vị trí của mỗi mặt phẳng bằng cách đưa ra một điểm mốc, chẳng hạn như mặt phẳng đứng dọc qua điểm giữa xương đòn.

Các mặt phẳng đứng ngang (coronal/frontal planes) là những mặt phẳng thẳng đứng đi qua cơ thể vuông góc với mặt phẳng đứng dọc giữa, chia cơ thể thành các phần trước và sau.

Các mặt phẳng nằm ngang (horizontal planes) là các mặt phẳng đi qua cơ thể vuông góc với các mặt phẳng đứng dọc giữa và đứng ngang. Một mặt phẳng nằm ngang chia cơ thể thành các phần trên và dưới. Cũng cần có một điểm tham chiếu chỉ rõ mức cắt của nó, chẳng hạn như một mặt phẳng nằm ngang đi qua rốn. Trong hệ ngôn ngữ Latin có hai từ chỉ mặt phẳng nằm ngang: horizontal plane và transverse plane. Tuy nhiên, từ transverse plane còn chỉ một mặt phẳng bất kì thẳng góc với trục dọc của một cơ quan hay bộ phận nào đó của cơ thể. Ví dụ, một mặt cắt ngang (transverse section) qua bàn tay trùng với mặt phẳng nằm ngang nhưng nhưng một mặt cắt ngang qua bàn chân thì ở trên mặt phẳng đứng ngang. Các nhà X – quang gọi các mặt phẳng nằm ngang là các mặt phẳng ngang qua trục (transaxial planes) hay chỉ đơn giản là các mặt phẳng trục (axial planes) vốn thẳng góc với trục dọc của cơ thể và các chi.

Các mặt phẳng của cơ thể và các từ định hướng - giải phẫu học
Hình 1: Các mặt phẳng của cơ thể và các từ định hướng – giải phẫu học

1.5.2. Các từ chỉ mối quan hệ vị trí và so sánh

Có nhiều tính từ được sử dụng để mô tả mối liên hệ về vị trí của các phần cơ thể ở tư thế giải phẫu bằng cách so sánh vị trí tương đối của hai cấu trúc với nhau, một cấu trúc đơn lẻ với bề mặt hoặc đường giữa, hay một cấu trúc với các cực cơ thể. Dưới đây là những từ thường được sử dụng.

Trên (superior/cranial/cephalic) là nằm gần hơn về phía đầu; ví dụ nói “tim nằm trên cơ hoành” nghĩa là nói tim nằm gần đầu hơn cơ hoành, nói cái gì đó đi về phía đầu tức là nói đi về phía trên.

Dưới (inferior/caudal) là nằm gần hơn về phía bàn chân; ví dụ nói “dạ dày nằm dưới tim” nghĩa là nói dạ dày nằm gần bàn chân hơn so với tim. Lưu ý rằng mặt dưới bàn chân được gọi là gan chân (sole).

Trước (anterior) hay bụng (ventral) là ở gần hơn về phía mặt trước (mặt bụng) cơ thể hơn; ví dụ, nói “xương ức nằm trước tim” nghĩa là nói xương ức nằm gần mặt trước cơ thể hơn tim. Lưu ý rằng mặt trước của bàn tay được gọi là mặt gan tay hay gan tay (palm). Trong mô tả giải phẫu não, từ mỏ (rostral) cũng có nghĩa là trước.

Sau (posterior) hay lưng (dorsal) là nằm gần hơn về phía mặt sau (mặt lưng) cơ thể; ví dụ nói “thận nằm sau tuy” nghĩa là thận nằm gần mặt sau cơ thể hơn tuy. Mặt sau bàn tay được gọi là mu bàn tay (dorsum of hand).

Bên (lateral) và giữa (medial). Bên là nằm xa mặt phẳng dọc giữa hơn, còn giữa thì ngược lại. Trong tiếng Việt các từ bên và giữa thường được dịch là trongngoài mặc dù dịch như thế đôi khi có thể nhầm với nôngsâu, bên trongbên ngoài. Ví dụ nói “mũi nằm ở phía trong của mắt” nghĩa là nói mũi ở gần mặt phẳng đứng dọc giữa hơn mắt. Vì giữa (trong) và bên (ngoài) khi áp dụng vào các chỉ có thể dẫn tới hiểu lầm. người ta thường dùng tên các xương của cẳng tay và cẳng chân làm các từ chỉ vị trí. Ở chỉ trên, xương quay là xương nằm ngoài, xương trụ nằm trong. Như vậy, các từ “phía trụ” và “phía trong“, “phía quay” và “phía ngoài” đồng nghĩa với nhau. Ở chỉ dưới, các từ chảy và mác lần lượt đồng nghĩa với trong và ngoài. Trong nha khoa, từ mesial tương đương với từ medial và có nghĩa là “gần hơn về phía đường giữa cung răng”

Gần (proximal) và xa (distal). Gần nghĩa là nằm gần thân hoặc là điểm nguyên ủy (điểm gốc) của một mạch máu, một thần kinh, một chỉ hoặc một cơ quan.. hơn; xa có nghĩa ngược lại. Ở các chi, gần nghĩa là gần gốc chỉ hơn, ví dụ nói “đùi nằm ở đầu gần của chi dưới”.

Nông (superficial) là nằm gần bề mặt hơn và sâu (deep) là nằm xa bề mặt hơn; ví dụ xương cánh tay nằm sâu dưới các cơ và da.

Bên trong (internal) là ở gần hơn về phía trung tâm của một cơ quan hay khoang rỗng, bên ngoài (external) thì ngược lại; ví dụ động mạch cảnh ngoài đi bên ngoài hộp sọ, động mạch cảnh trong có đoạn đi trong hộp sọ. Như đã nói ở trên, đôi khi có thể hiểu nhằm nghĩa của cặp từ bên ngoài/bên trong với cặp từ giữa/bên (khi dịch giữa/bên thành trong/ngoài).

Cập nhật thông tin mới nhất về kiến thức y học và test y học tại facebook TEST Y HỌC

Tham gia nhóm zalo: Tài Liệu Y Học Tổng Hợp

Ôn thi nội trú, sau đại học Giải Phẫu TẠI ĐÂY

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one