Đại Cương Về Hệ Xương – Khớp – Giải Phẫu Y Hà Nội

Bài 1

ĐẠI CƯƠNG VỀ HỆ XƯƠNG – KHỚP

MỤC TIÊU

  1. Trình bày được những kiến thức chung nhất về hình thể, cấu tạo và sự cốt hoá của hệ xương
  2. Trình bày được cách phân loại khớp và những đặc điểm cấu tạo của mỗi loại khớp

1. ĐẠI CƯƠNG VỀ HỆ XƯƠNG

Xương là những cơ quan được cấu tạo chủ yếu bằng mô xương, một loại mô liên kết rắn. Bộ xương đảm nhiệm các chức năng: nâng đỡ cơ thể, bảo vệ và làm chỗ dựa cho các cơ quan, và vận động (cùng hệ cơ – khớp); bộ xương cũng là nơi sản sinh các tế bào máu và là kho dự trữ chất khoáng và chất béo.

Bộ xương người phía trước và phía sau

Hình 1.1. Bộ xương người

1.1. Số lượng và phân chia

206 xương của bộ xương người được sắp xếp thành hai phần: 80 xương của bộ xương trục và 126 xương của bộ xương treo. Bộ xương trục (axial skeleton) gồm 22 xương sọ, 1 xương móng, 6 xương nhỏ của tai và 51 xương thân (gồm 26 xương cột sống, 24 xương sườn và 1 xương ức). Bộ xương treo hay xương chi (appendicular skeleton) gồm 64 xương chi trên và 62 xương chi dưới.

1.2. Cấu tạo

1.2.1. Cấu tạo chung của các loại xương

Bất kỳ một xương nào cũng được cấu tạo bằng các phần sau đây, kể từ ngoài vào trong: màng ngoài xương, mô xương đặc, mô xương xốp và ổ tuỷ. Mô xương thuộc loại mô liên kết, bao gồm các tế bào bị vây quanh bởi chất căn bản rắn đặc. Chất căn bản của xương bao gồm 25% nước, 25% sợi protein và 50% muối khoáng. Các loại tế bào của mô xương là tạo cốt bào, huỷ cốt bào và tế bào xương.

Màng ngoài xương (periosteum), hay ngoại cốt mạc, là một màng mô liên kết dai giàu mạch máu bọc quanh bề mặt xương (trừ nơi có sụn khớp). Màng này gồm hai lớp: lớp ngoài là mô sợi, lớp trong chứa các tế bào sinh xương (osteogenic cells). Màng ngoài xương giúp xương phát triển về chiều rộng. Nó cũng có tác dụng bảo vệ và nuôi dưỡng xương, giúp liền xương gãy và là nơi bám cho các dây chằng và gân. Sụn khớp là một lớp sụn trong bao phủ mặt khớp của các xương. Nó làm giảm ma sát và làm giảm sự và chạm tại những khớp hoạt dịch.

Xương đặc (compact bone) là thành phần đóng vai trò chính trong chức năng bảo vệ, nâng đỡ và kháng lại lực nén ép của trọng lực hay sự vận động. Mô xương đặc được tổ chức thành những đơn vị được gọi là các hệ thống Havers. Mỗi hệ thống Havers bao gồm một ống Havers ở trung tâm chứa các mạch máu, mạch bạch huyết và thần kinh. Bao quanh ống này là các lá xương đồng tâm. Giữa các lá xương là những khoang nhỏ (gọi là các hồ) chứa các tế bào xương và dịch ngoại bào. Ống Havers và các hồ được nối liền bằng những kênh nhỏ gọi là các tiểu quản xương. Vùng nằm giữa các hệ thống Havers chứa các lá xương kẽ. Các lá xương bảo quanh xương ở ngay dưới màng ngoài xương là các lá chu vi ngoài.

Xương xốp (spongy bone) do nhiều bè xương bắt chéo nhau chằng chịt tạo nên một mạng lưới vây quanh các khoang nhỏ, trông như bọt biển. Khoang nằm giữa các bè xương chứa tuỷ đỏ (red bone marrow), nơi sản xuất các tế bào mẫu. Mỗi bè của xương xốp, cũng được cấu tạo bằng các lá xương, các hồ chứa các tế bào xương và các tiểu quản nhưng không có các hệ thống Havers thực sự.

Ổ tuỷ (medullary cavity) là khoang rỗng bên trong thân xương dài chứa tuỷ vàng (yellow bone marrow). Thành ổ tuỷ được lót bằng nội cốt mạc (endosteum). Tuỷ vàng chứa nhiều tế bào mỡ.

1.2.2. Đặc điểm cấu tạo riêng của mỗi loại xương

Xương dài: Ở thân xương (diaphysis), lớp xương đặc dày ở giữa và mỏng dần về phía hai đầu; lớp xương xốp thì ngược lại. Ở hai đầu xương (epiphysis), lớp xương đặc chỉ còn là một lớp mỏng, bên trong là khối xương xốp chứa tuỷ đỏ.

Xương ngắn có cấu tạo giống như đầu xương dài.

Xương dẹt gồm hai bản xương đặc kẹp ở giữa là một lớp xương xốp.

Cấu trức của xương dài, cấu trúc của xương ngắn, cấu trúc của xương dẹt

Hình 1.2. Cấu trúc của các loại xương

1.3. Hình thể ngoài

Dựa vào hình thể ngoài và cấu tạo, có thể chia xương thành các loại như xương dài (long bone), xương ngắn (short bone), xương dẹt (flat bone), xương không đều (irregular bone), xương có hốc khi (pneumatized bone) và xương vững (sesamoid bone). Các loại xương với những hình thể khác nhau kể trên thích ứng với các chức năng riêng biệt, ví dụ như xương dài có khả năng vận động với động tác rộng rãi, xương dẹt thiên về chức năng bảo vệ v.v… Các xương dài có một thần xương nằm giữa các đầu: thân và mỗi đầu xương được ngăn cách nhau bằng một sụn đầu xương.

1.4. Các mạch máu của xương

Xương được cấp máu tốt nhờ hai loại động mạch: các động mạch nuôi xương và các động mạch màng xương.

Với một xương dài, các động mạch nuôi xương thường gồm một động mạch lớn chạy chếch qua xương đặc qua một lỗ nuôi xương (nutrient foramen) ở gần giữa thân xương đến 6 tuỷ xương và một số động mạch nhỏ đi vào đầu xương. Trong ổ tủy xương, động mạch lớn chia thành các nhánh gần và xa chạy dọc theo chiều dài của ổ tuỷ và phân chia thành các nhánh nhỏ dần đi vào mô xương của thân xương; các động mạch còn lại nuôi dưỡng cho mô xương và tuỷ đỏ của đầu xương.

Các động mạch màng xương cấp máu cho màng ngoài xương (trừ các mặt khớp); một số nhánh mạch rất nhỏ chui qua màng ngoài xương tới phần ngoài xương đặc và nối tiếp với các nhánh của động mạch nuôi xương từ phía ổ tuỷ đi ra.

1.5. Sự hình thành và phát triển của xương

Quá trình hình thành xương được gọi là sự cốt hoá. Quá trình này bắt đầu từ tuần thứ sáu hoặc thứ bảy từ hai dạng khuôn mẫu là màng mô liên kết đặc của phôi và các miếng sụn giống với hình dáng của các xương. Có hai cách cốt hoá: cốt hoá nội màng và cốt hoá nội sụn.

Cốt hoá nội màng: Cốt hoá nội màng là hình thức cốt hoá tạo nên các xương dẹt của sọ và xương hàm dưới. Các tế bào trung mô trong màng mô lên kết sợi của phôi tập trung lại và biệt hoá, trước hết thành các tế bào sinh xương và sau đó thành các tạo cốt bào. Nơi diễn ra sự tụ lại và biệt hoá như vậy được gọi là một trung tâm cốt hóa. Các tạo cốt bào tiết ra chất căn bản xương cho tới khi chúng bị vây quanh hoàn toàn bởi chất căn bản. Chất căn bản ngấm calci (calci hoá) và trở nên cứng, các tạo cốt bào trở thành các tế bào xương. Chất căn bản xương phát triển thành các bè và các bè hợp lại với nhau tạo nên xương xốp. Các mạch máu tiến vào các bè xương và mô liên kết đi kèm theo các mạch máu trong các bè này biệt hoá thành tuỷ xương đỏ. Trung mô trên bề mặt xương kết đặc lại trở thành màng xương. Cuối cùng, các lớp ngoài cùng của xương xốp được thay thế bằng xương đặc do màng xương sinh ra nhưng xương xốp vẫn tồn tại ở trung tâm.

Cốt hoá nội sụn: Cốt hoá nội sụn là sự thay thế sụn bằng xương và hầu hết các xương được hình thành theo cách này. Quá trình cốt hoá nội sụn diễn ra như sau:

(1) Sự hình thành mô hình sụn: Các tế bào trung mô tụ tập lại tại vị trí của xương tương lai và biệt hoá thành các nguyên bào sụn; nguyên bào sụn tiết ra chất căn bản sụn, tạo nên mô hình của xương tương lai bằng sụn trong. Quanh mô hình sụn hình thành màng sụn.

(2) Mô hình sụn tăng trưởng: Khi nguyên bào sụn bị vùi trong chất căn bản sụn, chúng trở thành các tế bào sụn. Các tế bào sụn phân chia, tiết thêm chất căn bản làm cho sụn tăng trưởng về chiều dài. Các nguyên bào sụn mới phát triển từ màng sụn và chúng bồi đắp thêm chất căn bản vào bề mặt của mô hình, làm cho mô hình tăng trưởng về bề dày.

Khi mô hình sụn tiếp tục tăng trưởng, các tế bào ở vùng giữa của nó phì đại, vỡ ra và làm thay đổi pH của chất căn bản, dẫn đến sự calci hoá và sự chết thêm của các tế bào sụn khác. Khi các tế bào sụn chết, các hồ nhỏ hình thành và cuối cùng hợp lại thành những hốc lớn hơn.

(3) Hình thành trung tâm cốt hóa nguyên phát: Một động mạch xuyên vào màng sụn và mô hình sụn đang calci hoá qua một lỗ ở vùng giữa mô hình, kích thích các tế bào sinh xương trong màng sụn biệt hoá thành các tạo cốt bào. Các tế bào này tiết ra ở dưới màng sụn một lớp xương đặc mỏng gọi là xương màng xương và màng sụn lúc này được gọi là màng xương. Các mạch máu cùng các thành phần đi theo (tạo cốt bào, huỷ cốt bào và tuỷ đỏ) hợp thành một nụ tiến sâu vào vùng sụn đã calci hoá tạo nên trung tâm cốt hóa nguyên phát, vùng mà mô xương sẽ thay thế sụn. Các tạo cốt bào tiết chất căn bản xương lên tàn tích của sụn bị calci hoá, tạo nên các bè xương xốp. Khi trung tâm cốt hoá mở rộng về các đầu xương, các huỷ cốt bào phá huỷ các bề xương xốp mới được hình thành, tạo nên ổ tủy ở trung tâm của mô hình. Sau đó ở tuy được lấp đầy bằng tuỷ xương đỏ.

(4) Hình thành các trung tâm cốt hoá thứ phát: Khi các mạch máu đi vào các đầu xương, các trung tâm cốt hoa thứ phát hình thành, thường ở quanh thời gian sinh. Sự cốt hoá diễn ra như ở các trung tâm cốt hoá nguyên phát nhưng có một điểm khác biệt là xương xốp vẫn tồn tại bên trong đầu xương mà không bị tiêu đi để hình thành ổ tuỷ. Sự cốt hóa thứ phát tiến từ trung tâm đầu xương tới mặt ngoài của xương.

(5) Sự hình thành sụn khớp và sụn đầu xương: Phần sụn trong che phủ đầu xương trở thành sụn khớp. Trước tuổi trưởng thành, cách vùng giữa đầu xương và thân xương (metaphysis) vẫn tồn tại một tấm sụn gọi là sụn đầu xương, một cấu trúc giúp xương dài tăng trưởng về chiều dài.

1.6. Sự tăng trưởng của xương

Tăng trưởng về chiều dài: Sụn đầu xương ở xương đang phát triển có khả năng tăng sinh và mặt hướng về thân xương của nó được cốt hoá làm cho chiều dài thân xương tăng dần. Ở giữa 18 và 25 tuổi, các tế bào ở sụn đầu xương ngừng phân chia và tấm sụn được thay thế bằng xương. Vết tích của sụn đầu xương ở xương trưởng thành là đường đầu xương.

Tăng trưởng về chiều dày: Ở bề mặt xương, các tế bào màng xương biệt hoá thành các tạo cốt bào và các tế bào này tạo nên các hệ thống Havers mới, làm cho mô xương mới được bồi đắp lên mặt ngoài của xương. Trong khi đó mô xương lót thành ổ tuỷ bị tiêu huỷ bởi các huỷ cốt bào có mặt ở nội cốt mạc. Theo cách này, ổ tủy rộng ra khi đường kính của xương tăng lên.

Sự tăng trưởng của xương màng về cơ bản là bằng một quá trình bồi đắp thêm xương trên bề mặt và các bờ xương. Ví dụ như sự đóng dẫn của các thóp (vùng nằm giữa các bờ và góc xương vòm sọ): xương tiến dần vào màng thóp bằng cách bồi đắp thêm xương vào các bờ xương; đồng thời, màng xương bồi đắp thêm xương lên bề mặt xương.

1.7. Sự tái tạo xương

Khi gẫy xương, ở giữa hai đầu xương gẫy sẽ hình thành một khối máu tụ. Tiếp đó, khối máu tụ này biến thành can xơ – sụn rồi thành can xương (bằng xương xốp) liên kết các đầu gãy của xương. Cuối cùng, mô xương chết ở các đầu gãy được tiêu đi, đồng thời can xương xốp ở ngoại vi của chỗ gãy được thay thế bằng xương đặc.

2. ĐẠI CƯƠNG VỀ HỆ KHỚP

Khớp (joint) là nơi liên kết giữa hai hoặc nhiều xương. Các khớp được phân loại theo cấu tạo và chức năng của chúng. Theo cấu tạo, các khớp được chia thành ba loại: khớp sợi, khớp sụn và khớp hoạt dịch. Dựa vào mức độ hoạt động, các khớp được chia thành ba loại: khớp bất động (synarthrosis), khớp bán động (amphiarthrosis) và khớp động (diarthrosis).

2.1. Khớp sợi (fibrous joint)

Đây là các khớp không có ổ khớp, các xương được giữ rất chặt với nhau bằng mô liên kết sợi, và có ít hoặc không có cử động giữa các xương tiếp khớp. Có ba loại khớp sợi là đường khớp, khớp chằng và khớp răng – huyệt răng. Một đường khớp (suture) là một khớp sợi mà ở đó các xương nằm rất sát nhau và chỉ có một lớp mô sợi mỏng liên kết các xương. Đường khớp là kiểu liên kết điển hình giữa các xương sọ và về chức năng, đây là khớp bất động. Một khớp chằng (syndesmosis) là một khớp sợi mà, nếu so với đường khớp, có một khoảng cách lớn hơn giữa các xương tiếp khớp và vì thế có nhiều mô sợi hơn. Mô sợi có thể là một màng gian cốt (chẳng hạn như giữa các xương chày và mác) hoặc dây chằng. Khớp chẳng cho phép một mức cử động hạn chế gia các xương tiếp khớp và được xếp vào loại khớp bán động. Một khớp răng – huyệt răng (gomphosis) là khớp sợi giữa một chân răng hình nón với huyệt răng; mô liên kết sợi giữa chân răng và huyệt răng được gọi là dây chẳng quanh răng. Khớp răng-huyệt răng là khớp bất động.

2.2. Khớp sụn (cartilaginous joint)

Khớp sụn là khớp mà ở đó các xương tiếp khớp được liên kết chặt với nhau bằng sụn trong hoặc sụn – sợi. Giống như khớp sợi, khớp sụn không có ổ khớp và chỉ cho phép một mức cử động hạn chế hoặc không. Có hai loại khớp sụn: khớp sụn trong và khớp sụn – sợi.

Khớp sụn trong (synchondrosis) là cấu trúc tạm thời chỉ có ở bộ xương chưa trưởng thành. Đây là khớp sụn mà ở đó vật liệu liên kết là sụn trong. Các ví dụ về khớp sụn trong là tấm sụn đầu xương (epiphysial cartilage) kết nối đầu xương và thân xương của một xương dài đang phát triển, sụn nối xương sườn thứ nhất và xương ức, những sụn liên kết xương cánh chậu, xương ngồi và xương mu. Khi xương ngừng phát triển về chiều dài, sụn trong được thay thế bằng xương và khớp sụn biến thành một liên kết xương (bony union; synostosis). Về chức năng, khớp sụn trong là khớp bất động.

Khớp sụn – sợi (symphysis) là một khớp sụn mà ở đó đầu của các xương tiếp khớp được phủ bằng sụn trong, nhưng hai đầu xương được phủ sụn này được kết nối bằng một đĩa sụn – sợi. Tất cả các khớp sụn – sợi nằm trên đường giữa của cơ thể. Khớp sụn – sợi mu, khớp giữa cán ức và thân ức, và khớp giữa các thân đốt sống là những khớp sụn – sợi. Khớp sụn – sợi thuộc loại khớp bán động. Khả năng cử động hạn chế mà khớp sụn – sợi có được là nhờ đĩa sụn – sợi có khả năng chịu được sức nén ép (hay đàn hồi).

Các loại khớp: khớp chằng chày - mác, đường khớp ở sọ, khớp răng-huyệt răng

Hình 1.3. Các loại khớp sợi

a. Đường khớp ở sọ b. Khớp chằng chày – mác c. Khớp răng – huyệt răng

2.3. Khớp hoạt dịch (synovial joint) hay khớp động (diarthrosis)

Khớp hoạt dịch là khớp có một khoang gọi là ổ khớp (articular cavity) ở giữa các xương tiếp khớp. Ô này chứa chất hoạt dịch làm trơn khớp, cho phép khớp cử động tự do. Tất cả các khớp hoạt dịch là những khớp động. Loại khớp này có mặt phổ biến ở các chi. Ở thân, khớp đội – chấm, các khớp đội-trục, các khớp sườn – đốt sống và các khớp sườn – mỏm ngang cũng là những khớp hoạt dịch.

2.3.1. Cấu tạo của khớp hoạt dịch

Tất cả các khớp hoạt dịch đều được tạo nên từ những thành phần như sau:

Mặt khớp (articular surface) là bề mặt tiếp khớp của các xương tham gia cấu tạo khớp. Mặt khớp có hình thể khác nhau tùy từng loại khớp và được phủ bằng sụn khớp (articular cartilage); sụn khớp thuộc loại sụn trong (hyaline cartilage). Lớp sụn này làm cho mặt khớp nhấn và dễ trượt. Những mặt khớp lõm được gọi là hố khớp (articular fossa). Khi các mặt khớp có hình thể chưa thật thích ứng với nhau, có thể có thêm sụn viền (labrum) để làm cho mặt khớp lõm sâu thêm hoặc một sụn chêm (meniscus) nằm xen giữa phần ngoại vi của hai mặt khớp. Cũng có khi hai mặt khớp không tiếp xúc trực tiếp với nhau mà giãn cách nhau bởi một đĩa sụn – sợi gọi là đĩa khớp (articular disc). Đĩa khớp có hai mặt thích ứng với các mặt khớp của hai xương tiếp khớp. Chẳng hạn, nếu mặt khớp của hai xương đều lồi thì đĩa khớp sẽ có hai mặt lõm.

Bao khớp (joint/articular capsule) là một bao hình ống bọc quanh khớp và liên kết các xương tiếp khớp với nhau. Bao đủ lỏng để khớp có thể cử động tự do nhưng cũng đủ chắc để giữ cho khớp khỏi bị trật. Bao khớp do hai lớp tạo nên, lớp hay màng xơ (fibrous layer/membrane) ở ngoài và màng hoạt dịch (synovial membrane/layer) ở trong. Mỗi đấu của lớp xơ bao khớp dính vào màng xương ở quanh một đầu xương và đường dính này ít nhiều ở cách xa rìa (bờ chu vi) sụn khớp. Màng hoạt dịch là một lớp tế bào biểu mô lót mặt trong lớp xơ của bao khớp cho tới chỗ lớp này dính vào xương thì lật lên bọc phần đầu xương trong bao khớp tới tận rìa sụn khớp. Ngoài ra, màng hoạt dịch còn bao bọc những cấu trúc nằm trong bao khớp mà không chịu trọng lực (như sụn viền, gân, dây chằng trong bao khớp). Màng hoạt dịch cùng với các mặt khớp giới hạn nên ở khớp (articular cavity). Nó tiết ra một dịch dính, đặc như lòng trắng trứng gọi là hoạt dịch (synovial fluid). Các tác dụng của chất này là bôi trơn các mặt khớp, cung cấp các chất dinh dưỡng cho những cấu trúc bên trong ổ khớp và qua đó giúp duy trì tính bền vững của khớp. Chất dịch giữ cho các mặt khớp không tách rời nhau, giống như khi giữa hai mặt kính có một ít nước. Ổ khớp đổi khi bị phân chia một phần hoặc hoàn toàn bởi một đĩa khớp hoặc sụn chêm.

Sơ đồ cấu tạo của khớp hoạt dịch

Hình 1.4. Sơ đồ cấu tạo khớp hoạt dịch

Những túi nhỏ chứa hoạt dịch (hay các túi thanh mạc) có mặt ở một số khớp. Chúng có tác dụng như những cái đệm chống lại ma sát giữa một xương và một dây chằng hoặc gân, hay giữa xương và da, nơi mà một xương tham gia cấu tạo khớp ở gần bề mặt da.

Các dây chằng (ligaments) là phương tiện giữ cho khớp vững chắc thêm. Có ba loại dây chằng: dây chằng bao khớp (capsular ligaments) là chỗ dày lên của bao khớp, dây chằng ngoài bao khớp (extracapsular ligaments) và dây chằng trong bao khớp (intracapsular ligaments). Những cơ và gân đi qua một khớp không những có chức năng vận động khớp mà còn có vai trò giữ khớp.

Thần kinh và mạch máu: Những thần kinh chỉ phối cho một khớp cũng chính là những thần kinh chỉ phối cho những cơ vận động khớp đó. Những động mạch nằm gần một khớp hoạt dịch thường tách ra những nhánh xuyên vào bao khớp và các dây chẳng của khớp. Riêng sụn khớp được nuôi dưỡng bằng chất hoạt dịch.

2.3.2. Phân loại khớp hoạt dịch

Các khớp hoạt dịch có cấu tạo chung như nhau nhưng hình thể của các mặt tiếp khớp thì gồm nhiều loại khác nhau. Dựa vào hình dạng của các mặt tiếp khớp, khớp hoạt dịch được chia thành sáu loại: khớp phẳng, khớp bản lề, khớp trục, khớp chỏm, khớp lồi cầu và khớp yên.

Khớp phẳng (plane joint) hay khớp trượt: Mặt tiếp khớp của hai xương phẳng hoặc hơi cong chỉ cho phép chúng trượt lên nhau một cách hạn chế. Khớp ức – đòn, khớp cùng vai đòn, những khớp giữa các xương cổ tay và những khớp giữa các xương cổ chân là những khớp phẳng. Khớp phẳng thuộc loại khớp không trục.

Khớp bản lề (hinge joint) hay khớp ròng rọc: Ở loại khớp này, mặt khớp của một xương lồi hình ròng rọc, mặt khớp của xương kia là một khuyết lõm để ròng rọc lắp vào. Những cử động của khớp bản lề chỉ là gấp và duỗi giống như tại bản lề của một cánh cửa. Khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ chân, khớp đội – chẩm và các khớp gian đốt ngón của ngón tay và ngón chân là những khớp bản lề. Các khớp bản lề thuộc loại khớp đơn trục.

Các loại khớp hoạt dịch chính xếp theo hình thể

Hình 1.5. Các loại khớp hoạt dịch chính ( xếp theo hình thể)

a: Khớp chỏm cầu (khớp hông), c: Khớp bản lề d: Khớp phẳng (khớp 2 xương cổ chân),

e: Khớp trục (khớp CI – CII), f: Khớp lồi cầu (khớp đốt bàn tay – ngón tay),

h: Khớp yên (khớp xương thang – xương đốt bàn tay I)

Khớp trục (pivot joint): Ở một khớp trục, mặt khớp tròn vây quanh một khối xương hình trụ hoặc hình nón của một xương tiếp khớp với một vòng xương – sợi được tạo nên một phần do một xương khác và một phần do một dây chằng. Khớp trục thuộc loại khớp đơn trục vì nó chỉ cho phép cử động xoay tròn quanh trục dọc của nó. Các khớp quay – trụ và khớp đội – trục giữa là những khớp trục.

Khớp chỏm cầu (ball and socket joint; spheroidal joint): Ở loại khớp này, mặt khớp của một xương có hình cầu (được gọi là chỏm), còn mặt khớp của xương kia lõm sâu như một ổ thích ứng với chỏm. Hình dạng của những mặt tiếp khớp cho phép khớp có tầm cử động rộng. Những cử động có thể có của loại khớp này là: gấp, duỗi, giạng, khép, quay tròn và xoay tròn. Khớp vai và khớp hông là những khớp chỏm cầu. Những khớp này là khớp đa trục vì chúng cho phép cử động quanh ba trục.

Khớp lồi cầu (condylar joint) hay khớp soan (ellipsoid joint): Ở loại khớp này, mặt khớp lồi hình oval của một xương khớp với mặt khớp lõm hình oval của xương khác. Khớp cổ tay và các khớp đốt bàn tay – đốt ngón tay của các ngón tay II tới V là những ví dụ về khớp lồi cầu. Khớp lồi cầu cho phép cử động quanh hai trục và được gọi là khớp lưỡng trục.

Khớp yên (saddle joint): Ở một khớp yên, mặt khớp của một xương có hình yên, còn mặt khớp của xương kia thích ứng với “yên” như mông người cưỡi ngựa khít với yên ngựa. Một ví dụ về khớp yên là khớp giữa xương thang với xương đốt bàn tay thứ nhất. Khớp yên là một biến thể của khớp lồi cầu và có cử động tự do hơn khớp lồi cầu mặc dù nó cũng là khớp lưỡng trục. Điểm khác của khớp lồi cầu và khớp yên so với khớp chỏm cầu là các loại khớp này không thực hiện được cử động xoay tròn như khớp chỏm cầu.

Trong các khớp của cơ thể, khớp nào mà bao khớp chỉ vây quanh một cặp mặt khớp thuộc một trong sáu loại trên là khớp đơn (simple joint), khớp nào có nhiều cặp mặt khớp là khớp phức hợp (complex joint). Khớp trục và khớp bản lề là hai dạng của khớp trụ (cylindrical joint).

2.3.3. Các cử động của khớp hoạt dịch

Những cử động tại các khớp hoạt dịch là cử động trượt, các cử động góc, cử động xoay tròn và các cử động đặc biệt. Các cử động góc là các cử động làm tăng hoặc giảm góc giữa các xương tiếp khớp và bao gồm gấp, duỗi, giạng, khép và quay tròn.

Gấp (flexion) và duỗi (extension) là các cử động đối nhau thường sảy ra ở mặt phẳng đứng dọc, gấp làm giảm góc giữa các xương tiếp khớp, duỗi thì ngược lại.

Giạng (abduction) là chuyển động của một xương ra xa đường giữa cơ thể, khép (adduction) là chuyển động ngược lại. Riêng ở bàn tay và bàn chân thì giạng các ngón có nghĩa là đưa các ngón ra xa ngón giữa.

Quay tròn (circumduction) là chuyển động của đầu xa của một phần cơ thể trong một vòng tròn do kết quả của gấp, duỗi, giạng và khép.

Xoay tròn (rotation) là chuyển động của một xương quanh trục dài của nó.

Sấp (pronation) là cử động xoay gan bàn tay xuống dưới, ngửa (supination) là cử động xoay gan bàn tay lên trên. Đây là những cử động đặc biệt.

Cập nhật thông tin mới nhất về kiến thức y học và test y học tại facebook TEST Y HỌC

Tham gia nhóm zalo: Tài Liệu Y Học Tổng Hợp

Ôn thi nội trú, sau đại học Giải Phẫu TẠI ĐÂY

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one