Đại Cương Về Hệ Cơ – Giải Phẫu Y Hà Nội

Bài 2 Phần 1:

ĐẠI CƯƠNG VỀ HỆ CƠ

MỤC TIÊU:

Trình bày được cấu tạo chung của một cơ vân, các kiểu sắp xếp sợi cơ và cách phân loại cơ theo chức năng.

1. ĐẠI CƯƠNG VỀ HỆ CƠ

Hệ cơ được trình bày ở bài này là hệ thống của các cơ và nhóm cơ xương tạo nên những cử động ở các khớp. Trong hệ này, mỗi cơ xương là một cơ quan do mô cơ xương và mô liên kết tạo nên.

1.1. Đại cương về mô cơ

Cơ thể ta có ba loại mô cơ khác nhau về mô học, vị trí và sự chi phối thần kinh: cơ xương, cơ trơn và cơ tim.

1.1.1. Mô cơ xương

Loại cơ này còn được gọi là cơ vân vì khi nhìn dưới kính hiển vi, tế bào cơ (sợi cơ) có những dải sáng và tối xen kẽ (vân). Mô cơ xương chủ yếu là vận động theo ý muốn. Hầu hết cơ xương cũng vận động không theo ý muốn ở chừng mực nào đó. Ví dụ, ta thường không biết về cử động co giãn của cơ hoành, về tình trạng co thường xuyên của các cơ giữ tư thế, hoặc về các phản xạ ruỗi.

Cấu tạo về mô cơ xương - đại cương về hệ cơ

Hình 2.1. Mô cơ xương

1.1.2. Mô cơ trơn

Mô cơ trơn có mặt ở thành của các cấu trúc rỗng, như các mạch máu, đường dẫn khí và hầu hết các cơ quan trong ổ bụng. Nó cũng bám vào các nang lông ở da. Dưới kính hiển vi, tế bào cơ trơn có hình thoi với duy nhất một nhân ở trung tâm và không có vân ngang. Cơ trơn do thần kinh tự chủ chi phối nên không đáp ứng vận động theo ý muốn.

Cấu tạo mô cơ trơn - đại cương về hệ cơ

Hình 2.2. Mô cơ trơn

1.1.3. Mô cơ tim

Sợi cơ tim cũng có vân ngang như sợi cơ xương nhưng các sợi có nhánh nối với nhau làm cho cơ tim trở thành một phiến cơ chứ không phải một tập hợp của các sợi cơ riêng rẽ. Loại cơ này cũng do thần kinh tự chủ chi phối và còn có khả năng tự co bóp khi không có xung động từ thần kinh trung ương đi tới.

Cấu tạo mô cơ tim - đại cương về hệ cơ

Hình 2.3. Mô cơ tim

1.2. Các loại cơ xương và cách gọi tên cơ

Các cơ xương được chia thành nhiều loại dựa vào hình dạng, số đầu nguyên ủy, số bụng cơ, cách sắp xếp bó sợi cơ và chức năng.

* Các loại theo hình dạngcách sắp xếp bó sợi: cơ hình thoi, cơ dẹt, cơ thẳng, cơ tam giác, cơ vuông, cơ lông vũ (đơn, kép và đa lông vũ), cơ vòng.

* Các loại theo số đầu nguyên ủy: cơ nhị đầu, cơ tam đầu, cơ tứ đầu.

* Các loại theo số bụng cơ: cơ hai bụng

* Các loại theo chức năng: cơ khép, cơ giạng, cơ xoay, cơ gấp, cơ ruỗi, cơ sấp, cơ ngửa, cơ đối chiếu, cơ thắt, cơ giãn.

Mỗi cơ cụ thể được gọi tên dựa vào cách phân loại nói trên kết hợp với các đặc điểm về vị trí, kích thước và hướng sợi cơ.

1.3. Cấu trúc của cơ xương

Mỗi cơ có phần bụng cơ (belly) nằm giữa các đầu bám (attachment) bằng gân. Phần bụng cơ do các sợi cơ và thành phần mô liên kết tạo nên. Các sợi cơ xếp thành từng bó sợi cơ. Nhiều bó sợi cơ hợp thành một cơ. Các sợi cơ, các bó sợi cơ và toàn bộ cơ đều được các màng mô liên kết vây quanh: màng vây quanh mỗi sợi cơ là màng nội cơ, màng vây quanh mỗi bó sợi cơ là màng chu cơ và màng vây quanh toàn bộ cơ là màng ngoài cơ. Các màng mô liên kết của bụng cơ kéo dài về các đầu cơ và liên tiếp với các gân. Gãn hoàn toàn do mô liên kết tạo nên. Nó là phần không co rút được mà chỉ truyền lực co của bụng cơ tới xương hoặc các cấu trúc khác. Những gần rộng và dẹt được gọi là cân.

Lớp mô liên kết nằm giữa cơ và da được chia thành hai phần: phần đặc nằm sâu sát màng ngoài cơ là mạc bọc cơ hay mạc sâu, phần lỏng lẻo (chứa mỡ) ở ngay dưới da gọi là tấm dưới da hay mạc nông. Những chế mạc ngăn cách nhóm cơ này với nhóm cơ kia được gọi là vách gian cơ.

Có một số cấu trúc tạo thuận lợi cho sự di chuyển của các gân cơ. Đó là các bao xơ của gân, các hãm gân (retinacula), các túi hoạt dịch (synovial bursa) và các bao hoạt dịch (synovial sheath).

1.4. Các đầu bám của cơ

Hầu hết các cơ đi qua ít nhất một khớp và thường bám vào các xương tham gia tiếp khớp tại khớp đó. Khi một cơ co, nó kéo một trong các xương tiếp khớp về phía xương kia. Hai xương tiếp khớp thường không dịch chuyển ngang nhau khi cơ co. Một xương thường vẫn ở vị trí ban đầu hay dịch chuyển ít, hoặc vì nó được các cơ khác cố định bằng cách kéo về hướng ngược lại, hoặc do vị trí và cấu trúc của nó làm nó không dịch chuyển được. Như vậy, các đầu bám của cơ được phân biệt thành đầu cố định (fixed end) và đầu di động (mobile end). Đầu cố định thường được gọi là nguyên ủy, đầu di động là bám tận. Ở các chỉ, đầu cố định (hay nguyên ủy) thường là đầu gần của cơ.

1.5. Các kiểu sắp xếp bó sợi cơ

Các sợi cơ bám xương được sắp xếp trong cơ thành các bó. Các sợi cơ trong mỗi bó thì nằm song song nhau, nhưng sự sắp xếp của các bó so với các gần có thể thuộc một trong năm kiểu đặc trưng: song song, hình thoi, vòng, tam giác, hoặc lông vũ. Ở cơ song song, các bó sợi chạy song song với trục dọc của cơ và tận cùng tại các đầu gân dẹt. Cơ hình thoi có các bó chạy gần song song với trục dọc của cơ; bụng cơ thuôn nhỏ dần về phía các đầu gân. Các bố của cơ vòng sắp xếp thành các vòng tròn đồng tâm tạo nên một cơ thắt vây quanh một lỗ nào đó. Ở cơ tam giác, các bó cơ nằm trên một vùng rộng hội tụ về một gần trung tâm. Các cơ lông vũ có bó sợi cơ ngắn nếu so với tổng chiều dài cơ; gần cơ trải ra trên hầu như toàn bộ chiều dài cơ. Ở cơ lông vũ đơn, các bó sắp xếp chỉ ở một bên gân. Cơ lông vũ kép có các bó nằm ở cả hai bên gân. Cơ đa lông vũ do nhiều cơ lông vũ kép gộp lại.

Các kiểu cấu trúc của cơ xương - đại cương về hệ cơ

Hình 2.4. Các kiểu cấu trúc của cơ xương

Kiểu sắp xếp bó sợi cơ ảnh hưởng tới lực co và tầm vận động của cơ. Khi một cơ co, nó ngắn lại và chỉ có chiều dài bằng khoảng 70% chiều dài lúc nghỉ của nó. Như vậy, các sợi cơ trong một cơ càng dài thì tầm vận động mà nó tạo ra càng lớn. Trái lại, sức co của một cơ phụ thuộc vào tổng số sợi cơ mà nó chứa, vì một sợi ngắn có thể co mạnh như một sợi dài. Vì một cơ cho trước nào đó có thể chứa hoặc một số lượng nhỏ sợi dài hoặc một số lượng lớn sợi ngắn, cách sắp xếp bó sợi cơ thể hiện sự bù trừ giữa lực co và tầm vận động. Các cơ lông vũ có một số lượng lớn bó sợi kéo lên các gân của chúng, đem lại cho chúng lực co lớn hơn nhưng một tầm vận động nhỏ hơn. Các cơ song song, trái lại, có tương đối ít bó sợi chạy dọc theo chiều dài cơ; như vậy, chúng có một tầm vận động lớn hơn nhưng lực co yếu hơn.

1.6. Sự phối hợp giữa các cơ và nhóm cơ

Một động tác bất kỳ nào đó cũng là kết quả của sự hoạt động phối hợp của nhiều cơ. Hầu hết các cơ xương được xếp thành những cặp đối kháng nhau: các cơ gấp – các cơ ruỗi, các cơ giạng – các cơ khép v.v… Trong các cặp đối kháng, một cơ, được gọi là cơ chủ vận (prime mover/agonist), co để gây nên cử động mong muốn trong khi cơ kia, cơ đối kháng (antagonist), giãn ra và tuân theo những tác động của cơ chủ vận. Ví dụ ở cử động gấp cẳng tay tại khớp khuỷu, cơ nhị đầu là cơ chủ vận, cơ tam đầu là cơ đối kháng. Cơ chủ vận và cơ đối kháng thường nằm ở hai phía đối ngược nhau của một xương hoặc khớp. Cơ chủ vận và cơ đối kháng hoán đổi vai trò với nhau. Trong cử động duỗi cẳng tay, cơ tam đầu là cơ chủ vận, cơ nhị đầu là cơ đối kháng.

Một số cơ, gọi là cơ cố định (fixators), co đồng thời với cơ chủ vận để giữ vững nguyên uỷ của cơ chủ vận, giúp cho cơ chủ vận hoạt động có hiệu quả. Ví dụ, các cơ đi từ thân tới đai ngực có tác dụng cố định đai ngực và cho phép cơ delta gây ra cử động của cánh tay trên khớp vai.

Có nhiều trường hợp cơ chủ vận đi ngang qua một số khớp trước khi vượt qua một khớp mà tại đó động tác chính của nó diễn ra. Để ngăn cản những cử động không mong muốn ở một khớp trung gian, một số cơ gọi là cơ hiệp đồng (synergists) sẽ co và cố định khớp trung gian đó. Ví dụ, các cơ gấp và duỗi cổ tay co để cố định khớp cổ tay và điều này cho phép các cơ gấp và duỗi ngón tay hoạt động có hiệu quả.

Tuỳ thuộc vào động tác cần hoàn thành, nhiều cơ có thể đóng vai trò như một cơ chủ vận, một cơ đối kháng, một cơ cố định hoặc một cơ hiệp đồng.

1.7. Sự cung cấp thần kinh cho cơ

Nhánh thần kinh đi tới một cơ là thần kinh hỗn hợp gồm cả sợi vận động (khoảng 60%), sợi cảm giác (khoảng 40%) và một số sợi giao cảm.

Mỗi sợi vận động xuất phát từ một nơron vận động có thân nằm ở thân não hoặc tuỷ sống và tận cùng bằng cách chia ra nhiều nhánh đi tới một nhóm sợi cơ. Mỗi nhánh tiếp xúc với một sợi cơ tại khớp thần kinh – cơ. Tại đây, các nhánh tận cùng sợi trục phình to ra thành bọng tận cùng synap.

Các sợi cảm giác xuất phát từ các đầu tận cùng cảm giác nằm trong cơ hoặc gân, được gọi tên lần lượt là thoi cơ hoặc thoi gân. Những đầu tận cùng này được kích thích bởi sức căng trong cơ sinh ra trong lúc co cơ chủ động hoặc giãn cơ thụ động.

Chức năng của các sợi cảm giác là vận chuyển tới hệ thần kinh trung ương thông tin về độ căng cơ. Thông tin này đóng vai trò thiết yếu cho việc duy trì trương lực cơ và tư thế cơ thể và cho việc thực hiện các động tác phối hợp theo ý muốn.

Các sợi giao cảm phân phối vào cơ trơn của thành các mạch máu nuôi cơ.

Một nơron vận động và tất cả các sợi cơ mà nó chỉ phối hợp nên một đơn vị vận động.

Trong lúc nghỉ, cơ vân ở trạng thái co bán phần và trạng thái này gọi là trương lực cơ. Vì các sợi cơ không bao giờ ở trạng thái trung gian giữa co và giãn, trương lực cơ có được là nhờ trong cơ luôn luôn có một ít sợi cơ co hoàn toàn, số đông còn lại giãn hoàn toàn. Để tránh mỏi cơ, các nhóm đơn vị vận động (các nhóm sợi cơ) khác nhau luân phiên nhau ở vào trạng thái hoạt động tại các thời gian khác nhau. Trương lực cơ được duy trì nhờ cung phản xạ hai nơron. Tổn thương một hoặc cả hai nơron này dẫn tới mất trương lực cơ và cơ sẽ bị nhẽo.

Khi co cơ, số các đơn vị vận động đi vào trạng thái hoạt động ngày càng tăng đồng thời mức hoạt động của các đơn vị vận động của các cơ đối kháng giảm đi. Khi cần có cơ tối đa, tất cả các đơn vị vận động của một cơ được đưa vào trạng thái hoạt động.

Hệ cơ có năm chức năng: tạo ra các cử động, duy trì các tư thế của cơ thể, điều hoà thể tích của các cơ quan, sinh nhiệt và làm dịch chuyển các chất trong cơ thể.

Cập nhật thông tin mới nhất về kiến thức y học và test y học tại facebook TEST Y HỌC

Tham gia nhóm zalo: Tài Liệu Y Học Tổng Hợp

Ôn thi nội trú, sau đại học Giải Phẫu TẠI ĐÂY

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one