Sinh Lý Máu: Nhóm Máu Và Truyền Máu

Bài 7.2

SINH LÝ MÁU: NHÓM MÁU VÀ TRUYỀN MÁU

 MỤC TIÊU

Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:

1. Trình bày về đặc điểm kháng nguyên, kháng thể của hệ thống nhóm máu ABO và ứng dụng trong truyền máu.

2. Trình bày về đặc điểm kháng nguyên, kháng thể của hệ thống nhóm máu Rh các tai biến trong sản khoa và truyền máu do bất đồng nhóm máu Rh.

Máu là một dịch lỏng màu đỏ bao gồm các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và một dịch vàng chanh là huyết tương. Máu chảy trong hệ thống tuần hoàn. Máu cùng với hệ tuần hoàn tạo thành một hệ thống vận chuyển và liên lạc giữa các tế bào của cơ thể, giúp duy trì sự hằng định nội môi, là điều kiện tối thuận cho hoạt động của các tế bào.

4. NHÓM MÁU VÀ TRUYỀN MÁU

Máu của những người khác nhau có những đặc tính kháng nguyên và kháng thể khác nhau vì thế kháng thể trong huyết tương của người này có thể phản ứng với kháng nguyên trên hồng cầu người khác và gây tai biến.

Trên màng hồng cầu người, người ta đã tìm ra khoảng 30 kháng nguyên thường gặp và hàng trăm kháng nguyên hiếm khác. Hầu hết những kháng nguyên này là kháng nguyên yếu nghĩa là không gây ra đáp ứng miễn dịch trên người nhận và thường được dùng để nghiên cứu về di truyền gen nhằm xác định quan hệ cha con. Có hai nhóm kháng nguyên quan trọng có thể gây ra các phản ứng trong truyền máu, đó là hệ thống ABO và hệ thống Rh.

4.1. Hệ thống nhóm máu ABO

Hệ thống này do Karl Landsteiner tìm ra lần đầu tiên vào năm 1901. Ông đã phát hiện ra sự có mặt của các kháng nguyên A và B trên màng hồng cầu và các kháng thể tương ứng anti-A và anti-B trong huyết tương.

4.1.1. Các kháng nguyên A và B

– Các kháng nguyên A và B có trên màng hồng cầu là những kháng nguyên tan trong rượu. Một người có thể có cả hai loại kháng nguyên A và B; có thể chỉ có một loại kháng nguyên A hoặc B; có thể không có cả hai kháng nguyên này trên màng hồng cầu. Sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên A và B là do di truyền. Các kháng nguyên của nhóm máu cũng được gọi là ngưng kết nguyên vì các kháng thể tương ứng có thể gắn với các kháng nguyên trên hồng cầu làm cho nhiều hồng cầu ngưng kết lại với nhau. Dựa trên sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên A và B người ta phân thành 4 loại nhóm máu chính:

Nhóm O không có kháng nguyên A và B trên hồng cầu.

Nhóm B có kháng nguyên B trên hồng cầu.

Nhóm A có kháng nguyên A trên hồng cầu.

Nhóm AB có cả kháng nguyên A và kháng nguyên B trên hồng cầu.

Tần suất của các nhóm máu hệ ABO(%)

– Cách xác định gen của các kháng nguyên: có 2 gen đồng dạng nằm trên cặp nhiễm sắc thể số 9 quy định nhóm máu ABO. Chúng xuất hiện ở bào thai 37 ngày tuổi và đạt đến mức tối đa ở lứa tuổi lên ba. Hai gen đồng dạng này có thể là một trong ba loại A, B, O trên mỗi nhiễm sắc thể. Gen O hầu như không hoạt động, do đó không tạo được kháng nguyên trên hồng cầu trong khi gen A và B tạo ra các kháng nguyên mạnh A và B. Các gen này tạo ra 6 khả năng kết hợp là: OO, OA, OB, AA, BB, và AB gọi là các genotyp và mỗi người có 1 trong 6 genotyp này. Những người có genotyp OO không có kháng nguyên trên hồng cầu thì có nhóm máu O; người có genotyp OA hoặc AA có nhóm máu A; người có genotyp OB hoặc BB có nhóm máu B; người có genotyp AB có nhóm máu AB.

Ngoài ra, tuỳ theo cường độ của phản ứng ngưng kết hồng cầu nhóm A với kháng thể anti-A, người ta lại chia nhóm A thành hai phân nhóm A1 (80%) và A2 (20%), do đó nhóm AB cũng được chia thành hai phân nhóm A1B và A2B.

– Các kháng nguyên A và B cũng có thể khu trú ở những nơi khác ngoài hồng cầu như trong nước bọt, trong các tế bào bạch cầu và tiểu cầu, tế bào biểu mô, tế bào nội mô mạch máu. Khoảng 80% số người có kháng nguyên A và B trong nước bọt. Các kháng nguyên này là những kháng nguyên tan trong nước.

4.1.2. Các kháng thể của hệ thống ABO

– Trong huyết tương của người nhóm A có kháng thể anti-B; huyết tương của người nhóm B có kháng thể anti-A; huyết tương của người nhóm ( có cả kháng thể anti-A và anti-B; huyết tương của người nhóm AB không có các kháng thể này.

– Khi đứa trẻ ra đời, nồng độ kháng thể của nó hầu như bằng 0. Ở giai đoạn 6 đến 8 tháng tuổi đứa trẻ bắt đầu sản xuất ra kháng thể và nồng độ kháng thể đạt mức tối đa ở giai đoạn 8 đến 10 tuổi rồi giảm dần trong những năm còn lại. Các kháng thể của nhóm ABO cũng được gọi là các ngưng kết tố, là những kháng thể tự nhiên thuộc loại IgM và không qua được rau thai. Chính những kháng thể này gây ra tai biến truyền máu khi truyền nhầm nhóm máu.

– Một số ít người có trong huyết tương các kháng thể nhóm máu miễn dịch sau khi truyền máu khác nhóm ví dụ truyền máu nhóm A cho người nhóm O hoặc không hoà hợp nhóm máu mẹ con ở phụ nữ có thai ví dụ mẹ nhóm O, thai nhóm A hoặc B. Các kháng thể miễn dịch này thuộc loại IgG có khả năng gây vỡ hồng cầu rất mạnh và qua được rau thai.

4.1.3. Ứng dụng của nhóm máu

Những hiểu biết về nhóm máu đã được áp dụng rộng rãi trong lâm sàng ở các lĩnh vực sau:

4.1.3.1. Truyền máu

– Nguyên tắc truyền máu: để đảm bảo an toàn trong truyền máu phải truyền cùng nhóm máu để tránh kháng nguyên và kháng thể tương ứng gặp nhau, do vậy cần truyền máu nhóm A cho người nhóm A, truyền máu AB cho người nhóm AB…

– Tai biến truyền máu: truyền máu không hoà hợp, ví dụ truyền máu nhóm A, B hoặc AB cho người nhóm O; truyền máu nhóm B cho người nhóm A… có thể gây ra các tai biến cho người được truyền máu. Trong vòng hai giờ đầu bệnh nhân bị đau dữ dội ở thắt lưng, khó thở, vã mồ hôi, rét run, nôn hoặc buồn nôn, tụt huyết áp, trụy mạch. Tuỳ theo số lượng máu được truyền vào, các biến chứng nặng hơn bao gồm tổn thương thận, tim, phổi, gan và não dẫn đến tử vong sau vài ngày.

Cơ chế của tai biến truyền máu: người nhận nhóm O có kháng thể anti-A. Nếu nhận máu của người nhóm A thì các kháng thể anti-A này sẽ gây ngưng kết hồng cầu người cho ngay trong mạch máu của người nhận và phá huỷ những hồng cầu này. Sự phá huỷ hồng cầu giải phóng các protein màng, các lipid màng và hemoglobin vào mao mạch. Các protein màng có thể gây đông máu rải rác trong mạch máu với những hậu quả nặng nề trong khi hemoglobin có thể gây tắc mạch, gây sốc nặng hoặc suy thận. Tuy nhiên, sự ngưng kết hồng cầu rộng rãi chỉ xảy ra khi có phản ứng giữa hồng cầu người cho với kháng thể người nhận nên về mặt lý thuyết những người nhóm AB không có kháng thể anti-A và anti-B trong huyết tương có thể nhận được máu của các nhóm máu O, A và B. Trước đây người ta gọi nhóm AB là nhóm “nhận phổ thông”. Nhóm ( không có kháng nguyên A và B trên màng hồng cầu nên có thể cho được các nhóm khác và gọi là nhóm “cho phổ thông”. Ngày nay khái niệm “cho phổ thông” và “nhận phổ thông” đã bị loại bỏ do sự có mặt của những kháng nguyên thuộc các hệ thống nhóm máu khác ngoài kháng nguyên A và B trên màng hồng cầu và những kháng thể khác chống hồng cầu trong huyết tương. Ví dụ 85% người da trắng có kháng nguyên D (yếu tố Rh trên màng hồng cầu). Tuy nhiên trong những trường hợp cấp cứu mà người cần truyền máu lại có nhóm máu thuộc loại hiếm, khi đó bắt buộc phải truyền máu khác nhóm thì phải tuân theo nguyên tắc “kháng nguyên người cho không bị ngưng kết bởi kháng thể người nhận” và chỉ được truyền ít, truyền từ từ.

Hiện nay ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới, nhu cầu máu là rất lớn trong khi sự cung cấp chỉ có hạn, một phần do số người cho máu quá ít, một phần do sự không hoà hợp giữa máu người cho và máu người nhận. Để khắc phục tình trạng này, người ta thay thế việc truyền máu toàn phần bằng truyền máu từng phần. Máu được tách ra thành các thành phần riêng rẽ như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương và các sản phẩm của huyết tương như albumin, immunoglobulin, các yếu tố đông máu, các yếu tố chống đông. Như vậy một đơn vị máu có thể truyền cho nhiều bệnh nhân với những nhu cầu khác nhau và cũng hạn chế được các tai biến truyền máu. Ví dụ truyền hồng cầu rửa cho bệnh nhân thiếu máu, truyền huyết tương cho bệnh nhân bị bỏng, truyền tiểu cầu cho bệnh nhân bị xuất huyết giảm tiểu cầu, truyền yếu tố VIII cho bệnh nhân bị hemophilia A. Truyền máu toàn phần chỉ được chỉ định khi mất máu cấp tính với một khối lượng lớn (30% lượng máu toàn phần) dẫn tới tình trạng choáng nặng.

4.1.3.2. Ghép cơ quan

Các kháng nguyên của nhóm ABO có ở nhiều nơi trong cơ thể kể cả trên màng nội mô của các mạch máu thận. Nếu ghép thận của người nhóm A cho người nhóm O thì các kháng thể anti-A của người nhận sẽ cố định trên các kháng nguyên A của thận ghép và lập tức gây thải ghép.

4.1.3.3. Trong sản khoa

Khi có sự không hoà hợp giữa máu mẹ và máu con, ví dụ mẹ nhóm máu O có trong huyết tương kháng thể miễn dịch anti-A và mang thai nhóm A. Các kháng thể miễn dịch anti-A có thể qua được rau thai để vào tuần hoàn thai nhi gây ngưng kết và vỡ hồng cầu của thai. Hậu quả là đứa trẻ bị vàng da vài giờ sau khi sinh. Nhìn chung mức độ vàng da thường nhẹ và có thể điều trị bằng quang liệu pháp mà không cần truyền máu thay thế.

4.1.4. Cách xác định nhóm máu

– Phương pháp Beth-Vincent (phương pháp huyết thanh mẫu): trộn huyết thanh mẫu chứa kháng thể đã biết với máu người thử. Dựa vào phản ứng ngưng kết hồng cầu để xác định kháng nguyên trên hồng cầu người thử và suy ra nhóm máu (hình 7.4).

Cách xác định nhóm máu

– Phương pháp Simonin (phương pháp hồng cầu mẫu): trộn hồng cầu mẫu đã biết rõ kháng nguyên với huyết tương hoặc huyết thanh người thử. Dựa vào phản ứng ngưng kết hồng cầu để xác định kháng thể trong máu người thử và suy ra nhóm máu của người thử.

 

Nhóm máu Hồng cầu mẫu
A B
A +
B +
AB
O + +

+ : Phản ứng ngưng kết dương tính

– : Phản ứng ngưng kết âm tính

Phản ứng chéo: mặc dù đã biết nhóm máu của người nhận và người cho nhưng trước khi truyền máu người ta vẫn phải làm phản ứng chéo ngay tại giường người bệnh để đảm bảo an toàn trong truyền máu. Phản ứng chéo được thực hiện bằng cách lấy máu của người cho và người nhận, chống đông rồi tách riêng lấy huyết tương và hồng cầu, rửa hồng cầu. Trộn huyết tương của người nhận với hồng cầu rửa của người cho và ngược lại. Truyền máu chỉ được phép thực hiện khi không có hiện tượng ngưng kết hồng cầu ở cả hai trường hợp.

4.2. Hệ thống nhóm máu Rh

Năm 1940, Lansteiner và cộng sự tìm ra kháng nguyên của hệ thống Rh trên loài khỉ Rhesus. Giống như kháng nguyên A và B của hệ thống ABO, sự có mặt hay vắng mặt kháng nguyên Rh là do di truyền.

Hầu hết kháng nguyên Rh (được ký hiệu bằng các chữ C, D, E, c, d, e) là kháng nguyên yếu nên ít có ý nghĩa về mặt lâm sàng trừ kháng nguyên D. Kháng nguyên D cũng được gọi là yếu tố Rh. Người có kháng nguyên D trên hồng cầu được gọi là người Rh dương tính (Rh+). Người không có kháng nguyên D trên hồng cầu được gọi là Rh âm tính (Rh).

Nếu kết hợp cả hai hệ thống ABO và Rh thì ta có các ký hiệu sau: A+, B+, AB+, O+ và A, B, AB và O.

Kháng thể anti-D là kháng thể miễn dịch, bình thường không có trong huyết tương của cả người Rh+ và người Rh. Khi truyền máu Rh+ cho người Rh thì những người Rh sẽ sản xuất ra kháng thể anti-D. Sự tạo thành kháng thể anti-D xảy ra rất chậm, nghĩa là khoảng 2 đến 4 tháng sau nồng độ kháng thể mới đạt đến mức tối đa. Nếu lần sau những người Rh này lại nhận máu Rh+ thì các kháng thể anti-D trong cơ thể họ sẽ làm ngưng kết các hồng cầu cho Rh+ và sẽ xảy ra phản ứng truyền máu. Như vậy, không được truyền máu Rh+ cho người nhận Rh nhưng có thể truyền máu Rh cho người nhận Rh+.

Một hậu quả khác của nhóm Rh có thể xảy ra trong sản khoa khi không có sự hoà hợp trong nhóm Rh giữa máu mẹ Rh và máu thai nhi Rh+. Trong lần có thai đầu tiên không có biến chứng về máu nào xảy ra nếu trước đó người mẹ chưa bao giờ nhận máu của người Rh+. Trong lúc sinh, hàng rào rau thai bị phá huỷ và có sự trộn lẫn máu mẹ và máu thai nhị, hồng cầu Rh+ của thai đi vào tuần hoàn máu mẹ, kích thích hệ thống miễn dịch của mẹ sản xuất kháng thể anti-D, những kháng thể này có thể tồn tại trong cơ thể mẹ vài năm. Khi người mẹ có thai lần sau mà thai cũng có nhóm Rh+, các kháng thể anti-D trong máu mẹ đi qua rau thai vào máu bào thai làm cho hồng cầu bào thai ngưng kết gây thiếu máu tan máu ở bào thai. Hậu quả là sẩy thai, thai chết lưu hoặc đứa trẻ sinh ra bị thiếu máu tan máu tăng hồng cầu non (erythroblastosis fetalis). Nếu không được truyền máu thay thế, trẻ sơ sinh sẽ chết do thiếu oxy và các biến chứng khác. Nguy cơ thiếu máu tan máu bào thai có thể được khắc phục nếu trong vòng 72 giờ sau khi sinh một đứa con Rh+ người mẹ được tiêm kháng thể anti-D. Những kháng thể này sẽ phản ứng với những hồng cầu Rh+ bào thai đi vào máu mẹ. Nghiệm pháp giải mẫn cảm này hạn chế sự sản xuất kháng thể ở người mẹ và không gây nguy hiểm cho những thai Rh+ tiếp theo.

Tỷ lệ Rh+ ở người da trắng là 85%. Những người Mỹ da đen có tỷ lệ Rh+ là 95%. Tỷ lệ này ở người châu Phi là 100%. Ở người Việt Nam tỷ lệ Rh+ là 99,92% do đó những tai biến do không hoà hợp của nhóm máu Rh rất hiếm gặp.

Cập nhật thông tin mới nhất về kiến thức y học và test y học tại facebook TEST Y HỌC

Tham gia nhóm zaloTài Liệu Y Học Tổng Hợp

Ôn thi nội trú, sau đại học Giải Phẫu TẠI ĐÂY

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one