Các Xương Và Khớp Của Đầu – Giải Phẫu Y Hà Nội

Bài 39

CÁC XƯƠNG VÀ KHỚP CỦA ĐẦU

1. XƯƠNG SỌ

Xương sọ là một khối gồm 22 xương nằm ở đầu trên của cột sống.

Phân chia: So do hai nhóm xương hợp thành: các xương hộp sọ và các xương mặt. Hộp sọ là hộp xương bảo vệ cho não do tám xương tạo nên: hai xương đỉnh, một xương trán, một xương chẩm, một xương bướm, một xương sàng và hai xương thái dương. Các xương mặt tạo nên khung xương của mặt, gồm mười ba xương dính thành một khối và dính với hộp sọ, và một xương liên kết với khối xương sọ bằng khớp hoạt dịch. Mười bốn xương mặt là: hai xương lệ, hai xương xoăn mũi dưới, hai xương mũi, hai xương hàm trên, hai xương khẩu cái, hai xương gò má, một xương hàm dưới và một xương lá mía.

Những đặc điểm chung: Ngoài việc tạo nên hộp sọ, các xương sọ cũng tạo nên một số khoang nhỏ khác, bao gồm ổ mũi và các ổ mắt mở ra phía trước. Một số xương sọ chứa những khoang được lót bằng niêm mạc và thông với mũi; chúng được gọi là những xoang cạnh mũi. Trong xương thái dương có những khoang nhỏ chứa các cấu trúc liên quan tới thính giác và thăng bằng.

Trong các xương sọ, chỉ có xương hàm dưới là có thể chuyển động được, các xương còn lại dính chặt với nhau thành một khối bằng các đường khớp bất động.

Hộp sọ có một nền để não nằm trên và một vòm bao quanh và đậy trên não. Các xương của vòm sọ được tạo nên từ hai bản xương đặc (bản ngoàibản trong) ngăn cách nhau bằng một lớp xương xốp gọi là lõi xốp. Mặt trong hộp sọ dính với màng não cứng, mặt ngoài tạo nên chỗ bám cho các cơ đầu mặt. Ngoài việc tạo nên khung xương của mặt, các xương mặt còn bảo vệ cho đường vào của các hệ hô hấp và tiêu hoá. Cả khối xương sọ bảo vệ và nâng đỡ cho các giác quan chuyên biệt về nhìn, nếm, ngửi, nghe và thăng bằng.

1.1. Các xương hộp sọ

1.1.1. Xương trán

Xương trán gồm hai phần chính: một phần tạo nên trán (phần trước của hộp sọ) là trai trán, một phần nằm ngang tạo nên phần lớn trần ổ mắt và hầu hết hổ sọ trước là phần ổ mắt. Ở mặt ngoài, hai phần của xương trán gặp nhau tại bờ trên ổ mắt. Ngay trên bờ này, bên trong trai trán có hai xoang trán.

Trai trán: Ở mặt ngoài, nằm ngay trên các bờ trên ổ mắt là những gờ xương nhô lên gọi là cung mày. Ở giữa các cung này là một chỗ lõm nhỏ gọi là glabella (điểm trên gốc mũi). phần trong của bờ trên ổ mắt có lỗ (hoặc khuyết) trên ổ mắt. Ở mặt trong, trên đường giữa của trai trán có mào trán nằm giữa lỗ tịt và rãnh xoang dọc trên.

Phần ổ mắt: Mặt ổ mắt của phần ổ mắt có hai điểm đáng chú ý: ở phía trước trong là hõm ròng rọc cho ròng rọc của cơ chéo trên bám, ở phía trước ngoài là hố tuyến lệ chứa phần ổ mắt của tuyến lệ. Mặt hướng vào hộp sọ của phần ổ mắt bị khuyết trên đường giữa thành khuyết sàng và mảnh sàng của xương sàng lắp vào khuyết này.

Xương sọ nhìn trước - các xương và khớp của đầu

Hình 39.1. Xương sọ nhìn trước

1.1.2. Các xương đỉnh

Hai xương đỉnh tạo nên phần lớn của các mặt bên và đỉnh sọ. Chúng tiếp khớp với nhau tại đường khớp dọc, với xương trán tại đường khớp vành, với xương chẩm tại đường khớp lambda và với các xương thái dương tại các đường khớp trai. Mặt trong của xương đỉnh lõm và có những rãnh để các mạch máu đi qua.

1.1.3. Các xương thái dương

Mỗi xương thái dương tạo nên một mặt dưới – bên của hộp sọ và một phần của nền sọ. Nó tiếp khớp với các xương đỉnh, chẩm, bướm và gò má bằng các khớp bất động. Xương thái dương do ba phần tạo nên: phần đá, phần trai và phần nhĩ.

Phần đá có hình tháp tam giác (với ba mặt trước, sau và dưới) năm ngang qua nền sọ, giữa xương bướm và xương chẩm. Phần này chứa tai giữa và tai trong, và những ống cho động mạch cảnh trong và thần kinh mặt đi qua. Ống động mạch cảnh có một lỗ ngoài mở ra ở mặt dưới phần đá và một lỗ trong mở ra ở đỉnh phần đá. Mỏm nhọn từ mặt dưới phần đá nhô xuống dưới là mỏm trâm.  Nền phần đá hướng ra ngoài và ra sau. Mỏm lồi trên nền phần đá, ở ngay sau lỗ tai ngoài, được gọi là mỏm chũm. Trong mỏm chũm có hang chũm và nhiều xoang nhỏ. Ở giữa mỏm trâm và mỏm chũm có lỗ trám – chũm, nơi ra khỏi sọ của thần kinh mặt. Trên mặt sau phần đá có lỗống tai trong, nơi các thần kinh sọ VII và VIII đi qua. Ở mặt trước và gần đỉnh phần đá có ấn thần kinh sinh ba, nơi mà hạch cảm giác thần kinh sinh ba nằm; ở ngoài ấn này là lồi cung, được tạo nên bởi ống bán khuyên trước nằm bên dưới; ở trước và ngoài lồi cung là trần hòm nhĩ. Bờ sau phần đá cùng với xương chẩm giới hạn nên lỗ tĩnh mạch cảnh, nơi đi qua của tĩnh mạch cảnh trong và bốn thần kinh sọ cuối.

Xương sọ nhìn bên - các xương và khớp của đầu

Hình 39.2. Xương sọ nhìn bên

Phần trai là mảnh xương mỏng hình quạt. Phần dưới của trai thái dương tách ra mỏm gò má chạy ra trước tiếp khớp với mỏm thái dương của xương gò má; mỏm của hai xương cùng nhau tạo nên cung gò má. Hổ lõm nằm ở mặt sau – dưới mỏm gò má là hố hàm dưới và chỗ lồi tròn ở trước hố này là củ khớp. Hố và củ tiếp khớp với chỏm xương hàm dưới tạo nên khớp thái dương – hàm dưới.

Phần nhĩ là mảnh xương mỏng vây quanh lỗống tai ngoài.

1.1.4. Xương chẩm

Xương chẩm tạo nên phần sau của vòm và nền sọ. Xương chẩm gồm ba phần vây quanh lỗ lớn xương chẩm. Lỗ lớn là nơi hành não liên tiếp với tuỷ sống. Trước lỗ lớn là phần nền, hai bên là các phần bên và ở sau là trai chẩm. Mặt trên phần nền dốc đứng và được gọi là dốc; mặt dưới phần nền có củ hầu. Trên mỗi phần bên có một lồi cầu chẩm tiếp khớp với mặt trên của khối bên đốt đội và một ống thần kinh hạ thiệt, nơi đi qua của thần kinh sọ XII. Mặt sau trai chẩm có ụ chẩm ngoài ở giữa và các đường gáy (trên cùng, trên và dưới) ở mỗi bên. Giữa mặt trước (hay mặt trong) trai chẩm có ụ chẩm trong. Gờ xương từ ụ này đi tới lỗ lớn xương chẩm là mào chẩm trong, còn hai rãnh kế tiếp nhau từ ụ chạy sang hai bên là rãnh xoang ngangrãnh xoang sigma. Rãnh xoang ngang ngăn cách hai hố ở mặt trong trai chẩm: hố đại não ở trên và hố tiểu não ở dưới.

Thiết đồ đứng dọc giữa xương sọ - các xương và khớp của đầu

Hình 39.3. Thiết đồ đứng dọc xương sọ

Mặt ngoài nền sọ - các xương và khớp của đầu

Hình 39.4. Mặt ngoài nền sọ

1.1.5. Xương bướm

Xương bướm nằm ở giữa nền sọ và tiếp khớp với tất cả các xương khác của hộp sọ. Ngoài hộp sọ, nó còn góp phần tạo nên trần ổ mũi và các thành ổ mắt. Các phần của xương bướm là thân, cánh nhỏ, cánh lớn và các mỏm chân bướm.

Thân: Thân xương bướm là vùng nhô cao ở giữa hố sọ giữa, tiếp giáp với xương sàng ở trước và xương chẩm ở sau. Mặt trên của thân xương bướm có rãnh trước giao thoa ở trướchố tuyến yên ở sau. Thành xương ở sau hố tuyến yên được gọi là lưng yên và hai góc bên của lưng yên nhô lên thành các mỏm yên sau. Trong thân xương bướm có các xoang bướm thông với ngách bướm – sàng của ổ mũi.

Mặt trong nền sọ - các xương và khớp của đầu

Hình 39.5. Mặt trong nền sọ

Cánh nhỏ: Hai cánh nhỏ xương bướm từ phần trước của thân chạy sang hai bên rồi tận cùng phía bên tại một đỉnh nhọn. Từ đỉnh trở vào trong, bờ sau của cánh nhỏ chạy theo một đường cong rồi tận cùng như là mỏm yên trước; chính bờ sau tạo nên giới hạn cho các phần bên của các hố sọ trước và giữa. Mỗi cánh nhỏ rộng dần từ đỉnh vào trong rồi dính vào phần trước thân bướm bằng hai rễ và cùng thân bướm giới hạn nên ống thị giác, nơi đi qua của thần kinh so II và động mạch mắt.

Cánh lớn: Ở phía sau, mỗi cánh lớn cũng từ một bên thân bướm chạy sang bên, tạo nên phần lớn hố sọ giữa. Cánh lớn cùng với cánh nhỏ giới hạn nên khe ổ mắt trên, nơi đi qua của các thần kinh VI, III, IV, VI và các tĩnh mạch mắt. Trên cánh lớn và sau đầu trong của khe ổ mắt trên là lỗ tròn, nơi đi qua của thần kinh hàm trên (V2); ở sau – ngoài lỗ tròn là một lỗ lớn hơn, lỗ bầu dục, nơi đi qua của thần kinh hàm dưới (V3); ở sau – ngoài lỗ bầu dục là một lỗ cho động mạch màng não giữa đi qua: lỗ gai. Ở phía sau trong lỗ bầu dục, có thể nhìn thấy lỗ mở vào trong sọ của ống động mạch cảnh tại đỉnh phần đá xương thái dương; ở ngay dưới lỗ mở này là một lỗ nằm giữa xương bướm và phần đá xương thái dương có tên là lỗ rách.

Các mỏm chân bướm: Các mỏm chân bướm từ chỗ nói giữa thân và cánh lớn chạy xuống các thành bên ổ mũi. Mỗi mỏm có một mảnh trong và một mảnh ngoài ngăn cách nhau bởi hố chân bướm. Mỗi mảnh trong mỏm chân bướm tận cùng ở dưới tại móc chân bướm và chia ra ở trên để tạo nên hố thuyền. Ở ngay trên hố thuyền, tại gốc của mảnh trong mỏm chân bướm, là lỗ mở của ống chân bướm.

1.1.6. Xương sàng

Xương sàng nằm trên đường giữa, ở phần trước nền sọ. Nó còn góp phần tạo nên vách mũi, trần ổ mũi, thành ngoài ổ mũi và thành trong ổ mắt. Các phần của xương sàng gồm mảnh sàng, mảnh thẳng đứng và các mê đạo sàng. Mảnh sàng lắp vào chỗ khuyết của phần ổ mắt xương trán, ngăn cách hố sọ trước với ổ mũi; giữa mặt trên của mảnh sàng nhỏ lên một mỏm hình tam giác gọi là mào gà; trên mảnh sàng có các lỗ sàng cho các thần kinh khứu đi qua. Mảnh thẳng đứng chạy xuống góp phần tạo nên vách mũi. Mỗi mê đạo sàng là một khối xương xốp nằm giữa ổ mắt và ổ mũi. Khối này chứa các xoang sàng, gồm ba nhóm trước, giữa và sau, thông với ổ mũi. Hai mảnh xương từ mặt trong mỗi mê đạo sàng nhô vào ổ mũi được gọi là các xoăn mũi trêndưới. Nhóm xoang sàng giữa làm cho thành ngoài ngách mũi giữa lồi lên thành một vòm gọi là bọt sàng.

1.2. Các xương mặt

1.2.1. Xương hàm trên

Hai xương hàm trên (đã dính lại) tạo nên hàm trên và tiếp khớp với tất cả các xương mặt khác, trừ xương hàm dưới. Nó tạo nên một phần của sàn ổ mắt, một phần của thành bên và sàn ổ mũi, và hầu hết khẩu cái cứng. Xương hàm trên gồm thân và các mỏm liên tiếp với thân.

Thân có các mặt hướng về ổ mắt, ổ mũi, hố dưới thái dương (được gọi lần lượt là mặt ổ mắt, mặt mũi mặt dưới thái dương) và về phía trước (mặt trước). Thân xương chứa một xoang lớn mở vào ổ mũi, xoang hàm trên.

– Trên mặt trước, ngay dưới bờ dưới ổ mắt, có lỗ dưới ổ mắt.

– Mặt ổ mắt xương hàm trên tạo nên phần lớn sàn ổ mắt. Bờ ngoài của mặt này cùng với cánh lớn xương bướm giới hạn nên khe ổ mắt dưới; trên mặt ổ mắt có có rãnh dưới ổ mắt; rãnh này thông với lỗ dưới ổ mắt ở mặt trước qua ống dưới ổ mắt.

– Ở mặt dưới thái dương có củ hàm.

– Mặt mũi xương hàm trên góp phần tạo nên thành ngoài ổ mũi; trên mặt này có rãnh lệlỗ xoang hàm trên.

Các mỏm:

– Ở phía ngoài, mỏm gò má xương hàm trên tiếp khớp với xương gò má.

– Ở phía trong, mỏm trán xương hàm trên chạy lên tiếp khớp với xương trán.

– Ở phía dưới, thân xương hàm trên tận cùng bởi mỏm huyệt răng; mỏm này là một cung mang các huyệt răng của các răng hàm trên.

Nền sọ hố chân bướm - các xương và khớp của đầu

Hình 39.6. Nền sọ hố châm bướm

Mỏm khẩu cái nhô ra từ mặt trong (mặt mũi) thân xương hàm trên, bắt đầu từ ngay trên mặt trong của mỏm huyệt răng và đi tới đường giữa, nơi nó tiếp khớp với mỏm của xương bên đối diện. Hai mỏm cùng nhau tạo nên hai phần ba trước của khẩu cái cứng. Tại đầu trước của đường giữa khẩu cái cứng có một hố nhỏ (hố răng cửa) nằm ngay sau các răng cửa. Hai ống răng cửa, mỗi ống ở một bên, từ hố này chạy về phía sau – trên rồi mở vào sàn ổ mũi. Các ống và hố này là đường đi của các mạch khẩu cái lớn và thần kinh mũi – khẩu cái.

1.2.2. Xương hàm dưới

Xương hàm dưới gồm một thân và hai ngành hàm.

Xương hàm dưới - các xương và khớp của đầu

Hình 39.7. Xương hàm dưới

Thân xương hàm dưới cong hình móng ngựa, gồm một nền dày ở dưới và phần huyệt răng ở trên. Giữa mặt trước nền hàm dưới lồi ra ở thành lồi cằm và mỗi bên có một lỗ cằm. Phần huyệt răng cong thành cung huyệt răng và mang các lỗ huyệt chân răng hàm dưới. Ở mặt trong thân xương và ngay sau khớp dính hàm dưới là một đôi gai nhỏ gọi là các gai cằm trêndưới. Từ đường giữa và ở dưới các gai cằm có một đường gờ gọi là đường hàm – móng chạy ra sau và lên trên ở mặt trong mỗi bên thân xương. Ở trên phần ba trước của đường hàm – móng là một vùng lõm nông gọi là hố dưới lưỡi, và bên dưới hai phần ba sau của đường hàm móng là một hố lõm khác gọi là hố dưới hàm.

Ngành xương hàm dưới: Bờ sau ngành hàm dưới liên tiếp với bờ dưới thân hàm dưới tại góc hàm dưới. Từ đây, ngành hàm chạy lên trên gần như vuông góc với thân hàm. Đầu trên của ngành hàm tách ra thành mỏm vẹt ở trước và mỏm lồi cầu ở sau; giữa hai mỏm này là khuyết hàm dưới. Mỏm lồi cầu có một chỏm tiếp khớp với hố hàm dưới và củ khớp của xương thái dương. Trên mặt trong của ngành hàm có một lỗ cho thần kinh và các mạch huyệt răng dưới đi vào xương hàm, lỗ hàm dưới. Lỗ này là cửa vào của ống hàm dưới. Miệng lỗ được chắn bằng một mảnh xương gọi là lưỡi hàm dưới.

1.2.3. Các xương khác: Xương mũi, xương lệ, xương gò má, xương khẩu cái, xương xoăn mũi dưới, xương lá mía, xương móng

Xương mũi: Các xương mũi gặp nhau trên đường giữa và tạo nên một phần của cầu mũi.

Xương lệ: Hai xương lệ là những xương nhỏ nằm ở sau và ngoài các xương mũi và tạo nên một phần thành trong ổ mắt. Xương lệ cùng với mỏm trán xương hàm trên giới hạn nên hố lệ, nơi mà túi lệ nằm.

Xương gò má: Xương gò má làm cho gò má lồi lên thành gò và tạo nên một phần của thành ngoài và sàn ổ mắt. Nó tiếp khớp với các xương trán, hàm trên, bướm và thái dương.

Xương khẩu cái: Xương này gồm mảnh nằm ngang và mảnh thẳng đứng hợp thành hình chữ L. Mảnh nằm ngang cùng với mảnh nằm ngang của xương bên đối diện tạo thành phần sau của khẩu cái cứng. Mảnh thẳng đứng nhỏ lên trên để tạo nên một phần của thành ngoài ổ mũi và một phần sàn ổ mắt.

Xương xoăn mũi dưới: Mỗi xương này là một xương mỏng cuộn lại và nhô vào ổ mũi ở dưới xương xoăn mũi giữa.

Xương lá mía: Đây là một xương mỏng hình tam giác tạo nên một phần vách mũi. Nó tiếp khớp ở dưới với các xương của khẩu cái cứng tại đường giữa và ở trên với mảnh thẳng đứng của xương sàng và xương bướm.

Xương móng: Xương này không thuộc xương sọ nhưng được mô tả cùng xương sọ cho tiện. Nó là một xương rời hình móng ngựa nằm trong các mô mềm của vùng cổ, ở ngay trên thanh quản và dưới xương hàm dưới. Xương móng gồm một thân nằm ngang và hai sừng ở mỗi bên: sừng lớnsừng nhỏ.

2. CÁC KHỚP HOẠT DỊCH CỦA SỌ

Sọ chỉ có một khớp hoạt dịch là khớp thái dương – hàm dưới. Tuy nhiên, xét đến các cử động của đầu, khớp đội – chẩm, khớp đội – trục giữakhớp đội – trục bên cũng được xếp vào khớp hoạt dịch sọ.

Đốt đội - đốt trục - các xương và khớp đầu

Hình 39.8. Đốt đội – đốt trục

Khớp đội – chẩm là khớp lồi cầu giữa các mặt khớp trên của đốt đội và các lồi cầu xương chẩm. Khớp này cho phép gấp, duỗinghiêng đầu sang hai bên.

Khớp đội – trục giữa là khớp trục giữa một bên là răng của đốt trục với một bên là cung trước đốt đội và dây chằng ngang đốt đội. Động tác của khớp này là xoay đầu.

Khớp đội – trục bên là khớp phẳng giữa mặt khớp dưới của khối bên đốt đội với mặt khớp trên của đốt trục. Động tác của khớp này cũng là xoay đầu.

Khớp thái dương – hàm dưới:

Khớp thái dương – hàm dưới là khớp hoạt dịch, thuộc loại lưỡng lồi cầu, nối xương thái dương với xương hàm dưới.

Khớp thái dương hàm dưới - các xương và khớp của đầu

Hình 39.9. Khớp thái dương – hàm dưới

Mặt khớp: Mặt khớp của xương thái dương nằm ở phần trai, gồm củ khớp ở trước và phần trước hố hàm dưới ở sau. Về phía xương hàm dưới, mặt khớp là chỏm xương hàm dưới. Chỏm là thành phần của mỏm lồi cầu xương hàm dưới. Xen giữa mặt khớp của hai xương là một tấm sụn – sợi gọi là đĩa khớp. Đĩa khớp có hai mặt trên và dưới thích ứng với mặt khớp của hai xương. Chu vi đĩa khớp dính vào bao khớp, lỏng ở phía sau, chắc ở phía trước. Nó còn dính vào gân cơ chân bướm ngoài và vào chỏm xương hàm dưới bằng một dải sợi. Dải này giúp cho đĩa dịch chuyển ra trước và sau cùng chỏm xương hàm dưới.

Bao khớp dính vào chu vi các mặt khớp của hai xương và bám vào chu vi của đĩa khớp; đĩa khớp chia ổ khớp thành hai khoang: khoang thái dương – đĩa khớpkhoang đĩa khớp – hàm dưới. Bao khớp thường lỏng giữa đĩa khớp và xương thái dương, chắc và chặt hơn ở giữa đĩa khớp và xương hàm dưới.

Màng hoạt dịch: Do ổ khớp bị chia đôi nên màng hoạt dịch cũng bị chia đôi ổ thành:

Màng hoạt dịch trên lót mặt trong bao sợi của khớp thái dương – đĩa khớp.

Màng hoạt dịch dưới lót mặt trong bao sợi của khớp đĩa khớp – hàm dưới.

Dây chằng:

Dây chẳng ngoàidây chằng trong là những phần dày lên ở hai mặt ngoài và trong của bao khớp. Dây chằng ngoài bám ở trên vào củ khớp (thuộc rễ của mỏm gò má). Các sợi của nó chạy xuống dưới và ra sau bám vào mặt ngoài của cổ lồi cầu xương hàm dưới, qua đó bảo vệ ống tai ngoài.

Dây chằng bướm – hàm dưới nằm ở mặt trong của khớp. Nó là một dải sợi chạy từ gai xương bướm tới lưỡi xương hàm dưới.

Dây chằng trâm – hàm dưới nằm ở phía sau – trong của khớp. Nó chỉ là một dải dày lên của mạc cổ sâu chạy từ đỉnh mỏm trâm tới góc xương hàm dưới.

Các cơ và những cử động:

Hạ xương hàm dưới: Khi há miệng, chỏm xương hàm dưới xoay trên mặt dưới của đĩa khớp quanh một trục ngang. Cổ xương hàm dưới và đĩa khớp cùng được cơ chân bướm ngoài kéo ra trước và đĩa khớp dịch chuyển tới dưới củ khớp. Chuyển động ra trước của đĩa khớp được giới hạn bởi sức căng của mô xơ – chun buộc đĩa khớp vào xương thái dương. Xương hàm dưới được hạ thấp nhờ hai cơ bụng, cơ cằm – móng và cơ hàm móng. Cơ chân bướm ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc kéo xương ra trước.

Nâng xương hàm dưới: Động tác này ngược với động tác hạ xương hàm dưới. Đầu tiên chỏm xương hàm dưới và đĩa khớp dịch chuyển ra sau, tiếp đó chỏm xoay trên mặt dưới đĩa khớp. Xương hàm được nâng lên nhờ cơ thái dương, cơ cắn và cơ chân bướm trong; các sợi sau của cơ thái dương kéo chỏm xương hàm dưới ra sau. Đĩa khớp được kéo ra sau nhờ mô xơ  – chun.

Đưa hàm dưới ra trước: Đĩa khớp được kéo ra trước tới mặt dưới củ khớp và chỏm xương hàm dưới được kéo theo cùng đĩa khớp. Tất cả cử động chỉ diễn ra ở khớp thái dương – đĩa khớp. Hàm dưới đưa ra trước làm cho các răng hàm dưới nằm trước răng hàm trên. Động tác này xảy ra khi cơ chân bướm ngoài ở cả hai bên cùng co với sự hỗ trợ của hai cơ chân bướm trong.

Đưa xương hàm dưới ra sau: Đĩa khớp và chỏm xương hàm dưới được kéo ra sau về hố hàm dưới. Động tác này diễn ra nhờ các sợi sau của cơ thái dương.

Các cử động nhai từng bên: Các cử động này bao gồm việc luân phiên đưa hàm dưới ra trước và ra sau ở mỗi bên.

Cập nhật thông tin mới nhất về kiến thức y học và test y học tại facebook TEST Y HỌC

Tham gia nhóm zalo: Tài Liệu Y Học Tổng Hợp

Ôn thi nội trú, sau đại học Giải Phẫu TẠI ĐÂY

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one