Các Xương Và Khớp Của Thân – Giải Phẫu Y Hà Nội

Bài 40

CÁC XƯƠNG VÀ KHỚP CỦA THÂN

1. XƯƠNG THÂN

Xương của thân gồm có: cột sống và các xương ngực. Xương thân bị xương sọ đề lên và liên hệ với các xương chi qua các đai chi.

1.1 Cột sống

Cột sống là cột trụ chính của thân người đi từ mặt dưới xương chẩm đến đỉnh xương cụt. Cột sống gồm 33 – 35 đốt sống chồng lên nhau, được chia làm 4 đoạn, mỗi đoạn có một chiều cong và các đặc điểm riêng thích ứng với chức năng của đoạn đó; từ trên xuống dưới, đoạn cổ có 7 đốt – cong lồi ra trước, đoạn ngực có 12 đốt – cong lồi ra sau, đoạn thắt lưng có 5 đốt – cong lồi ra trước, đoạn cùng có 5 đốt dính liền với nhau tạo thành xương cùng – cong lồi ra sau, đoạn cụt gồm 4 – 6 đốt sống cuối cùng cũng dính với nhau tạo thành xương cụt.

Chiều dài của toàn bộ cột sống xấp xỉ bằng 40% chiều cao cơ thể.

1.1.1. Đặc điểm hình thể chung của các đốt sống

Mỗi đốt sống gồm có thân đốt sống và cung đốt sống vây quanh lỗ đốt sống.

Thân đốt sống có hình trụ dẹt, mặt trên và mặt dưới đều hơi lõm để tiếp khớp với đốt sống kế cận qua đĩa gian đốt sống.

Cung đốt sống ở phía sau thân đốt sống, cùng với thân đốt sống giới hạn nên lỗ đốt sống. Cung gồm mảnh cung đốt sống rộng và dẹt, nằm ở sau; 2 cuống cung đốt sống ở trước mảnh, dính với thân; và các mỏm từ cung mọc ra. Cuống có hai bờ (trên và dưới) đều lõm gọi là các khuyết sống trêndưới. Khuyết sống dưới của đốt sống trên cùng khuyết sống trên của đốt sống dưới liền kề giới hạn nên lỗ gian đốt sống, nơi mà các dây thần kinh sống và các mạch máu đi qua. Các mỏm tách từ cung đốt sống ra là:

1 mỏm gai từ giữa mặt sau của mảnh cung đốt sống chạy ra sau và xuống dưới, sờ thấy được ở dưới da lưng;

2 mỏm ngang từ chỗ nối giữa cuống và mảnh chạy ngang ra hai bên;

4 mỏm khớp, gồm 2 mỏm khớp trên và 2 mỏm khớp dưới, cũng tách ra từ khoảng chỗ nối giữa cuống và mảnh; khi các đốt sống tiếp khớp với nhau thì 2 mỏm khớp dưới của đốt sống trên tiếp khớp với 2 mỏm khớp trên của đốt sống dưới.

Lỗ đốt sống nằm giữa thân đốt sống và cung đốt sống. Khi các đốt sống chồng lên nhau tạo thành cột sống thì các lỗ này hợp thành ống sống chứa tuỷ sống.

Cột sống - các xương và khớp của thân

Hình 40.1. Cột sống

1.1.2. Đặc điểm hình thể riêng của đốt sống ở từng đoạn

Các đốt sống cổ

Các đốt sống cổ có chung đặc điểm là: mỏm ngang dính vào thân và cuống cung đốt sống bằng 2 rễ, giới hạn nên lỗ ngang, nơi có các mạch đốt sống đi qua. Một số đốt sống cổ lại có thêm các đặc điểm riêng.

Đốt cổ I hay đốt đội không có thân mà có cung trước, cung sau và 2 khối bên. Mỗi khối bên có mặt khớp trên tiếp khớp lồi cầu xương chẩm và mặt khớp dưới tiếp khớp với đốt cổ II.

Đốt cổ II hay đốt trục có một mỏm từ mặt trên của thân nhô lên gọi là răng đốt trục. Răng có một đỉnh và hai mặt khớp: mặt khớp trước tiếp khớp với cung trước đốt đội, mặt khớp sau tiếp khớp với dây chằng ngang.

Đốt đội - đốt trục - các xương và khớp của thân

Hình 40.2. Đốt đội – đốt trục

Đốt cổ VII hay đốt lồi có mỏm gai dài nhất trong số các mỏm gai đốt sống cổ.

Đốt sống cổ thứ 7 - các xương và khớp của thân

Hình 40.3. Đốt sống cổ thứ 7 (đốt lồi)

Các đốt sống ngực

Đặc điểm của các đốt sống ngực là chúng có hõm sườn ngang trên mỏm ngang để tiếp khớp với củ sườn và các hõm sườn trêndưới trên thân đốt để tiếp khớp với chỏm sườn.

Đốt sống ngực - các xương và khớp của thân

Hình 40.4. Đốt sống ngực

Các đốt sống thắt lưng

Đặc điểm giúp phân biệt các đốt sống thắt lưng là chúng không có lỗ ngang như đốt sống cổ và không có các hõm sườn trên mỏm ngang và thân như đốt sống ngực.

Đốt sống thắt lưng - các xương và khớp của thân

Hình 40.5. Đốt sống thắt lưng

Xương cùng

Các đốt sống cùng dính chặt với nhau thành một khối gọi là xương cùng. Nó tiếp khớp ở trên với đốt sống thắt lưng V, ở dưới với xương cụt và hai bên với xương chậu.

Xương cùng và xương cụt - các xương và khớp của thân

Hình 40.6. Xương cùng – xương cụt

Xương cùng hình tháp có 2 mặt (trước, sau), 2 phần bên, nền ở trên, đỉnh ở dưới.

Mặt trước hay mặt chậu hông có 4 đường ngang, ở hai đầu mỗi đường có các lỗ cùng trước cho các ngành trước của các dây thần kinh cùng đi qua.

Mặt sau hay mặt lưng lồi, gồ ghề có 5 mào dọc là mào cùng giữa, 2 mào cùng trung gian và 2 mào cùng bên; chúng là di tích của các mỏm gai, mỏm khớp và mỏm ngang. Phía ngoài mào trung gian có các lỗ cùng sau tương ứng với các lỗ cùng trước (ở mặt trước). Phần dưới của mặt sau có hai sừng cùng nằm ở hai bên đầu dưới của ống cùng.

Hai phần bêndiện nhĩ hay diện loa tai tiếp khớp với xương chậu, phía sau diện nhĩ là lồi củ cùng.

Nền xương cùng: Phần giữa nền có lỗ trên của ống cùng ở sau và mặt trên thân đốt sống cùng I ở trước; bờ trước của mặt trên thân đốt sống cùng I nhô ra trước nên được gọi là ụ nhô. Hai bên của nền là hai cánh xương cùng và hai mỏm khớp trên.

Đỉnh xương cùng quay xuống dưới, khớp với xương cụt.

Xương cụt do 4 – 6 đốt sống cụt dính liền nhau tạo nên.

1.2. Các xương ngực và lồng ngực

Lồng ngực và xương ức - các xương và khớp của thân

Hình 40.7. Lồng ngực và xương ức

Lồng ngực được tạo thành bởi 12 đôi xương sườn tiếp khớp với các đốt sống ngực ở phía sau và với xương ức ở phía trước. Các xương lồng ngực giới hạn nên khoang (hay ổ) ngực. Khoang ngực có 2 lỗ: lỗ ngực trên được giới hạn bởi mặt trước đốt sống ngực I, xương sườn I và khuyết tĩnh mạch cảnh của cán xương ức; lỗ ngực dưới được giới hạn bởi thân đốt sống ngực XII, xương sườn XII, cung sườngóc dưới ức. 22 khoang gian sườn mà mỗi khoang nằm giữa một cặp xương sườn liên tiếp; hai rãnh phổi nằm hai bên cột sống đoạn ngực. Các đốt sống ngực đã được mô tả ở trên, dưới đây chỉ mô tả xương ức và các xương sườn.

1.2.1. Xương ức

Xương ức là xương dẹt, nằm ở giữa thành trước lồng ngực và gồm 3 phần tính từ trên xuống là: cán ức, thân ứcmỏm mũi kiếm (mũi ức). Giữa cán ức và thân ức là góc ức. Cán ức có khuyết tĩnh mạch cảnh ở bờ trên và khuyết đòn để tiếp khớp với đầu ức của xương đòn. Mỗi bờ bên của cán và thân có 7 khuyết sườn để tiếp khớp với sụn của 7 xương sườn trên sườn.

1.2.2. Xương sườn

Có 12 đôi xương sườn, là các xương dẹt, dài và cong. Trong 12 đôi xương sườn, mỗi xương của các đôi I – VII tiếp khớp với xương ức bằng một sụn sườn riêng nên được gọi là các xương sườn thật, các đôi VIII – XII không có sụn sườn riêng để tiếp khớp với xương ức (hoặc không tiếp khớp, như các đôi XI – XII) nên được gọi là các xương sườn giả, riêng các xương sườn XI – XII còn được gọi là các xương sườn cụt.

Về hình thể, mỗi xương sườn có 1 chỏm, 1 cổ và 1 thân. Chỏm sườn nằm ở đầu sau của xương sườn và có mặt khớp chỏm sườn để tiếp khớp với thân đốt sống ngực. Cổ sườn là chỗ thắt lại giữa cổ và thân. Thân sườn dẹt và cong, có 2 mặt, 2 bờ; mặt ngoài cong lồi, mặt trong cong lõm; trên mặt trong và dọc theo bờ dưới có rãnh sườn để mạch – thần kinh gian sườn đi qua (nên khi chọc qua khoang gian sườn ta cần tỳ kim lên bờ trên của xương sườn dưới của mỗi khoang để không chọc vào mạch và thần kinh). Đầu sau của thân có củ sườn; đầu trước liên tiếp với đầu ngoài của sụn tương ứng. Trên cả sườn mặt khớp củ sườn để tiếp khớp với mỏm ngang đốt sống ngực.

Xương sườn - các xương và khớp của thân

Hình 40.8. Xương sườn

1.3. Khung chậu

Khung chậu hay chậu hông là từ vừa dùng để chỉ đai xương khép kín được tạo bởi sự tiếp khớp giữa hai xương chậu với xương cùng và xương cụt, vừa chỉ khoang nằm trong đai xương này, hoặc thậm chí cả vùng nằm giữa thân và chi dưới. Chậu hông được dùng trong bài này với nghĩa là khoang chậu hông, và một phần với nghĩa là đai xương nằm giữa chỏm xương đùi và đốt sống thắt lưng V. Chậu hông có ý nghĩa quan trọng về sản khoa, nhân chủng học và pháp y.

Chậu hông được chia thành chậu hông lớn (chậu hông giả) và chậu hông bé (chậu hông thực) ngăn cách nhau bởi eo chậu trên.

Khung chậu nam và khung chậu nữ - các xương và khớp của thân

Hình 40.9. Khung chậu nam và khung chậu nữ

1.3.1. Chậu hông lớn

Chậu hông lớn là phần chậu hông nằm trên eo chậu trên gồm 2 thành bên tạo bởi hố chậu của xương chậu và phần bên của nền xương cùng; nó có hình phễu loe rộng lên trên, là giá tựa cho các tạng trong ổ bụng và chỗ bám của các cơ thuộc đai bụng. Có thể xem chậu hông lớn như một phần của ổ bụng. Vì chậu hông nghiêng, chậu hông lớn không có thành trước.

1.3.2. Chậu hông bé

Chậu hông bé là khoang chậu thực sự vì được đậy kín ở dưới bởi hoành chậu hồng và đáy chậu. Thành xương của chậu hông nhỏ không đều nhưng hoàn thiện hơn chậu hông lớn (có thành trước). Chậu hông bé nằm giữa eo chậu trên (nơi thông với khoang bụng) và eo chậu dưới (được đậy bởi sàn chậu hông) và có một trục cong ở giữa. Chậu hông bé có tầm quan trọng về sản khoa.

1.3.2.1. Eo chậu trên

Eo chậu trên, hay đường vào chậu, là một vành xương tròn hoặc bầu dục do ụ nhô xương cùng ở sau và các đường tận cùng ở hai bên tạo nên. Mỗi đường tận cùng bao gồm đường cung xương chậu, lược xương mumào mu. Eo trên nằm trên một mặt phẳng chếch xuống dưới và ra trước.

Ở nữ, các kích thước của eo chậu trên là một trong những yếu tố quyết định đẻ dễ hay khó. Có ba kích thước: đường kính liên hợp thực hay đường kính trước – sau được đo từ giữa ụ nhô xương cùng tới giữa bờ trên khớp mu; đường kính ngang là khoảng cách tối đa giữa hai điểm tương tự ở hai bên vành chậu; và đường kính chéo được đo từ lồi chậu mu tới khớp cùng – chậu.

Bảng 40.1. Một số kích thước eo trên của nữ

Kích thước (mm) Việt Nam Người Âu
Ụ nhô – bờ trên khớp mu 110 112
Ụ nhô – bờ dưới khớp mu 117 120
Đường kính ngang (lớn nhất) 120 131
Đường kính chéo 116 125
1.3.2.2. Khoang chậu hông bé

Chậu hông bé có hình ống nhưng ngắn và cong. Về phía trước – dưới, nó được vây quanh bởi các xương mu (các ngành và khớp mu). Thành sau dài hơn rõ rệt, do mặt trước lõm của xương cùng và xương cụt tạo nên. Hai thành bên là mặt nhẵn hướng về chậu hông của xương cánh chậu và xương ngồi.

Các đường kính của khoang chậu hông bé thường được đo ở mức giữa chậu hông (số liệu trên người Âu).

Đường kính trước – sau được đo từ điểm giữa đốt sống cùng III tới giữa mặt sau khớp mu (130 mm).

Đường kính ngang là khoảng cách ngang rộng nhất giữa các thành bên chậu hông và thường là khoảng cách ngang lớn nhất của toàn khoang chậu hông (125 mm).

Đường kính chéo là khoảng cách từ điểm thấp nhất của khớp cùng – chậu tới điểm giữa màng bịt bên đối diện (131 mm).

1.3.2.3. Eo chậu dưới

Đường viền quanh eo chậu dưới không đều như eo chậu trên vì bị xương cùng – cụt nhô vào ở sau và các ụ ngồi nhỏ vào ở hai bên. Eo dưới có hình trám mà hai cạnh trước là hai ngành ngồi – mu (gặp nhau tại góc dưới mu), hai cạnh sau là các dây chẳng cùng – củ với xương cụt ở giữa. Như vậy, nửa sau của eo dưới không phải là đường viên cứng vì các dây chằng có thể giãn được và xương cụt cũng có thể dịch chuyển. Eo dưới cũng có ba đường kính:

Đường kính trước – sau thường được đo từ đỉnh xương cụt tới bờ dưới khớp mu (125 mm);

Đường kính ngang được đo ở giữa các củ ngồi, tại bờ dưới của mặt trong (118 mm);

Đường kính chéo đi từ điểm giữa của dây chằng cùng – củ tới giữa ngành ngồi mu bên đối diện (118 mm).

1.3.3. Sự khác nhau giữa chậu hông nam và chậu hông nữ

Chậu hông thể hiện đặc điểm giới tính rõ rệt: chậu hông nữ rộng và ngắn, các đường kính eo chậu trên lớn hơn nam. Cung mu và góc dưới mu của nữ rộng hơn nam, khoảng cách gian gai ngồi của nữ cũng rộng hơn. Trong khi đó xương chậu hông của nam dày hơn và các mỏm hay gờ xương cũng rõ nét hơn.

2. CÁC KHỚP CỦA CỘT SỐNG

Ngoại trừ những khớp đặc biệt giữa đốt đội với xương sọ và giữa đốt đội với đốt trục thì các đốt sống thắt lưng, ngực và cổ khác liên kết với nhau bằng những loại khớp giống nhau ở tất cả các vùng. Đó là những khớp hoạt dịch giữa các mỏm khớp, khớp sợi giữa các cung đốt sống và khớp sụn (sụn – sợi) giữa các thân đốt sống.

Dây chằng đốt sống - các xương và khớp của thân

Hình 40.10. Dây chằng đốt sống

2.1. Khớp giữa các mỏm khớp

Đây là khớp hoạt dịch (khớp động). Trên các mỏm khớp có mặt khớp nhỏ được bọc bằng sụn. Bao khớp mỏng, gồm lớp sợi bên ngoài và lớp màng hoạt dịch bên trong. Khớp này cho phép các mỏm khớp trượt lên nhau một cách đơn giản.

2.2. Khớp sợi giữa các cung đốt sống

Đây là các khớp chằng hay khớp dính sợi của cột sống. Mô sợi liên kết các cung đốt sống được gọi là các dây chằng sau đây:

Dây chằng trên gai nối đỉnh các mỏm gai;

Các dây chằng gian gai nằm giữa các mỏm gai;

Các dây chẳng gian ngang nối các mỏm ngang kề nhau;

Các dây chằng vàng cấu tạo hoàn toàn bằng mô chun, chạy giữa các mảnh kề nhau và gần như lấp kín khoang liên mảnh.

2.3. Khớp giữa các thân đốt sống

Các mặt trên và dưới của thân đốt sống đều lõm ở giữa, gờ cao ở xung quanh và được bọc bằng sụn. Những mặt của các thân đốt sống kể nhau được liên kết với nhau bằng đĩa gian đốt sống. Đĩa có hình thấu kính lồi hai mặt và gồm hai phần: nhân tuỷ ở giữa và vòng sợi ở xung quanh. Vòng sợi cấu tạo bằng mô xơ – sụn, dính chặt với bề mặt thân đốt sống. Nhân tuỷ là một khối chất nhầy có thể dịch chuyển trong vòng sợi dưới lực ép giữa hai thân đốt sống. Đĩa gian đốt sống cho phép một mức cử động nhỏ giữa hai thân đốt sống nhưng tầm cử động cộng gộp của cả cột sống hay đoạn cột sống thì lớn hơn nhiều

Có hai dây chằng tăng cường cho sự liên kết giữa các thân đốt sống:

Dây chằng dọc trước nằm ở mặt trước các thân đốt sống, đi từ đốt đội tới phần trên mặt trước xương cùng;

Dây chằng dọc sau nằm ở mặt sau các thân đốt sống (trong ống sống)

Cập nhật thông tin mới nhất về kiến thức y học và test y học tại facebook TEST Y HỌC

Tham gia nhóm zalo: Tài Liệu Y Học Tổng Hợp

Ôn thi nội trú, sau đại học Giải Phẫu TẠI ĐÂY

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one