Bài 8
CƠ – MẠC CỦA CHI DƯỚI:
CƠ CỦA CÁC VÙNG GẲNG CHÂN VÀ BÀN CHÂN
MỤC TIÊU1. Mô tả được cách bám và thần kinh chi phối của mỗi cơ trong các nhóm cơ vận động bàn chân và ngón chân. 2. Mô tả được các mạc và những cấu trúc do cơ – mạc tạo nên. |
1. CÁC CƠ VÀ MẠC CỦA VÙNG CẲNG CHÂN
Cẳng chân được chia thành hai vùng trước và sau bởi xương chày, màng gian cốt, xương mác và vách gian cơ cẳng chân sau. Vùng cẳng chân trước lại được chia thành hai ngăn trước và ngoài bởi vách gian cơ cẳng chân trước. Như vậy, cẳng chân có ba ngăn mạc: ngăn trước, ngăn ngoài và ngăn sau.
1.1. Các cơ trong ngăn trước
Ngăn này chứa cơ chày trước, cơ duỗi các ngón chân dài, cơ duỗi ngón chân cái dài và cơ mác ba. Chức năng của các cơ này là gấp mu chân tại khớp cổ chân và duỗi các ngón chân. Chúng được vận động bởi các nhánh của thần kinh mác sâu, một nhánh của thần kinh mác chung. Ở vùng cổ chân, gân của các cơ này chạy dưới các hãm gân duỗi trên và dưới.
Bảng 8.1. Các cơ của ngăn trước cẳng chân
Cơ | Nguyên uỷ | Bám tận | Động tác |
Cơ chày trước | Lồi cầu ngoài và nửa trên mặt ngoài xương chày | Các mặt trong và dưới của xương chêm trong và nền xương đốt bàn chân I | Gấp mu bàn chân (duỗi bàn chân) và nghiêng trong bàn chân |
Cơ duỗi ngón chân cái dài | 1/3 giữa mặt trong xương mác và màng gian cốt | Mặt mu của nền đốt xa ngón chân cái | Duỗi ngón chân cái và gấp mu chân |
Cơ duỗi các ngón chân dài | Lồi cầu ngoài xương chày. 3/4 trên mặt trong xương mác và màng gian cốt | Các đốt giữa và xa của 4 ngón chân ngoài | Duỗi bốn ngón chân ngoài và gấp mu chân |
Cơ mác ba | 1/3 dưới mặt trong xương mác và màng gian cốt | Mặt mu của nền xương đốt bàn chân V | Gấp mu chân và nghiêng bàn chân ra ngoài |
1.2. Các cơ trong ngăn ngoài (của vùng cẳng chân trước)
Ngăn ngoài được giới hạn bởi mặt ngoài xương mác, các vách gian cơ cẳng chân trước và sau, và mạc cẳng chân. Ngăn này chứa cơ mác dài và cơ mác ngắn vốn là những cơ có tác dụng gấp gan chân và nghiêng ngoài bàn chân. Chúng đều do thần kinh mác nông, nhánh của thần kinh mác chung, chi phối.
1.2.1. Cơ mác dài (peroneus longus)
Là cơ nông hơn trong số hai cơ mác.
Nguyên uỷ: Chỏm và 2/3 trên mặt ngoài xương mác. Cơ còn bám cả vào các vách gian cơ cẳng chân trước và sau.
Bám tận: Gân cơ mác dài chạy vòng sau mắt cá ngoài, ở dưới hãm cơ mác trên. Tiếp đó, gân chạy dưới ròng rọc mác của xương gót để đi vào rãnh gân cơ mác dài của xương hộp. Cuối cùng, gân chạy chếch qua gan chân để tới bám tận vào nền xương đốt bàn chân I và xương chêm trong.
Động tác: Gấp gan chân và nghiêng ngoài bàn chân; giữ vững các vòm gan chân.
Hình 8.1. Các cơ vùng cẳng chân trước
1.2.2. Cơ mác ngắn (peroneus brevis) và sau.
Nguyên uỷ: 2/3 dưới mặt ngoài xương mác, các vách gian cơ cẳng chân trước.
Bám tận: Gân cơ chạy qua một rãnh ở mặt sau mắt cá ngoài và có thể sờ thấy ở dưới mắt cá ngoài. Tại đây, nó nằm trong một bao gân chung với gân cơ mác dài. Cuối cùng, gân bám tận vào mặt mu của lồi củ xương đốt bàn chân V (nằm ở mặt ngoài nền xương đốt bàn chân V).
Động tác: Giống cơ mác dài nhưng vai trò giữ các vòm gan chân kém cơ mác dài (vì gần không chạy qua gan chân).
1.3. Các cơ vùng cẳng chân sau (ngăn sau)
Các cơ vùng cẳng chân sau được chia thành các nhóm nông và sâu bởi vách gian cơ ngang cẳng chân (mạc ngang sâu cẳng chân).
Nhóm cơ nông bao gồm cơ tam đầu và cơ gan chân. Cơ tam đầu do cơ bụng chân (với hai dấu trong và ngoài) và cơ dép tạo nên. Đây là cơ to khoẻ tạo nên bắp chân (phần lồi của vùng cẳng chân sau). Kích thước lớn của cơ tam đầu là một đặc trưng của cơ bắp người và liên quan trực tiếp đến tư thế đứng thẳng của loài người. Cơ này cần to khỏe vì nó phải chống đỡ và dịch chuyển sức nặng của cơ thể. Động tác của nhóm cơ nông là gấp gan chân.
Hình 8.2. Các cơ lớp nông vùng cẳng chân sau
Nhóm cơ sâu bao gồm cơ chày sau, cơ gấp các ngón chân dài và cơ gấp ngón chân cái dài. Chúng nằm ngay sau các xương cẳng chân và màng gian cốt. Toàn bộ các cơ vùng cẳng chân sau do thần kinh chày vận động.
Hình 8.3. Các cơ lớp sâu vùng cẳng chân sau
Bảng 8.2. Các cơ vùng cẳng chân sau
Cơ | Nguyên uỷ | Bám tận | Động tác |
Cơ bụng chân | Đầu ngoài: lồi cầu ngoài xương đùi
Đầu trong: diện khoeo của xương đùi, trên lồi cầu trong |
Gân cơ dép và gân cơ gan chân hợp với gân cơ bụng chân tạo thành gân gót. Gân gót bám vào mặt sau xương gót | Gấp cẳng chân, gấp gan chân, nâng gót lên khi đi |
Cơ dép | Chỏm và 1/4 trên mặt sau xương mác; đường cơ dép và 1/3 giữa bờ trong xương chày | Gấp gan chân và giữ vững cẳng chân trên bàn chân (kiễng chân) | |
Cơ gan chân | Đầu dưới đường trên lồi cầu ngoài và dây chằng khoeo chéo | Hỗ trợ cơ bụng chân trong gấp gan chân và gấp cẳng chân | |
Cơ khoeo | Mặt ngoài lồi cầu ngoài xương đùi và sụn chêm ngoài | Mặt sau xương chày, trên đường cơ dép | Gấp và xoay trong cẳng chân |
Cơ gấp ngón chân cái dài | 2/3 dưới mặt sau xương mác và phần dưới màng gian cốt | Nền đốt xa ngón chân cái | Gấp ngón chân cái, gấp gan chân và nghiêng trong bàn chân |
Cơ gấp các ngón chân dài | Nửa trong của 1/3 giữa mặt sau xương chày, dưới đường cơ dép | Nền của đốt xa bốn ngón chân ngoài bằng 4 gân | Gấp bốn ngón chân ngoài, gấp gan chân và xoay bàn chân vào trong |
Cơ chày sau | Màng gian cốt và mặt sau xương chày, mặt trong xương mác | Củ xương thuyền, ba xương chêm và nền của các xương đốt bàn chân II, III và IV | Gấp gan chân và nghiêng trong bàn chân |
2. CÁC CƠ Ở BÀN CHÂN
2.1. Cơ ở mu chân
Chỉ có một cơ nhỏ ở mu chân, cơ duỗi các ngón chân ngắn (extensor digitorum brevis) và cơ này tương đối ít quan trọng.
Nguyễn uỷ: Mặt trên và ngoài của phần trước xương gót, ở phía trước – trong mắt cá ngoài.
Bám tận: Cơ chia thành 4 bó đến bám vào nền đốt gần ngón cái và vào gân đi vào các ngón chân II, III và IV của cơ duỗi các ngón chân dài. Bó đi vào ngón chân cái được gọi là cơ duỗi ngón cái ngắn (extensor hallucis brevis).
Động tác: Hỗ trợ cơ duỗi ngón cái dài và cơ duỗi các ngón chân dài trong việc duỗi các ngón chân I – IV.
Hình 8.4. Các cơ mu chân
2.2. Các cơ ở gan chân
Có 4 lớp cơ ở gan chân. Các cơ này đã được biệt hoá để giúp giữ vững các vòm gan chân và làm cho con người đứng vững trên mặt đất hơn là để thực hiện các chức năng tinh tế như các cơ ở bàn tay.
Lớp cơ nông (lớp thứ nhất) gồm 3 cơ, tất cả đều đi từ phần sau của xương gót tới các ngón chân. Tính từ trong ra ngoài, 3 cơ của lớp nông là: cơ giạng ngón cái, cơ gấp các ngón chân ngắn và cơ giạng ngón út. Cả 3 cơ này hợp thành một nhóm đóng vai trò giữ vững các vòm gan chân và duy trì độ lõm của gan chân.
Lớp cơ giữa (lớp thứ hai) gồm 2 cơ nội tại của gan chân là cơ vuông gan chân và các cơ giun. Lớp này còn có gân của cơ gấp các ngón chân dài và cơ gấp ngón cái dài từ cẳng chân đi xuống. Gân cơ gấp các ngón chân dài bắt chéo mặt nông của gân cơ gấp ngón cái dài và là chỗ bám các cơ nội tại của gan chân.
Hình 8.5. Các cơ vùng gan chân lớp nhất
Lớp cơ sâu (lớp thứ ba) bao gồm các cơ ngắn của ngón cái và ngón út nằm ở nửa trước gan chân: cơ gấp ngón cái ngắn, cơ khép ngón cái, cơ gấp ngón út ngắn.
Hình 8.6. Các cơ vùng gan chân lớp ba
Lớp cơ gian cốt (lớp thứ tư) gồm 3 cơ gian cốt gan chân và 4 cơ gian cốt mu chân. Chúng chiếm những khoảng nằm giữa các xương đốt bàn chân.
Hình 8.7. Các cơ vùng gan chân lớp tư
Về chi phối thần kinh: Cơ gan chân, cơ giạng ngón cái, cơ gấp ngắn ngón cái và cơ giun I do thần kinh gan chân trong chi phối, tất cả các cơ còn lại do thần kinh gan chân ngoài chi phối.
Bảng 8.3. Các cơ vùng gan chân
Cơ | Nguyên uỷ | Bám tận | Động tác |
Lớp nông:
Cơ giạng ngón cái |
Mỏm trong của củ xương gót | Bờ trong nền đốt gần ngón cái | Giạng và gấp ngón cái |
Cơ gấp các ngón chân ngắn | Mỏm trong của củ xương gót, cân gan chân và các vách gian cơ | Bốn gân tới bám vào hai bờ bên của đốt giữa bốn ngón chân ngoài | Gấp bốn ngón chân ngoài |
Cơ giạng ngón út | Các mỏm trong và ngoài của củ xương gót, cân gan chân và vách gian cơ ngoài | Mặt ngoài của nền đốt gần ngón út | Giạng và gấp ngón út |
Lớp giữa:
Cơ vuông gan chân |
Mặt trong xương gót và bờ ngoài của mặt gan chân xương gót | Bờ sau ngoài của gân cơ gấp các ngón chân dài | Chỉnh lại hướng tác dụng của cơ gấp các ngón chân dài và góp phần giữ các vòm gan chân |
Các cơ giun (4 cơ) | Các gân của cơ gấp các ngón chân dài | Mặt trong của nền đốt gần bốn ngón chân ngoài và các gân của cơ duỗi các ngón chân dài | Gấp đốt gần, duỗi các đốt giữa và xa của bốn ngón chân ngoài |
Lớp sâu:
Cơ gấp ngón cái ngắn |
Xương hộp và xương chêm ngoài, gân cơ chày sau | Cả hai bờ bên của nền đốt gần ngón cái | Gấp đốt gần ngón cái |
Cơ khép ngón cái | Đầu chéo: xương hộp, xương chêm ngoài và các xương đốt bàn II, III
Đầu ngang: khớp đốt bàn – đốt ngón III, IV và V |
Nền đốt gần ngón I | Khép ngón I |
Cơ gấp ngón út ngắn | Xương hộp, nền xương đốt bàn V | Bờ ngoài xương đốt bàn chân V | Gấp đốt gần ngón V |
Cơ đối chiếu ngón út | Giống cơ gấp ngón út ngắn | Cơ gian cốt mu chân I: mặt trong xương đốt ngón gần ngón I
Các cơ gian cốt mu chân II, III, IV: mặt ngoài các xương đốt ngón gần các ngón tương ứng |
Khép ngón út |
Lớp gian cốt:
Các cơ gian cốt mu chân (4 cơ) |
Hai mặt đối nhau của các xương đốt bàn liền kề nhau | Mặt trong nền đốt gần các ngón II, IV, V | Giạng ngón chân |
Các cơ gian cốt gan chân (3 cơ) | Mặt trong các xương đốt bàn III, IV, V | Bờ ngoài xương đốt bàn chân V | Khép các ngón II, IV, V |
3. MẠC VÀ CÁC NGĂN MẠC CỦA CẲNG CHÂN
Mạc (mạc sâu) của cẳng chân bao bọc cẳng chân và liên tiếp ở trên với mạc đùi. Nó bám vào các bờ trước và trong của xương chày. Hai vách gian cơ cẳng chân, vách trước và vách sau, từ mặt sâu của mạc cẳng chân chạy tới bám vào xương mác. Các vách này, cùng với màng gian cốt, chia cẳng chân thành 3 ngăn mạc: ngăn trước (ngăn cơ duỗi), ngăn sau (ngăn cơ gấp) và ngăn ngoài (ngăn mác). Ngăn mạc sau được mạc ngang sâu chia thành phần nông và phần sâu.
4. CÁC HÃM GÂN CỦA CỔ CHÂN
Ở vùng cổ chân, mạc cẳng chân dày lên để tạo nên một loạt hãm gân để giữ các gân tại vị trí.
Hãm gân cơ duỗi trên (superior extensor retinaculum) là một dải mạc dày bám vào các bờ trước của đầu xa các xương chày và mác. Nó tách ra để bao bọc gân cơ chày trước ở gần đầu trong của nó.
Hãm gân cơ duỗi dưới (inferior extensor retinaculum) là một dải mạc hình chữ Y với cuống của chữ Y bám vào mặt trên của phần trước xương gót. Trụ trên của chữ Y bám vào mắt cá trong còn trụ dưới liên tiếp với cân gan chân ở bờ trong bàn chân. Các vách sợi từ mặt sau của hãm gân duỗi dưới ngăn cách các gân duỗi với nhau, mỗi gần nằm trong một ngăn riêng và được lót bằng bao hoạt dịch.
Hãm gân gấp (flexor retinaculum) là một dải mạc dày từ mắt cá trong chạy xuống dưới và ra sau tới bám vào mặt trong xương gót. Nó giữ cho gân của các cơ lớp sâu vùng cẳng chân sau áp sát vào mặt trong gót chân, mỗi gân nằm trong một ngăn riêng và được bọc bằng bao hoạt dịch.
Hãm gân cơ mác trên (superior peroneal retinaculum) là một dải mạc dày từ mắt cá ngoài chạy xuống dưới và ra sau để tới bám vào mặt ngoài xương gót. Nó giữ cho gân của các cơ mác dài và ngắn áp vào mặt ngoài cổ chân; hai gần được bọc ằng một bao hoạt dịch chung. Hãm gân cơ mác dưới (inferior peroneal retinaculum) là một dải mạc dày bám vào củ mác và vào xương gót ở trên và ở dưới các gân cơ mác.
5. MẠC GAN CHÂN
Mạc (mạc sâu) của gan chân dày lên tạo nên cân gan chân (plantar aponeurosis). Cân gan chân có hình tam giác và chiếm vùng trung tâm của gan chân. Phần mạc phủ các cơ giạng của ngón cái và ngón thứ hai thì vẫn mỏng. Đỉnh của cân gan chân bám vào củ gót. Nền của cân gan chân chia ra ở ngang gốc các ngón chân thành 5 chẽ, mỗi chẽ lại tách đôi để bao quanh các gân gấp và cuối cùng hoà lẫn với bao sợi gân gấp. Từ các bờ trong và ngoài của cân gan chân, nơi nó liên tiếp với mạc phủ các cơ giạng ngón cái và ngón út, có các vách sợi chạy lên vào gan chân và tham gia vào sự hình thành các ngăn mạc của gan chân.
Cập nhật thông tin mới nhất về kiến thức y học và test y học tại facebook TEST Y HỌC
Tham gia nhóm zalo: Tài Liệu Y Học Tổng Hợp
Ôn thi nội trú, sau đại học Giải Phẫu TẠI ĐÂY