Đại Cương Về Hệ Tuần Hoàn, Các Mạch Chủ, Tĩnh Mạch Cửa

Bài 19

ĐẠI CƯƠNG VỀ HỆ TUẦN HOÀN, CÁC MẠCH CHỦ, TĨNH MẠCH CỬA, HỆ TĨNH MẠCH ĐƠN

MỤC TIÊU

1. Mô tả được các loại mạch máu, cấu tạo chung của mạch máu và của riêng mỗi loại mạch máu.

2. Mô tả được các đoạn của động mạch chủ và phạm vi cấp máu của từng đoạn, các tĩnh mạch chủ và đặc điểm của các tĩnh mạch dẫn lưu máu cho bụng (tĩnh mạch cửa) và ngực (hệ tĩnh mạch đơn).

1. ĐẠI CƯƠNG VỀ HỆ TIM MẠCH

Hệ tim mạch bao gồm tim vốn đóng vai trò như một cái bơm, và các mạch máu để máu tuần hoàn qua đó. Ngoài hệ tuần hoàn máu, hệ tim – mạch còn gồm cả hệ bạch huyết bao gồm các mạch bạch huyết và các hạch bạch huyết – nơi mà bạch huyết chảy qua. Hai hệ này thông với nhau và cùng đảm nhiệm chức năng vận chuyển các chất trong cơ thể.

1.1. Cấu tạo của thành mạch máu

Thành của mạch máu do ba lớp áo tạo nên: (1) áo trong, (2) áo giữa, và (3) áo ngoài. Áo trong hay lớp nội mạc được tạo bởi một lớp thượng mô vảy (gọi là nội mô) nằm trên một màng đáy. Nội mô là một lớp tế bào liên tục, lót mặt trong của tim và tất cả các mạch máu. Áo giữa thường là lớp dày nhất do các sợi chun và các sợi cơ trơn tạo nên. Các sợi chun làm cho mạch máu có tính đàn hồi. Áo ngoài chủ yếu do mô xơ tạo nên. Các sợi giao cảm của thần kinh tự chủ chi phối cơ trơn của mạch máu. Sự hưng phấn thần kinh giao cảm sẽ kích thích cơ trơn co, làm cho lòng mạch máu hẹp lại. Tình trạng giảm đường kính lòng mạch máu được gọi là sự co mạch. Trái lại, khi ức chế thần kinh giao cảm, các sợi cơ trơn giãn ra. Tình trạng đường kính lòng mạch tăng lên được gọi là sự giãn mạch. Hơn nữa, khi một động mạch hay tiểu động mạch bị tổn thương, cơ trơn của thành mạch co, dẫn đến tình trạng co thắt mạch. Sự co mạch này hạn chế máu chảy qua mạch bị tổn thương và làm giảm mất máu nếu mạch máu đó thuộc cỡ nhỏ.

1.2. Các loại mạch máu và đặc điểm cấu tạo của từng loại

1.2.1. Các loại mạch máu

Các mạch máu dẫn máu từ tim đến các mô là các động mạch. Trên đường đi tới các mô, động mạch chia nhánh nhỏ dần, từ các động mạch cỡ lớn đến các động mạch cỡ vừa rồi đến các tiểu động mạch. Tiểu động mạch chia thành các mao mạch. Các động mạch phân phối theo những quy luật nhất định. Về đường đi, chúng đi đến cơ quan bằng con đường ngắn nhất; các mạch chính thường đi ở mặt gấp của các vùng cơ thể và được các cấu trúc khác bảo vệ; chiều dài động mạch thích ứng với sự thay đổi kích thước của cơ quan (ví dụ như động mạch tử cung).

Từ mô trở về tim, máu đi qua các mạch máu có đường kính lớn dần gọi là các tĩnh mạch: đầu tiên là các tiểu tĩnh mạch, tiếp đến là các tĩnh mạch lớn hơn và cuối cùng là các tĩnh mạch chủ.

Cấu tạo của động mạch, cấu tạo của tĩnh mạch và cấu tạo của mao mạch

Hình 19.1. Cấu tạo của động mạch, tĩnh mạch và mao mạch

1.2.2. Đặc điểm cấu tạo của từng loại mạch máu

Động mạch và tiểu động mạch: Thành động mạch có thêm các lá chun trongngoài nằm xen giữa ba lớp áo. Lượng sợi chun và sợi cơ trơn ở áo giữa biến đổi theo kích thước động mạch. Áo giữa của các động mạch cỡ lớn có nhiều sợi chun hơn sợi cơ trơn nên các động mạch cỡ lớn được gọi là các động mạch đàn hồi; sức đàn hồi của thành mạch giúp đẩy máu về phía trước lúc tâm thất giãn. Áo giữa của các động mạch cỡ vừa có nhiều sợi cơ trơn hơn sợi chun nên chúng được gọi là các động mạch cơ; các động mạch này có vai trò phân phối máu đến các cơ quan hay các phần cơ thể nên cũng được gọi là các động mạch phân phối. Áo giữa của các tiểu động mạch hầu như hoàn toàn do cơ trơn tạo nên. Nhờ cơ trơn, các động mạch cơ và tiểu động mạch có khả năng điều chỉnh lượng máu chảy qua mạch.

Các mao mạch: Các mao mạch là những vi mạch nối các tiểu động mạch và các tiểu tĩnh mạch. Mao mạch cho phép sự trao đổi chất dinh dưỡng và chất cặn bã giữa máu và các tế bào của mô qua dịch kẽ có thể sảy ra. Thành mao mạch do nội mạc tạo nên, không có các lớp áo giữa và ngoài, một chất nào đó từ máu chỉ cần đi qua một lớp tế bào là tới được dịch kẽ và các tế bào của mô. Tuy nhiên, các tế bào máu và các chất có phân tử lớn hơn như protein huyết tương thì thường không qua được thành mao mạch. Mao mạch dạng xoang rộng hơn các mao mạch bình thường. Ngoài việc màng đáy vắng mặt hoặc không hoàn chỉnh, mao mạch dạng xoang có khe giữa các tế bào nội mô rộng hơn, cho phép các protein và các tế bào máu đi từ mô vào dòng máu.

Các tĩnh mạch: Thành tĩnh mạch cũng có ba lớp áo như động mạch nhưng mỏng hơn thành động mạch vì lớp áo giữa có ít sợi chun và sợi cơ trơn hơn. Thành tĩnh mạch không có các lá chun ngoài và trong như động mạch. Khi bị đứt thì tĩnh mạch xẹp xuống trong khi ở động mạch thì miệng đứt vẫn mở. Một số tĩnh mạch có van để giúp cho máu chảy về tim bằng cách ngăn không cho máu chảy ngược lại. Van được tạo nên bởi một nếp gấp của nội mô, được tăng cường bởi mô liên kết. Van có hình bán khuyên với mặt lõm hướng về tim.

Xoang tĩnh mạch là một tĩnh mạch có thành mỏng bằng nội mô mà không có cơ trơn để thay đổi đường kính. Lớp áo giữa và lớp áo ngoài của xoang tĩnh mạch được thay thế bằng mô liên kết. Các xoang tĩnh mạch màng cứng đi trong màng não cứng là ví dụ điển hình về xoang tĩnh mạch.

1.3. Các tiếp nối

Hầu hết các vùng cơ thể nhận được sự cấp máu đến từ trên một động mạch. Nhánh mạch liên kết các nhánh của hai hay nhiều động mạch cấp máu cho cùng một vùng cơ thể được gọi là mạch nối. Những mạch nối giữa các động mạch đem lại các con đường thay thế để máu đi tới một mô hay cơ quan. Nếu dòng máu trong một động mạch bị ngừng chảy khi cử động bình thường của cơ thể ép vào mạch đó hoặc nếu mạch đó bị tắc hay đứt, tuần hoàn tới phần cơ thể do mạch này nuôi dưỡng có thể vẫn được duy trì nhờ các mạch nối. Sự tuần hoàn máu qua một nhánh mạch nối để thay thế cho một con đường dẫn máu bình thường được gọi là tuần hoàn bên. Các tiếp nối cũng có thể xảy ra giữa các tĩnh mạch. Những động mạch không tiếp nối với các động mạch khác được gọi là các động mạch tận. Khi động mạch tận bị tắc, vùng mô do nó cấp máu sẽ chết vì không có sự cấp máu thay thế.

1.4. Các vòng tuần hoàn máu

Có hai vòng tuần hoàn máu:

Vòng tuần hoàn phổi gồm động mạch phổi dẫn máu từ tâm thất phải lên phổi (máu chứa nhiều CO2) và các tĩnh mạch phổi dẫn máu từ phổi về tâm nhĩ trái (máu có nhiều O2).

Vòng tuần hoàn hệ thống gồm động mạch chủ dẫn máu từ tâm thất trái đến tất cả các cơ quan của cơ thể và các tĩnh mạch chủ trêndưới dẫn máu ở các cơ quan về tâm nhĩ phải.

1.5. Tuần hoàn thai

1.5.1. Các đặc điểm của tuần hoàn thai

Trước khi sinh, cơ thể thai phải phụ thuộc vào cơ thể mẹ để lấy oxy và chất dinh dưỡng, và đào thải các chất cặn bã. Cơ thể thai liên hệ với cơ thể mẹ qua dây rốn (chứa động mạch và tĩnh mạch rốn) và nhau thai (chứa mạng mao mạch nối động mạch và tĩnh mạch rốn). Nhau thai bám vào tử cung mẹ, mạng mao mạch của nhau tiếp xúc với mạng mao mạch của tử cung mẹ.

Máu giàu oxy và chất dinh dưỡng từ nhau (tạm gọi là máu nhau) được tĩnh mạch rốn dẫn về nhánh trái tĩnh mạch cửa. Hầu hết máu này không qua gan mà rẽ tắt qua đường ống tĩnh mạch (ống nối nhánh trái tĩnh mạch cửa với tĩnh mạch chủ dưới) về tĩnh mạch chủ dưới, pha trộn với máu mất oxy của tĩnh mạch chủ dưới rồi về tâm nhĩ phải. Ở tâm nhĩ phải, máu nhau đã pha trộn này pha trộn thêm không đáng kể với máu mất oxy của tĩnh mạch chủ trên vì van tĩnh mạch chủ dưới có tác dụng hướng dòng máu từ tĩnh mạch chủ dưới đi qua lỗ bầu dục vào tâm nhĩ trái, trong khi đó dòng máu mát oxy của tĩnh mạch chủ trên (từ đầu – cổ – chỉ trên về) được hướng tới lỗ nhĩ – thất phải để đi xuống tâm thất phải.

Từ tâm nhĩ trái, máu nhau (đã pha trộn), cùng một lượng nhỏ máu mất oxy từ hai phổi về, đi xuống tâm thất trái rồi được tống vào động mạch chủ. Một phần máu này đi theo động mạch vành và các nhánh của cung động mạch chủ đi nuôi tim, đầu – cổ và chi trên. Phần còn lại tiếp tục đi tới những vùng khác của cơ thể thai theo đường động mạch chủ xuống. Phần này có hàm lượng oxy thấp hơn phần máu đi nuôi tim và đầu – cổ – chi trên vì bị pha thêm với máu mất oxy của tĩnh mạch chủ trên theo cách sau: máu mất oxy của tĩnh mạch chủ trên đi vào tâm thất phải và được tống ra thân động mạch phổi. Do phổi chưa hoạt động, chỉ một lượng nhỏ máu này lên phổi rồi về tâm nhĩ trái, còn phần lớn đi qua ống động mạch vào động mạch chủ xuống (ở sau chỗ tách ra động mạch dưới đòn trái) để pha với máu giàu oxy từ cung động mạch chủ đi xuống. Một phần đáng kể máu này đi tới nhau theo đường hai động mạch rốn (nhánh của hai động mạch chậu trong) để trao đổi khí và các chất rồi lại trở về thai theo tĩnh mạch rốn.

Tóm lại, tuần hoàn thai có các đặc điểm là:

Có những mạch máu liên hệ với cơ thể mẹ về trao đổi chất (động mạch, tĩnh mạch rốn và mạng mao mạch nhau) và tạo nên tuần hoàn nhau thay thế cho chức năng của các vòng tuần tuần hoàn tới phổi, ruột và thận của thai.

Có ba đường rẽ tắt (ống tĩnh mạch, lỗ bầu dục và ống động mạch) giúp cho máu từ nhau không phải đi qua những nơi không cần thiết (gan, phổi), làm tăng tốc độ tuần hoàn qua nhau, đồng thời đảm bảo được cơ chế ưu tiên máu giàu oxy hơn cho các cơ quan quan trọng như tim và não.

Những biến đổi của tuần hoàn thai sau khi sinh

Sau khi trẻ ra đời, dây rốn được thắt làm ngừng tuần hoàn qua nhau; điều này làm cho O, trong máu bị giảm xuống còn CO, thì tăng lên, trung tâm hô hấp ở hành não bị kích thích làm đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời và hô hấp bằng phổi bắt đầu hoạt động.

Áp lực tâm nhĩ phải giảm xuống do nguồn máu từ tĩnh mạch rốn về không còn; phổi nở ra và nhận nhiều máu, lượng máu về tâm nhĩ trái tăng lên làm áp lực hai tâm nhĩ cân bằng, lỗ bầu dục được đóng lại (do sự áp sát rồi hoà lẫn vào nhau của hai vách tiên phát và thứ phát).

Ống động mạch nghẽn lại rất nhanh ngay sau khi sinh (tịt hẳn thì phải sau vài tuần hay vài tháng) rồi teo lại thành một dây xơ gọi là dây chằng động mạch.

Tĩnh mạch rốn bị nghẽn do huyết khối rồi dần biến thành dây xơ có tên là dây chằng tròn của gan. Ống tĩnh mạch cũng bị nghẽn như vậy rồi trở thành dây chằng tĩnh mạch.

Các động mạch rốn bị tắc nghẽn từ chỗ chúng tách ra động mạch bàng quang trên đến rốn; đoạn này sẽ biến thành dây xơ nằm trong tổ chức mỡ ngoài phúc mạc của thành bụng gọi là thừng động mạch vốn.

Sau khi sinh, đứa trẻ sẽ mắc tật thông liên nhĩ nếu lỗ bầu dục không đóng kín, tật còn ống động mạch nếu ống động mạch không tịt lại.

Tuần hoàn thai nhi

Hình 19.2. Tuần hoàn trước sinh và tuần hoàn sau sinh

2. TUẦN HOÀN HỆ THỐNG

Tuần hoàn hệ thống là vòng tuần hoàn đưa máu giàu oxy và chất dinh dưỡng từ tâm thất trái qua hệ động mạch chủ tới tất cả các và cơ quan trọng cơ thể rồi máu mất oxy từ các mô được các tĩnh mạch chủ trêndưới đưa về tâm nhĩ phải. Để tiện mô tả, các mạch máu lớn của tuần hoàn hệ thống ở ngực và bụng được trình bày trước thành một mục riêng, tiếp đó là phần trình bày các mạch máu ở đầu – cổ và các chi.

Sơ đồ hệ tuần hoàn hệ thống và hệ tuần hoàn phổi

Hình 19.3. Sơ đồ tuần hoàn phổi và tuần hoàn hệ thống

2.1. Các mạch máu lớn (mạch chủ) của tuần hoàn hệ thống và sự cấp máu ở ngực và bụng

2.1.1. Động mạch chủ

Động mạch chủ phần ngực - Hệ tuần hoàn

Hình 19.4. Động mạch chủ phần ngực

Động mạch chủ xuất phát từ lỗ động mạch chủ của tâm thất trái. Từ đây, động mạch đi theo từng đoạn có tên gọi khác nhau, mỗi đoạn chia nhánh tới từng phần cơ thể.

Lúc đầu động mạch chạy chếch lên trên, ra trước và sang phải và mang tên là phần lên động mạch chủ hay động mạch chủ lên. Phần này nằm ở bên phải thân động mạch phổi, trước động mạch phổi phải và kết thúc ở ngang mức góc ức bằng cách liên tiếp với cung động mạch chủ.

Tiếp đó, cung động mạch chủ uốn cong lên trên, ra sau và sang trái, rồi lại cong xuống dưới tới ngang sườn trái đĩa gian đốt sống ngực IV – V thì liên tiếp với phần xuống động mạch chủ. Cung động mạch chủ lần lượt đi ở trước rồi ở bên trái khí quản, trên phế quản chính trái.

Động mạch chủ bụng - Hệ tuần hoàn

Hình 19.5. Động mạch chủ phần bụng

Từ sườn trái đĩa gian đốt sống ngực IV – V, phần xuống động mạch chủ hay động mạch chủ xuống đi xuống ở sau tim và thực quản, trước sườn trái cột sống, càng đi xuống thì càng vào gần đường giữa, tới ngang đốt sống ngực XII thì chui qua lỗ động mạch chủ của cơ hoành vào bụng. Ở bụng, động mạch chủ xuống đi sát trước thân các đốt sống thắt lưng và khi tới khoảng ngang mức đĩa gian đốt sống thắt lưng IV – V thì tận cùng bằng cách chia thành các động mạch chậu chung phảitrái (và một nhánh nhỏ là động mạch cùng giữa). Vì đi qua ngực và bụng, động mạch chủ xuống lại được chia thành phần ngực hay động mạch chủ ngựcphần bụng hay động mạch chủ bụng.

Mỗi phần động mạch chủ phân nhánh cấp máu cho một phần cơ thể.

Phần lên tách ra các động mạch vành phảitrái cấp máu cho tim (xem Bài 20).

Cung động mạch chủ tách ra ba động mạch lớn cấp máu cho đầu – cổ và chỉ trên. Cả ba nhánh này đều tách ra ở mặt trên của cung, tính từ phải sang trái là: thân động mạch cánh tay – đầu, động mạch cảnh chung tráiđộng mạch dưới đòn trái. Thân động mạch cánh tay đầu khi chạy lên tới sau khớp ức – đòn phải thì chia thành động mạch cảnh chung phảiđộng mạch dưới đòn phải. Các động mạch cảnh chung và dưới đòn ở hai bên tuy có nguyên uỷ khác nhau nhưng cách phân nhánh của chúng ở hai bên giống nhau: động mạch cảnh chung cấp máu cho đầu – cổ, động mạch dưới đòn cấp máu cho chi trên và một phần đầu – cổ (Xem Bài 9).

Động mạch chủ ngực tách ra nhiều nhánh cấp máu cho thành ngực, cơ hoành và các cơ quan trong lồng ngực:

– Hai nhánh phế quản cấp máu cho phế quản và phổi ở hai bên; 2 – 5 nhánh thực quản cấp máu cho đoạn ngực của thực quản; các nhánh màng ngoài tim; các nhánh trung thất.

– Hai động mạch hoành trên; 9 cặp động mạch gian sườn sau đi dọc bờ dưới các xương sườn III – XI và một cặp động mạch dưới sườn đi dưới xương sườn XII. Các động mạch gian sườn sau cấp máu cho xương – cơ – da của lưng (cả tuỷ sống và dây thần kinh sống ở đoạn ngực), thành ngực và thành bụng.

– Các nhánh tuỷ sống.

Động mạch chủ bụng cho các nhánh bên cấp máu cho thành bụng và các tạng bụng.

Các nhánh thành bụng bao gồm 2 động mạch hoành dưới và 4 cặp động mạch thắt lưng tách ra từ các mặt sau – bên cấp máu cho các đoạn của vùng thắt lưng.

Các nhánh cho tạng bụng bao gồm ba nhánh đơn tách ra từ mặt trước (động mạch thân tạng, động mạch mạc treo tràng trên và động mạch mạc treo tràng dưới) và ba cặp nhánh tách ra từ các mặt bên (các cặp động mạch thận, thượng thận giữa và sinh dục). Dưới đây xin sơ bộ mô tả các động mạch cấp máu cho tạng bụng (hãy xem thêm các bài mô tả các tạng bụng).

Động mạch thân tạng tách ra ở ngay dưới cơ hoành, ngang mức đốt sống ngực XII, và chia ngay thành ba nhánh

Động mạch vị trái cấp máu cho dạ dày (cùng các động mạch khác)

Động mạch lách chạy dọc bờ trên của tụy đến cấp máu cho lách; trên đường tới lách, động mạch này còn phân nhánh vào thân và đuôi tụy và vào dạ dày (động mạch vị – mạc nối tráicác động mạch vị ngắn).

Động mạch gan chung tách ra ba nhánh: (i) động mạch vị – tá tràng chia thành các động mạch tá – tụy trên (trước và sau) cấp máu cho tá tràng và đầu tụy và động mạch vị – mạc nối phải cấp máu cho dạ dày; (ii) động mạch vị phải cấp máu cho dạ dày; và (iii) động mạch gan riêng cấp máu cho gan và túi mật (Xem Bài 26).

Động mạch mạc treo tràng trên tách ra từ mặt trước động mạch chủ bụng, ngang mức đĩa gian đốt sống ngực XII thắt lưng I. Nó tách ra động mạch tá – tụy dưới (vào tá tụy), các động mạch hỗng tràng và hồi tràng (nuôi toàn bộ ruột non) và các động mạch cấp máu cho ruột thừa, manh tràng, đại tràng lên và đại tràng ngang (Xem Bài 26).

Động mạch mạc treo tràng dưới tách ra từ mặt trước động mạch chủ bụng, dưới nguyên uỷ động mạch mạc treo tràng trên. Nó tách ra động mạch lên, động mạch đại tràng trái (cấp máu cho đại tràng xuống), động mạch sigma (cấp máu cho đại tràng sigma) và các động mạch trực tràng trên (cấp máu cho phần trên trực tràng).

Các động mạch thận cấp máu cho thận (Xem Bài 27).

Các động mạch tinh hoàn hoặc buồng trứng (Xem Bài 28 và Bài 29).

Các động mạch thượng thận giữa cấp máu cho tuyến thượng thận (cùng với động mạch thượng thận trên đến từ động mạch hoành dưới và động mạch thượng thận dưới tách ra từ động mạch thận).

Mỗi nhánh tận của động mạch chủ (động mạch chậu chung) lại tận cùng bằng hai nhánh: động mạch chậu ngoài chạy dọc theo cơ thắt lưng lớn vào đùi và trở thành động mạch đùi cấp máu cho chi dưới; động mạch chậu trong chạy vào chậu hông bé cấp máu cho các tạng chậu hông và thành chậu hông, đáy chậu và mông.

2.1.2.  Các tĩnh mạch chủ

Có hai tĩnh mạch chủ: tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới.

Tĩnh mạch chủ trên thu nhận máu tĩnh mạch của đầu, cổ, chi trên và ngực (tức là toàn bộ phần cơ thể trên cơ hoành).

Máu tĩnh mạch của chi trên (và một phần đầu – cổ) tập chung về tĩnh mạch dưới đòn; hầu hết máu tĩnh mạch của đầu – cổ đổ về tĩnh mạch cảnh trong. Các tĩnh mạch này hợp nên tĩnh mạch cánh tay – đầu ở sau sụn sườn II. Tĩnh mạch cánh tay – đầu ở hai bên hợp thành tĩnh mạch chủ trên. Tĩnh mạch chủ trên đi xuống dọc bờ phải xương ức và đổ vào tâm nhĩ phải.

Máu tĩnh mạch của ngực đổ về một hệ thống gồm ba tĩnh mạch: tĩnh mạch đơn, tĩnh mạch bán đơn và tĩnh mạch bán đơn phụ. Tĩnh mạch đơn nằm ở sườn phải của cột sống ngực; nó đi từ đốt sống ngực XII tới đốt sống ngực IV thì vòng ra trước trên cuống phổi phải đổ vào tĩnh mạch chủ trên. Tĩnh mạch đơn tiếp nhận tất cả các nhánh tĩnh mạch đi kèm các nhánh của động mạch chủ ngực ở bên phải và cả ba tĩnh mạch gian sườn trên bên phải. Tĩnh mạch bán đơntĩnh mạch bán đơn phụ đều nằm ở sườn trái cột sống ngực (tĩnh mạch bán đơn ở dưới và tĩnh mạch bán đơn phụ ở trên). Chúng thu nhận các tĩnh mạch đi kèm các nhánh của động mạch chủ ngực ở bên trái rồi đổ về tĩnh mạch đơn (ba tĩnh mạch gian sườn trên bên trái đổ về tĩnh mạch cánh tay đầu trái). Như vậy, hầu như toàn bộ máu tĩnh mạch của ngực cuối cùng đều tập chung về tĩnh mạch đơn. Tĩnh mạch đơn và tĩnh mạch bán đơn có những nhánh nối với tĩnh mạch chủ dưới hoặc nhánh của tĩnh mạch chủ dưới. Hệ tĩnh mạch đơn là kênh nối tiếp tĩnh mạch chủ dưới với tĩnh mạch chủ trên.

Vòng nối cửa chủ - Hệ tuần hoàn

Hình 19.6. Vòng nối tĩnh mạch cửa chủ

Tĩnh mạch chủ dưới do các tĩnh mạch chậu chung phảitrái hợp thành ở ngang bờ phải đốt sống thắt lưng IV; mỗi tĩnh mạch chậu chung do một tĩnh mạch chậu trong (thu máu tĩnh mạch của chậu hông) và một tĩnh mạch chậu ngoài (thu máu tĩnh mạch từ chi dưới) hợp thành. Từ đó, nó chạy lên dọc theo sườn phải cột sống thắt lưng, ở sau đầu tụy và gan, rồi chui qua lỗ tĩnh mạch chủ của cơ hoành lên đổ vào tâm nhĩ phải. Tĩnh mạch chủ dưới chỉ trực tiếp nhận các tĩnh mạch đi kèm với các nhánh bên của động mạch chủ bụng mà cấp máu cho thành bụng, cơ hoành, thận, tuyến sinh dục và tuyến thượng thận. Máu tĩnh mạch từ dạ dày, ruột, tụy, lách và túi mật (tức là những cơ quan do các động mạch thân tạng, mạc treo tràng trên và mạc treo tràng dưới cấp máu) không trực tiếp đổ về tĩnh mạch chủ dưới mà tập chung về tĩnh mạch cửa; tĩnh mạch cửa lại chia thành một mạng lưới mao mạch ở gan và từ mạng lưới này máu tập chung về tĩnh mạch gan rồi đổ về tĩnh mạch chủ dưới. Như vậy, tĩnh mạch cửa nằm giữa hai mạng mao mạch và vì vậy còn được gọi là tĩnh mạch gánh.

Tĩnh mạch chủ dưới - Hệ tuần hoàn

Hình 19.7. Tĩnh mạch chủ dưới

Tĩnh mạch cửa được hình thành ở sau khuyết tụy do sự hợp lại của tĩnh mạch mạc treo tràng trêntĩnh mạch tỳ; tĩnh mạch tỳ còn tiếp nhận tĩnh mạch mạc treo tràng dưới.

Tĩnh mạch cửa - Hệ tuần hoàn

Hình 19.8. Cách nhánh tĩnh mạch cửa gan

Tĩnh mạch cửa chạy chếch lên trên, sang phải và ra trước giữa hai lá của mạc nối nhỏ rồi tận cùng thành hai nhánh phải và trái ở cửa gan. Trên đường đi tĩnh mạch cửa tiếp nhận các tĩnh mạch của dạ dày, tỳ, tá – tụy, túi mật và thành bụng. Hai nhánh tận của tĩnh mạch cửa (dẫn máu chứa các chất hấp thu được từ ống tiêu hoá về gan để gan chế biến) cùng các nhánh của động mạch gan (dẫn máu giàu oxy tới nuôi gan) đi vào trong gan và phân chia nhỏ dần tới mạng lưới mao mạch gan. Tĩnh mạch cửa của gan là một trong những lộ trình xen kẽ của tuần hoàn hệ thống. Máu tĩnh mạch từ đầu dưới thực quản, trực tràng và da bụng vừa đổ về hệ thống tĩnh mạch chủ vừa đổ về hệ thống tĩnh mạch cửa (hai hệ nối với nhau tại những chỗ này).

Cập nhật thông tin mới nhất về kiến thức y học và test y học tại facebook TEST Y HỌC

Tham gia nhóm zalo: Tài Liệu Y Học Tổng Hợp

Ôn thi nội trú, sau đại học Giải Phẫu TẠI ĐÂY

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one