Bài 36
HỆ THẦN KINH TỰ CHỦ
MỤC TIÊU1. Trình bày được khái niệm về thần kinh tự chủ, các chặng nơron vận động tự chủ từ thần kinh trung ương tới cơ quan đích, sự phân chia thần kinh tự chủ. 2. Mô tả được các phần giao cảm và đối giao cảm của thần kinh tự chủ. 3. Nêu được những liên hệ chức năng và lâm sàng thích hợp. |
Hệ thần kinh tự chủ được nói đến ở bài này là phần tự chủ của hệ thần kinh ngoại vi.
1. ĐẠI CƯƠNG
1.1. Thần kinh tự chủ và thần kinh thân thể
Hệ thần kinh được chia thành hai phần: hệ thần kinh thân thể và hệ thần kinh tự chủ. Thần kinh thân thể hay tự chủ đều có các phần ngoại vi và trung ương, các thành phần cảm giác (đến) và vận động (đi). Ở hệ thần kinh thân thể, các nơron cảm giác chuyển về não các cảm giác chuyên biệt (nhìn, nghe, ngửi, nếm và thăng bằng) và các cảm giác thân thể (các cảm giác đau, nhiệt, xúc giác và bản thể). Tất cả các cảm giác này đều có thể nhận thức (biết) được. Những nơron vận động của thần kinh thân thể chi phối cho cơ bám xương và gây ra các cử động tự ý. Ở hệ thần kinh tự chủ, các nơron cảm giác dẫn truyền cảm giác từ các thụ cảm hoá học hoặc cơ học ở các tạng và mạch máu về những trung tâm tích hợp ở thần kinh trung ương. Thông thường, ta không nhận thức được các cảm giác này. Các nơron vận động tự chủ điều hoà (kích thích hoặc ức chế) hoạt động của các tạng, cụ thể là tác động đến cơ tim, cơ trơn (ở các thành tạng và các thành mạch) và các tuyến. Nói chung, ta không thể thay đổi được sự tác động của thần kinh tự chủ (hay đáp ứng tự chủ) theo ý muốn vì nơi khởi đầu của các đáp ứng tự chủ nằm ở dưới mức vỏ não. Chẳng hạn, ta không thể tự ý thay đổi tần số tim hay sự co bóp của dạ dày. Chính vì hệ thần kinh tự chủ hoạt động một cách tự động, không nằm dưới sự kiểm soát của vỏ não nên nó mới được gọi là “tự chủ”. Tuy nhiên các hệ tự chủ và thân thể có mối liên hệ mật thiết về cấu trúc và chức năng. Ví dụ, những cảm giác của thần kinh thân thể cũng ảnh hưởng tới các đáp ứng của các nơron vận động tự chủ.
Thuật ngữ “tự chủ” là một từ tiện lợi hơn là thích hợp. Ý niệm về sự tự chủ tuyệt đối của phần này của hệ thần kinh chỉ là sự lầm tưởng vì nó đáp ứng với những thay đổi trong các hoạt động thân thể một cách mật thiết. Trong lúc những liên hệ của nó với các thành phần thân thể không phải bao giờ cũng rõ ràng, bằng chứng chức năng về những phản xạ tạng do các biến cố thân thể gây nên thì nhiều.
Con đường trung ương đến tạng khác con đường từ trung ương tới thân ở chỗ nó bị gián đoạn bởi các synáp ở ngoại vi, ít nhất có hai nơron nằm xen giữa các tiếp nối trung ương và cơ quan tác động (hiệu ứng) ở ngoại vi. Thân của nơron thứ nhất nằm ở các nhân tạng của các thần kinh sọ và ở cột xám bên của tuỷ sống; các sợi trục của chúng, vốn hay biến đổi nhưng thường có một bao myelin mỏng, đi theo các thần kinh sọ và thần kinh sống tới các hạch ngoại vi, nơi chúng synap với các sợi gai của thân các nơron thứ hai (nơron hạch). Các sợi trục của nơron thứ hai (hay nơron hiệu ứng effector) thường là không có myelin và chỉ phối cho cơ trơn hoặc các tế bào tuyến. Ở các con đường đi tới ngoại vi có hai nơron tiếp nối synáp với nhau tại hạch tự chủ, nơron trước hạch và nơron sau hạch. Các sợi thần kinh tự chủ vận động gồm hai loại: các sợi thần kinh trước hạch và các sợi thần kinh sau hạch. Số lượng nơron sau hạch nhiều hơn nhiều; một nơron trước hạch có thể synap với 15 – 20 nơron sau hạch, cho phép những tác động tự chủ có thể lan toả rộng. Sự không cân xứng giữa các nơron trước và sau hạch ở phần giao cảm thì lớn ở phần đối giao cảm của hệ thần kinh tự chủ.
Những con đường từ tạng về giống với các con đường từ thân thể về; những tế bào nguyên uỷ của các sợi cảm tạng và cảm giác thân thể là các nơron một cực ở các hạch cảm giác thần kinh sọ và hạch rễ sau thần kinh sống. Các mỏm ngoại vi được phân phối qua các hạch hoặc đám rối tự chủ, hoặc có thể qua các thần kinh thân thể mà không có gián đoạn. Các mỏm trung ương của chúng đi kèm theo các sợi cảm giác thân thể qua rễ sau thần kinh sống tới thần kinh trung ương. Ở bài này, chúng ta chỉ mô tả thành phần vận động (đi) của thần kinh tự chủ ở ngoại vi.
1.2. Phân chia hệ thần kinh tự chủ
Hệ thần kinh tự chủ có thể được chia thành hai phần chính khác nhau về cấu trúc và chức năng: giao cảm và đối giao cảm. Hầu hết các cơ quan được chi phối kép, tức là chúng nhận được các xung động đến từ cả các nơron giao cảm và đối giao cảm. Nói chung, tác dụng của hai phần trên một cơ quan có tính đối kháng nhau: một phần kích thích trong khi phần kia lại ức chế.
Gần đây, một phần khác của hệ thần kinh tự chủ đã được thừa nhận: hệ thần kinh ruột.
1.3. Cấu tạo của hệ thần kinh tự chủ
Trung ương của hệ thần kinh tự chủ:
Hoạt động tự chủ ở ngoại vi được tích hợp tại các mức cao hơn ở thân não và não, bao gồm các nhân khác nhau của cấu tạo lưới thân não, đồi thị và hạ đồi thị, thuỳ viền và vỏ não mới trước trán, cùng với những con đường đi lên và đi xuống kết nối những vùng này. Bài này chỉ giới thiệu phần ngoại vi của hệ thần kinh tự chủ.
Về cấu tạo, thần kinh tự chủ ở ngoại vi bao gồm các hạch tự chủ, các sợi thần kinh tự chủ và các đám rối tự chủ.
Các hạch tự chủ: hạch của thần kinh giao cảm là hạch giao cảm, hạch của thần kinh đối giao cảm là hạch đối giao cảm. Những hạch tự chủ là những trạm chuyển tiếp; tuy nhiên, một phần nhỏ các sợi đi qua một hoặc nhiều hạch mà không synap, trong đó một số là các sợi ly tâm đang trên đường đi tới một hạch khác và số khác là các sợi cảm giác từ các tạng và các tuyến. Các sợi trục trước hạch có thể synáp với nhiều nơron sau hạch để đạt được sự phát tán rộng và có lẽ là để khuyếch đại hoạt động giao cảm, một đặc điểm không giống về mức độ với các hạch đối giao cảm. Sự phát tán có thể đạt được bởi:
* Nhiều synap của các sợi thần kinh trước hạch
* Trung gian dẫn truyền của các interneuron
* Sự khuếch tán trong hạch của các chất dẫn truyền được sản xuất tại chỗ (tác động cận tiết) hoặc bởi một đáp ứng tại chỗ với một chất được sản xuất ở nơi khác.
Các đám rối tự chủ là những mạng lưới chẳng chịt của các sợi thần kinh giao cảm và đối giao cảm. Trong đám rối có thể có các hạch tự chủ.
2. PHẦN GIAO CẢM
Hình 36.1. Hệ thần kinh giao cảm
Hệ giao cảm bao gồm hai thân giao cảm và những nhánh, những đám rối và những hạch chi nhánh của chúng. Hệ giao cảm có phạm vi phân bố rộng hơn nhiều so với hệ đối giao cảm vì, ngoài việc phân bố tới các cơ quan được thần kinh đối giao cảm chi phối, nó còn chi phối cho tất cả các tuyến mồ hôi, các cơ dựng lông và thành cơ của nhiều mạch máu.
Các sợi trước hạch là những sợi trục của những thân tế bào ở cột xám bên của tất cả các đốt tuỷ ngực và hai hoặc ba đốt tuỷ thắt lưng trên. Tại đó, các thân tế bào tạo nên các nhóm nơron trung gian giữa và trung gian bên.
2.1. Các hạch giao cảm
Các hạch giao cảm là những tập hợp tế bào nằm trên thân giao cảm và trong các đám rối tự chủ; một số tế bào hạch nằm rải rác trong các đám rối. Những hạch nguyên thuỷ trên thân giao cảm tương ứng về số với những hạch trên các rễ sau thần kinh sống; nhưng những hạch liền kề nhau có thể dính lại và ở người hiếm khi có nhiều hơn 22 hoặc 23 hạch và đôi khi có ít hơn. Những hạch phụ (các hạch chi nhánh) trong các đám rối tự chủ lớn (như hạch tạng, hạch mạc treo tràng trên, hạch mạc treo tràng dưới. ) có nguồn gốc từ những hạch của thần giao cảm; chúng ta thường gọi chúng là các hạch trước sống.
2.1.1. Các thân giao cảm
Đây là hai thừng thần kinh không đều có gắn các hạch trải dài từ nền sọ tới xương cụt. Mỗi thân bao gồm các hạch thân giao cảm nối với nhau bằng các nhánh gian hạch. Ở cổ, mỗi thân nằm sau bao cảnh và trước các mỏm ngang đốt sống cổ; ở ngực, mỗi thân năm trước các chỏm sườn; ở bụng. nó nằm trước – bên các thân đốt sống thắt lưng và ở chậu hông nằm ở trước xương cùng, phía trong các lỗ cùng trước. Ở trước xương cụt, hai thân gặp nhau ở một hạch đơn nằm trên đường giữa.
Các hạch giao cảm cổ có số lượng thường chỉ là 3 do dính nhau; từ cực trên của hạch cổ trên tách ra thần kinh cảnh trong đi qua ống động mạch cảnh vào hộp sọ trông như phần nối dài của thân giao cảm. Có từ 10 – 12 (thường là 11) hạch ngực, 4 hạch thắt lưng và 4 hoặc 5 hạch cùng ở vùng xương cùng.
Các hạch ngực và ba hạch thắt lưng trên của thân giao cảm (những hạch nằm ngang mức với vùng chứa nơron vận động giao cảm ở cột xám bên của tuỷ sống) được nối với các dây thần kinh sống bằng các nhánh thông trắng và xám; những hạch khác chỉ được nối với các dây thần kinh sống liền kề bằng các nhánh thông xám.
2.1.1.1. Các hạch cổ và phần sọ – cổ của hệ giao cảm
Phần cổ của mỗi thân giao cảm chứa ba hạch được nối liền nhau: hạch cổ trên, hạch cổ giữa và hạch cổ – ngực. Chúng gửi các nhánh thông xám tới tất cả các thần kinh sống cổ nhưng không tiếp nhận nhánh thông trắng nào từ các thần kinh này. Những sợi trước hạch cho đầu và cổ đi ra khỏi tuỷ sống trong năm thần kinh sống ngực trên (chủ yếu là ba thần kinh ngực trên), chạy lên trong thân giao cảm để synáp trong các hạch cổ. Những sợi trước hạch đi tới các hạch cổ đi trong các nhánh thông trắng của các thần kinh sống ngực trên để tới các hạch giao cảm ngực tương ứng rồi đi qua các hạch này lên cổ.
Hạch cổ trên: Hạch này là hạch lớn nhất trong ba hạch cổ, nằm sát cạnh các đốt sống cổ II và III. Ở trước nó là động mạch cảnh trong và bao cảnh, ở sau nó là cơ dài đầu. Thần kinh cảnh trong từ hạch cổ trên chạy lên vào hộp sọ. Đầu dưới của hạch được nối với hạch cổ giữa bằng một nhánh gian hạch. Các nhánh của hạch cổ trên gồm ba nhóm trong (giữa), ngoài (bên) và trước.
– Các nhánh ngoài gồm các nhánh thông xám đi tới bốn thần kinh sống cổ trên và tới một số thần kinh sọ; một nhánh – gọi là thần kinh tĩnh mạch cảnh – chạy lên tới nền sọ và tách đôi
– Các nhánh trong của hạch cổ trên là các nhánh thanh quản – hầu và nhánh tim.
+ Các nhánh thanh quản – hầu chi phối cho tiểu thể cảnh và chạy tới thành bên của hầu, cùng với các nhánh của thần kinh lưỡi – hầu và thần kinh lang thang tạo nên đám rối hầu.
+ Thần kinh tim cổ trên đi tới đám rối tim.
– Các nhánh trước của hạch cổ trên chạy tới và phân nhánh quanh động mạch cảnh chung, động mạch cảnh ngoài và các nhánh của động mạch cảnh ngoài, tạo nên một đám rối bao quanh mỗi động mạch. Đám rối bao quanh động mạch mặt tách ra một nhánh nhỏ tới hạch dưới hàm (rễ giao cảm của hạch dưới hàm); đám rối quanh động mạch màng não giữa tách một nhánh vào hạch tai (rễ giao cảm của hạch tai). Nhiều sợi đi dọc động mạch cảnh ngoài và các nhánh của nó, cuối cùng rời khỏi động mạch để đi tới các tuyến mồ hôi ở mặt qua đường các nhánh của thần kinh sinh ba.
– Thần kinh cảnh trong: Thần kinh này chứa các sợi sau hạch bắt nguồn từ các nơron của hạch cổ trên và tạo nên phần sọ của hệ giao cảm. Nó tách ra từ hạch cổ trên, chạy lên ở sau động mạch cảnh trong và chia ra trong ống động mạch cảnh thành các nhánh, một ở trong và một ở ngoài động mạch. Nhánh ngoài lớn hơn tách ra các nhánh nhỏ tới động mạch cảnh trong và tạo nên phần ngoài của đám rối cảnh trong; nhánh trong cũng tách ra những nhánh nhỏ tới động mạch và tạo nên phần trong của đám rối cảnh trong. Đám rối cảnh trong bao quanh động mạch cảnh trong và đi theo các nhánh của động mạch này. Nó tách ra các nhánh đi tới một số hạch đối giao cảm của sọ và những nhánh này được coi là rễ giao cảm của những hạch này. Nhánh đi tới hạch chân bướm – khẩu cái là thần kinh đá sâu; nhánh này xuyên qua sụn che lấp lỗ rách và cùng với thần kinh đá lớn tạo nên thần kinh ống chân bướm. Thần kinh ống chân bướm đi qua ống chân bướm tới hạch chân bướm – khẩu cái. Các thần kinh cảnh nhĩ tách ra ở thành sau ống động mạch cảnh và tiếp nối với nhánh nhĩ của thần kinh lưỡi hầu. Nhánh tới hạch mi tách ra từ phần trước của đám rối và đi vào ổ mắt qua khe ổ mắt trên: các sợi của nó đi qua hạch mi mà không synap và đi theo các thần kinh mi ngắn để được phân phối tới các mạch máu của nhãn cầu.
Các sợi sau hạch có liên quan tới phần sọ rời tuỷ sống chủ yếu ở đốt tuỷ ngực I, chạy tới và đi qua hạch cổ ngực rồi đi lên trong thân giao cảm cổ để chuyển tiếp ở hạch cổ trên.
Hạch cổ giữa: Đây là hạch nhỏ nhất trong số ba hạch. Nó thường nằm ở ngang mức đốt sống cổ VI, ở trước hoặc ngay trên động mạch giáp dưới. Các nhánh sau hạch của nó chạy vào các thần kinh sống cổ V và VI. Hạch này cũng tách ra các nhánh cho tuyến giáp và tim. Nó được nối với hạch cổ – ngực bởi hai thừng: thừng sau thường tách ra để bao quanh động mạch đốt sống; thừng trước tạo nên một quai vòng ở trước rồi ở dưới phần đầu của động mạch dưới đòn. Quai này được gọi là quai dưới đòn.
– Các nhánh giáp đi kèm theo động mạch giáp dưới tới tuyến giáp
– Thần kinh tim cổ giữa là nhánh giao cảm lớn nhất đi tới đám rối tim.
Hạch cổ – ngực (hạch sao): Hạch này được hình thành bởi sự dính lại của hai hạch cổ dưới và hạch ngực I. Thân giao cảm chạy ra sau tại chỗ nối của đoạn cổ với đoạn ngực và vì vậy trục dọc của hạch cổ ngực hầu như nằm theo hướng trước – sau. Hạch nằm ở trên hoặc ngay bên ngoài bờ ngoài cơ dài cổ, giữa nền của mỏm ngang đốt cổ VII và cổ của xương sườn thứ nhất; trước hạch là các mạch đốt sống. Về phía dưới, nó được ngăn cách với mặt sau của vòm màng phổi bởi màng trên màng phổi; thân sườn cổ phân nhánh ở gần cực trên của nó. Về phía ngoài là động mạch gian sườn trên.
Một hạch đốt sống nhỏ có thể có mặt trên thân giao cảm ở trước hoặc ở trước – trong nguyên uỷ của động mạch đốt sống và ở ngay trên động mạch dưới đòn. Khi có mặt, nó có thể tham gia hình thành quai dưới đòn và cũng được gắn với hạch cổ – ngực bởi các sợi bao quanh động mạch đốt sống. Nó thường được xem như là một phần tách rời của hạch cổ giữa hoặc hạch cổ – ngực. Giống như hạch cổ giữa, nó có thể cung cấp các nhánh thông xám tới các thần kinh sống cổ IV và V. Hạch cổ – ngực gửi các nhánh thông xám tới các thần kinh sống cổ VII, cổ VIII và ngực I và tách ra một nhánh tim và các nhánh mạch.
– Thần kinh tim cổ dưới đi xuống ở sau động mạch dưới đòn và dọc theo mặt trước khí quản tới đám rối tim.
– Các nhánh tới mạch máu tạo nên những đám rối quanh động mạch dưới đòn và các nhánh của nó. Các nhánh cho động mạch dưới đòn có nguồn gốc từ hạch cổ – ngực và kéo dài tới phần đầu tiên của động mạch nách; một số ít sợi có thể đi xa hơn.
2.1.1.2. Các hạch ngực
Thần giao cảm ngực chứa số lượng hạch hầu như ngang bằng với số lượng thần kinh sống ngực. Hạch ngực I thường dính với hạch cổ dưới tạo nên hạch cổ – ngực; trừ hai hoặc ba hạch dưới cùng, các hạch ngực nằm áp vào các chỏm sườn, sau màng phổi sườn; hai hoặc ba hạch dưới cùng nằm kề sát ngoài thân của các đốt sống tương ứng. Ở phía dưới, thân giao cảm ngực đi sau dây chằng cung trong (hoặc qua trụ cơ hoành) để trở thành thân giao cảm thắt lưng. Các hạch ngực thì nhỏ và được nối liền với nhau bởi các nhánh gian hạch. Có hai hoặc trên hai nhánh thông (trắng và xám) nối mỗi hạch với thần kinh sống tương ứng của nó, nhánh trắng chạy vào thần kinh ở xa (tuỷ sống) hơn nhánh xám.
– Những nhánh trong từ năm hạch ngực trên thì rất nhỏ, phân phối vào động mạch chủ ngực và các nhánh của nó. Trên động mạch chủ, chúng tạo nên đám rối động mạch chủ ngực cùng với những nhánh nhỏ đến từ thần kinh tạng lớn.
– Các nhánh phổi ngực là những nhánh từ các hạch ngực II tới VI đi vào đám rối phổi sau.
– Các nhánh tim ngực là những nhánh từ các hạch ngực II tới V, đi tới phần sâu của đám rối tim. Những nhánh nhỏ của các thần kinh tim và phổi này đi tới thực quản và khí quản.
– Những nhánh trong từ bảy hạch ngực dưới thì lớn. Chúng phân nhánh vào động mạch chủ và kết hợp lại để tạo nên các thần kinh tạng lớn, bé và dưới. Thần kinh tạng dưới không luôn có mặt.
+ Thần kinh tạng lớn: Vốn chủ yếu bao gồm các sợi vận động trước hạch có myelin và các sợi cảm tạng, được tạo nên bởi các nhánh từ các hạch ngực từ năm tới chín hoặc mười. Nó chạy chếch xuống trên các thân đốt sống, cung cấp các nhánh tới động mạch chủ xuống và xuyên qua trụ cơ hoành cùng bên để tận cùng chủ yếu ở hạch tạng, một phần ở hạch chủ – thận và tuyến thượng thận. Một hạch tạng ngực tồn tại trên thần kinh ở đối diện với các đốt sống ngực XI hoặc XII.
+ Thần kinh tạng bé: Vốn do các nhánh từ các hạch ngực chín và mười (đôi khi mười và mười một) và từ đoạn thân giao cảm giữa hai hạch tạo nên, xuyên qua cơ hoành cùng với thần kinh tạng lớn rồi chạy vào hạch chủ – thận.
+ Thần kinh tạng dưới cùng từ hạch ngực dưới cùng đi vào bụng cùng với thân giao cảm để tận cùng ở đám rối thận.
Hình 36.2 Các kết nối thần kinh giữa tủy sống
2.1.1.3. Các hạch thắt lưng
Phần thắt lưng của thân giao cảm thường bao gồm bốn hạch nối liền nhau, chạy trong mô liên kết ngoài phúc mạc ở trước cột sống và dọc theo bờ trong cơ thắt lưng lớn. Nó liên tục về phía trên với thân giao cảm ngực ở sau dây chằng cung trong; về phía dưới nó chạy sau động mạch chậu chung và trở thành thân giao cảm chậu hông.
Nhánh trước của các thần kinh sống thắt lưng I, II và đôi khi cả III gửi các nhánh thông trắng tới các hạch tương ứng. Các nhánh thông xám từ tất cả các hạch đi tới các dây thần kinh sống thắt lưng.
Thường có 4 thần kinh tạng thắt lưng từ các hạch tới gia nhập vào các đám rối tạng, gian mạc treo (chủ bụng) và hạ vị trên. Thần kinh tạng thắt lưng thứ nhất (từ hạch thứ nhất) tham gia vào các đám rối tạng, thận và gian mạc treo. Thần kinh thứ hai – từ hạch thứ hai và đôi khi từ hạch thứ ba – tham gia vào phần dưới của đám rối gian mạc treo; thần kinh thứ ba thoát ra từ hạch thứ ba hoặc thứ tư và đi trước các mạch chậu chung tới gia nhập vào đám rối hạ vị trên. Thần kinh tạng thắt lưng thứ tư mà bao giờ cũng từ hạch thắt lưng dưới cùng, chạy sau các mạch chậu chung để gia nhập vào phần dưới của đám rối hạ vị trên hoặc “thần kinh” hạ vị.
Các nhánh mạch từ tất cả các hạch thắt lưng tham gia đám rối liên mạc treo (động mạch chủ). Các sợi của các thần kinh tạng thắt lưng dưới chạy tới các động mạch chậu chung, tạo nên một đám rối tiếp tục đi dọc theo các động mạch chậu trong và ngoài cho tới tận đoạn gần của động mạch đùi. Nhiều sợi sau hạch trong các nhánh xám nối các hạch thắt lưng với các thần kinh sống đi trong thần kinh đùi tới các nhánh cơ, nhánh bì và nhánh hiển của nó để cung cấp các sợi co mạch tới động mạch đùi và các nhánh của động mạch đùi. Các sợi sau hạch khác đi qua đường thần kinh bịt tới động mạch bịt.
2.1.1.4. Các hạch cùng
Thân giao cảm cùng nằm trong mô ngoài phúc mạc, trước xương cùng, trong hoặc trước các lỗ cùng trước, và có bốn hoặc năm hạch nối liền nhau. Ở trên, nó liên tục tới thân giao cảm thắt lưng; ở dưới, hai thân hội tụ tại hạch đơn ở trước xương cụt. Những nhánh thông xám đi từ các hạch tới các thần kinh sống cùng và cụt nhưng các nhánh thông trắng thì vắng mặt. Các nhánh trong tiếp nối với nhau ngang qua đường giữa; những nhánh nhỏ từ hai hạch đầu tiên (được gọi là các thần kinh tạng cùng) gia nhập vào đám rối hạ vị dưới (đám rối chậu hông) hoặc “thần kinh” hạ vị; các nhánh khác tạo nên một đám rối trên động mạch cùng giữa. Tiểu cầu cụt được chi phối bởi đoạn quai nằm giữa hai thân.
Các nhánh mạch: Qua những nhánh xám nhiều sợi sau hạch đi tới các rễ của đám rối cùng, đặc biệt là những rễ tạo nên thần kinh chày, để được vận chuyển tới động mạch khoeo và các nhánh của nó ở cẳng chân và bàn chân. Những nhánh khác được vận chuyển trong các thần kinh thẹn, mông trên và mông dưới tới các động mạch tùy hành những thần kinh này.
Những sợi trước hạch cho chi dưới có nguồn gốc từ ba đốt tuỷ ngực dưới và hai hoặc ba đốt tuỷ thắt lưng trên. Chúng đi tới các hạch ngực dưới và thắt lưng trên qua các nhánh thông trắng; một số đi xuống trong thân giao cảm để synap trong các hạch thắt lưng, từ đó các sợi sau hạch đi theo thần kinh đùi để tới chi phối cho các động mạch đùi và các nhánh của nó; các sợi khác đi xuống để synáp ở hai hoặc ba hạch cùng trên, từ đó các sợi sau hạch đi theo thần kinh chày tới chi phối cho động mạch khoeo và các nhánh của nó ở cẳng chân và bàn chân. Như vậy, có thể thực hiện việc cắt bỏ thần kinh giao cảm của các mạch ở chi dưới bằng cách cắt bỏ ba hạch thắt lưng trên và các nhánh gian hạch giữa chúng, làm gián đoạn tất cả các sợi trước hạch tới chi dưới.
2.1.2. Các hạch trước sống
Đây là một số hạch nằm trước cột sống, sát với nguyên uỷ các động mạch lớn của bụng. Hạch tạng, hạch mạc treo tràng trên, các hạch chủ – thận và hạch mạc treo tràng dưới là các hạch trước sống.
2.2. Những đường liên hệ của các nơron giao cảm vận động
2.2.1. Các sợi trước hạch
Các sợi trước hạch là những sợi trục của những thân tế bào ở cột xám bên của tất cả các đốt tuỷ ngực và hai hoặc ba đốt tuỷ thắt lưng trên. Tại đó, các thân tế bào tạo nên các nhóm nơron trung gian giữa và trung gian bên. Các sợi trục được bọc myelin, với đường kính 1,5 – 4,0 um, và thoát khỏi tuỷ sống qua các rễ trước để đi tới các thần kinh sống. Ở chỗ bắt đầu của các nhánh trước thần kinh sống, các sợi rời khỏi thần kinh sống theo đường các nhánh thông trắng để gia nhập vào hoặc là các hạch tương ứng của thân giao cảm hoặc là các đoạn gian hạch của thân. Nguồn ra này chỉ hạn định ở vùng ngực – thắt lưng, các nhánh thông trắng chỉ có ở 14 đôi dây thần kinh sống ở đoạn này. Khi đi tới thân giao cảm, các sợi trước hạch có thể:
(1) Tiếp xúc synap với những nơron ở hạch gần nhất.
(2) Đi qua hạch này, chạy lên hoặc xuống trong chuỗi hạch giao cảm để tận cùng ở một hạch khác; lưu ý rằng các sợi trước hạch không tách đôi thành các nhánh lên và xuống. Một sợi trước hạch duy nhất có thể, qua các nhánh bên và nhánh tận, tạo synáp với những nơron ở một số hạch hoặc tận cùng chỉ ở một hạch.
(3) Chúng có thể đi qua hạch gần nhất, đi lên hoặc đi xuống mà không synáp, và thoát khỏi thân giao cảm tại một trong những nhánh hướng vào trong của thân để tận cùng tại những synáp trong những hạch của các đám rối tự chủ (chủ yếu nằm trên đường giữa, chẳng hạn như ở quanh các động mạch thân tạng và mạc treo tràng).
2.2.2. Các sợi sau hạch
Sợi trục của các tế bào hạch chính là những sợi sau hạch nhỏ không có myelin được phân phối tới các cơ quan tác động (đích) theo các cách khác nhau.
(1) Các sợi từ một hạch nào đó của thân giao cảm có thể trở lại dây thần kinh sống đã cung cấp sợi trước hạch qua một nhánh thông xám. Các sợi này thường gia nhập dây thần kinh ở ngay trước (gần tuỷ sống hơn) nhánh thông trắng, rồi theo đường các nhánh trước và sau của thần kinh sống để được phân phối tới các mạch máu, các tuyến mồ hôi, cơ dựng lông… ở vùng chi phối của chúng.
(2) Các sợi sau hạch có thể đi trong một nhánh trong của một hạch để đi tới các tạng.
(3) Các sợi có thể chi phối cho các mạch máu liền kề hoặc chạy dọc theo các mạch máu để tới vùng phân phối ngoại vi của các mạch máu.
(4) Chúng có thể đi lên hoặc đi xuống trước khi rời khỏi thân giao cảm như các trường hợp (1), (2) hoặc (3).
2.2.3. Ý nghĩa chức năng
Các sợi sau hạch mà chạy trở lại dây thần kinh sống cung cấp các sợi co mạch cho các mạch máu, các sợi vận tiết cho các tuyến mồ hôi và các sợi vận động cho cơ dựng lông ở tiết đoạn da của thần kinh sống. Những sợi chạy theo các thần kinh vận động tới các cơ vân có lẽ chỉ là các sợi giãn mạch. Hầu hết, nếu không phải là tất cả, các thần kinh ngoại vi chứa các sợi giao cảm sau hạch. Những sợi đi tới các tạng liên quan đến co mạch nói chung, giãn phế quản và tiểu phế quản, thay đổi sự chế tiết của các tuyến, giãn đồng tử, ức chế sự co cơ của đường tiêu hoá, v v. Một sợi trước hạch có lẽ synap với các nơron sau hạch ở chỉ một hệ thống tác động (đích); do đó mà các tác động như vận tiét mồ hôi và vận mạch có thể là tách biệt nhau.
3. PHẦN ĐỐI GIAO CẢM
Các sợi đối giao cảm trước hạch là sợi trục của các thân nơron nằm ở thân não và tuỷ sống. Ở thân não, các thân nơron đối giao cảm nằm ở nhân đối giao cảm của các thần kinh sọ III (các nhân tạng), VII (nhân lệ tỵ và nhân bọt trên), IX (nhân bọt dưới) và X (nhân lưng). Ở tuỷ sống, chúng nằm ở các nhân đối giao cảm cùng của các đốt tuỷ từ cùng II tới cùng IV. Các sợi trước hạch từ các nhân đối giao cảm của các thần kinh sọ và từ các nhân đối giao cảm cùng đi tới các hạch đối giao cảm ngoại vi. Các sợi đối giao cảm sau hạch từ hạch đối giao cảm ngoại vi đi tới tạng (cơ quan) hoặc các tuyến.
Hình 36.3. Hệ thần kinh đối giao cảm
Các sợi trục đối giao cảm trước hạch được bọc bằng myelin và có mặt ở các thần kinh vận nhãn, mặt, lưỡi – hầu, lang thang và ở các thần kinh sống cùng II tới IV. Ở phần sọ của hệ thần kinh đối giao cảm có 4 hạch nhỏ ở ngoại vi: hạch mi, hạch chân bướm – khẩu cái, hạch dưới hàm, hạch dưới lưỡi và hạch tai, tất cả được mô tả cùng với các thần kinh sọ có liên quan. Những hạch này chỉ đơn thuần là những hạch trung chuyển đường dẫn truyền đối giao cảm ra ngoại vi, không giống với các hạch cảm giác của các thần kinh sinh ba, mặt, lưỡi hầu và lang thang, tất cả chỉ chuyên đảm nhiệm việc dẫn truyền xung động cảm giác và chỉ chứa các thân nơron cảm giác. Đi qua các hạch đối giao cảm sọ còn có các sợi cảm giác, hay rễ cảm giác, và các sợi giao cảm sau hạch, hay rễ giao cảm, nhưng những sợi này không bị gián đoạn (tiếp xúc synap) ở hạch. Các sợi đối giao cảm sau hạch thường không có myelin và ngắn hơn các sợi giao cảm, vì những hạch mà từ đó chúng xuất phát nằm ở trong hoặc gần các tạng mà chúng chi phối.
(1) Các sợi đối giao cảm trước hạch của thần kinh vận nhãn bắt đầu tại trung não ở các nhân vận nhãn phụ và đi ra theo thần kinh vận nhãn và nhánh cơ chéo dưới của thần kinh vận nhãn để đi tới hạch mi. Chúng synap tại đó, các sợi sau hạch rời đi trong các thần kinh mi ngắn. Các thần kinh này xuyên qua củng mạc rồi chạy ra trước trong khoang quanh mạch mạc tới cơ thể mi và cơ thắt đồng tử. Các sợi trục sau hạch này thường có một bao myelin mỏng.
(2) Thần kinh mặt chứa các sợi trục đối giao cảm trước hạch của những nơron mà thân của chúng nằm ở nhân nước bọt trên và nhân lệ tỵ. Các sợi này ra khỏi thân não trong thần kinh trung gian. Những sợi xuất phát từ nhân nước bọt trên rời khỏi thân chính của thần kinh mặt cùng với thừng nhĩ ngay trước khi thần kinh mặt đi tới lỗ châm chũm. Thừng nhĩ chạy qua hòm nhĩ để tới thần kinh lưỡi, một nhánh của thần kinh hàm dưới. Theo cách này, các sợi được đưa tới hạch dưới hàm và hạch dưới lưỡi, những nơi phát sinh các sợi vận tiết sau hạch cho các tuyến nước bọt dưới hàm và dưới lưỡi. Sự kích thích thừng nhĩ làm giãn các tiểu động mạch ở cả hai tuyến ngoài tác dụng vận tiết trực tiếp. Những sợi trục đối giao cảm vận tiết tuyến lệ của thần kinh mặt (từ nhân lệ tỷ) đi theo đường nhánh đá lớn của thần kinh mặt rồi theo thần kinh ống chân bướm, cuối cùng synap ở hạch chân bướm – khẩu cái. Những sợi trục sau hạch đi tới tuyến lệ theo thần kinh gò má và tới các tuyến của khẩu cái và mũi theo các nhánh hạch.
(3) Thần kinh lưỡi – hầu chứa các sợi vận tiết đối giao cảm trước hạch cho tuyến mang tai. Những sợi này xuất phát ở nhân bọt dưới và đi lần lượt theo thần kinh lưỡi – hầu rồi nhánh nhĩ của nó. Chúng đi qua đám rối nhĩ và thần kinh đá bé để tới hạch tai, nơi chúng chuyển tiếp. Các sợi sau hạch chạy theo các nhánh nối để tới thần kinh tai – thái dương và mượn đường thần kinh này đi tới tuyến mang tai. Kích thích thần kinh đá bé gây nên các tác động giãn mạch và vận tiết.
(4) Thần kinh lang thang chứa các sợi trước hạch đối giao cảm phát sinh từ nhân lưng thần kinh lang thang; chúng đi trong thần kinh lang thang và các nhánh phổi, tim, thực quản, dạ dày, ruột… của nó. Những sợi ly tâm chuyển tiếp tại những hạch nhỏ ở thành các tạng. Sự thiếu cân xứng về số lượng các sợi trước hạch so với các sợi sau hạch ở thần kinh lang thang lớn hơn ở các thần kinh sọ khác. Các nhánh tim làm chậm chu kỳ tim. Chúng gia nhập các đám rối tim và chuyển tiếp tại những hạch phân bố tự do trên cả hai tâm nhĩ trong mô dưới lá tạng của ngoại tâm mạc thanh mạc. Các sợi tận cùng phân phối tới các tâm nhĩ và bó nhĩ – thất và tập trung quanh nút xoang – nhĩ và, ở mức độ ít hơn, nút nhĩ thất. Trước đây, người ta cho rằng chỉ có thể thông qua nút nhĩ – thất thần kinh lang thang mới có thể ảnh hưởng tới các tâm thất; tuy vậy, vẫn còn các sợi sau hạch đối giao cảm thưa thớt trực tiếp đi tới các tâm thất. Những nhánh nhỏ hơn của các động mạch vành được chi phối chủ yếu qua đường thần kinh lang thang; các động mạch lớn hơn nhận được sự chi phối kép, trong đó phần giao cảm là chủ yếu. Các nhánh phổi vận động cho các sợi cơ trơn của phế quản và tiểu phế quản và do đó là tác nhân co phế quản; những chuyển tiếp bằng synap xảy ra tại những hạch của các đám rối phổi. Các nhánh vị vận tiết và vận động cơ trơn của dạ dày, ngoại trừ cơ thắt môn vị vốn chịu sự ức chế của thần kinh lang thang. Các nhánh ruột có tác động tương tự lên ruột non, manh tràng, ruột thừa, đại tràng lên, góc đại tràng phải và hầu hết đại tràng ngang; chúng vận tiết cho các tuyến, vận động áo cơ ruột nhưng ức chế cơ thắt hồi – manh tràng. Các điểm chuyển tiếp bằng synap nằm trong các đám rối áo cơ ruột và dưới niêm mạc.
(5) Ở phần chậu hông của hệ đối giao cảm, những nhánh trước của các thần kinh sống cùng II, III và IV tách ra các thần kinh tạng chậu hông tới các tạng chậu. Những thần kinh này liên kết với các nhánh của các đám rối giao cảm chậu hông. Có những hạch nhỏ (hạch chậu hông) nằm ở những điểm liên kết hai loại nhánh và ở thành các tạng. Trong những hạch này, các sợi đối giao cảm cùng chuyển tiếp synap.
Các thần kinh tạng chậu hông vận động cho cơ của thành trực tràng và bàng quang nhưng ức chế cơ thắt bàng quang, phân phối các sợi giãn mạch tới mô cương của dương vật và âm vật, làm giãn mạch của tinh hoàn và buồng trứng và gây giãn mạch (và có thể là ức chế) tử cung và các vòi tử cung. Những sợi nhỏ từ các thần kinh tạng chậu hông đi lên trong đám rối hạ vị để cung cấp những sợi vận tạng cho đại tràng sigma và đại tràng xuống, góc đại tràng trái và đoạn tận cùng của đại tràng ngang.
Cập nhật thông tin mới nhất về kiến thức y học và test y học tại facebook TEST Y HỌC
Tham gia nhóm zalo: Tài Liệu Y Học Tổng Hợp
Ôn thi nội trú, sau đại học Giải Phẫu TẠI ĐÂY