Mạch Máu Chi Trên Và Mạch Máu Chi Dưới

Bài 11

MẠCH MÁU CHI TRÊN VÀ MẠCH MÁU CHI DƯỚI

MỤC TIÊU

1. Mô tả được những động mạch lớn cấp máu cho các đoạn chi.

2. Mô tả được những tĩnh mạch sâu và nông của các chi.

3. Nêu được các liên hệ chức năng và lâm sàng thích hợp.

1. MẠCH MÁU CHI TRÊN

1.1. Các động mạch

1.1.1. Động mạch nách

Động mạch nách nhìn trước - mạch máu chi trên

Hình 11.1. Động mạch nách và các vòng nối

– Nguyên uỷ, đường đi và tận cùng

Động mạch nách bắt đầu ở khoảng sau điểm giữa xương đòn như là sự tiếp tục của động mạch dưới đòn. Nó đi xuống dưới và ra ngoài qua nách theo một đường định hướng là đường kẻ nối điểm giữa xương đòn với điểm giữa nếp gấp khuỷu khi cánh tay giạng vuông góc với thân và khi tới ngang bờ dưới cơ ngực lớn thì được tiếp tục bởi động mạch cánh tay.

– Các liên quan

+ Với các cơ: Động mạch nách được coi như cấu trúc trung tâm của nách và được vây quanh bởi các cơ trên các thành nách: ở trước là các cơ ngực nhỏ và lớn; ở sau là các cơ dưới vai, tròn lớn và lưng rộng; ở trong là thành ngực bên được phủ bằng các bó trên của cơ răng trước; ở ngoài là cơ quạ – cánh tay. Vì động mạch nách đi chếch ra ngoài nên nó chạy xa dần thành trong của nách để dần tiến sát và đi dọc bờ trong cơ quạ – cánh tay ở thành ngoài; cơ này được coi là cơ tùy hành của động mạch.

+ Với các thành phần khác đi trong nách: Tĩnh mạch nách chạy dọc ở phía trong động mạch; phần dưới đòn của đám rối thần kinh cánh tay cùng các nhánh của nó vây quanh động mạch. Các mạch máu và thần kinh được bọc chung trong một bao mạc gọi là bao nách. Cơ ngực bé bắt chéo trước động mạch nách, chia liên quan của nó với đám rối cánh tay thành các đoạn trên, saudưới cơ ngực bé. Ở trên cơ ngực bé, bó ngoài và sau của đám rối cánh tay nằm ngoài động mạch, bó trong ở sau động mạch; ở sau cơ ngực bé, ba bó vây quanh ở ngoài, trong và sau động mạch (như tên gọi của chúng); ở dưới cơ ngực bé, nhánh tận của ba bó lúc đầu vây quanh động mạch nhưng sau đó dần đi xa khỏi động mạch, trừ các thần kinh giữa, trụ và quay.

– Các nhánh bên và tiếp nối

Theo thứ tự từ trên xuống, động mạch nách tách ra sáu nhánh dưới đây:

+ Động mạch ngực trên chạy vào trong tới khoang gian sườn I.

+ Động mạch ngực – cùng vai chạy ra trước xuyên qua mạc đòn – ngực rồi chia thành bốn nhánh: đòn, ngực, delta và cùng vai. Nhánh đòn chạy vào trong tới khớp ức đòn; nhánh delta đi xuống trong rãnh delta – ngực; nhánh ngực chạy xuống ở dưới mặt sâu cơ ngực lớn; nhánh cùng vai chạy tới lưới mạch mỏm cùng vai để tiếp nối ở đó với các nhánh từ các động mạch trên vai và mũ cánh tay sau.

+ Động mạch ngực ngoài chạy xuống trên mặt trước – bên của thành ngực dọc bờ ngoài cơ ngực bé. Nó phân nhánh vào cơ răng trước và các cơ ngực và tiếp nối với các nhánh của các động mạch gian sườn.

+ Động mạch dưới vai là nhánh lớn nhất tách ra từ đoạn dưới cơ ngực bé của động mạch nách. Nó đi ra sau và chia thành hai nhánh là động mạch ngực – lưng và động mạch mũ vai. Động mạch mũ vai chạy ra sau qua tam giác bả vai và tiếp nối với động mạch trên vai và nhánh sâu của động mạch ngang ở mặt sau xương vai. Động mạch ngực – lưng đi xuống ở mặt trước cơ dưới vai, phân nhánh vào cơ này, cơ tròn lớn và cơ răng trước rồi tiếp tục đi ở mặt trước cơ lưng rộng.

+ Động mạch mũ cánh tay trướcđộng mạch mũ cánh tay sau là những nhánh cuối cùng của động mạch nách. Chúng có thể tách riêng rẽ từ động mạch nách hoặc từ cùng một thân chung. Động mạch mũ cánh tay trước chạy ra ngoài vòng quanh mặt trước cổ phẫu thuật xương cánh tay; động mạch mũ cánh tay sau cùng với thần kinh nách chui qua lỗ tứ giác và chạy vòng quanh mặt sau cổ phẫu thuật xương cánh tay dưới sự che phủ của cơ delta. Nó phân nhánh vào cơ delta, tiếp nối với động mạch mũ cánh tay trước và với nhánh đi lên của động mạch cánh tay sâu.

1.1.2. Động mạch cánh tay

– Nguyên uỷ, đường đi và tận cùng

Động mạch cánh tay chạy tiếp theo động mạch nách bắt đầu từ bờ dưới cơ ngực lớn. Nó đi xuống qua vùng cánh tay trước theo đường định hướng giống như của động mạch nách và khi tới vùng hố khuỷu, ngang mức với cổ xương quay, thì chia thành các động mạch quay và trụ.

– Các liên quan

+ Với các cơ và mạc: Động mạch cánh tay đi ở phần trong ngăn trước (ngăn cơ gấp) của cánh tay dọc bờ trong cơ nhị đầu cánh tay; cơ này được coi là cơ tuỳ hành của động mạch. Phần trên của động mạch nằm trong một ống cơ – mạc, thường được gọi là ống cánh tay, với các giới hạn sau: ở ngoài là cơ quạ – cánh tay và cơ nhị đầu cánh tay; ở sau là vách gian cơ trong ở trên và cơ cánh tay ở dưới; ở trong là da và mạc cánh tay. Phần đưới của động mạch nằm trong rãnh nhị đầu trong với các giới hạn như sau: ở trước là cân cơ nhị đầu; ở sau là cơ tam đầu; ở ngoài là gân cơ nhị đầu và ở trong là cơ sấp tròn.

+ Với các mạch và thần kinh: Động mạch cánh tay đi cùng với hai tĩnh mạch. Ở phần ba trên cánh tay, thần kinh giữa nằm trước – ngoài động mạch, thần kinh trụ và thần kinh bì cẳng tay trong nằm trong động mạch. Đến giữa cánh tay, thần kinh trụ xuyên qua vách gian cơ trong để đi vào ngăn mạc sau cánh tay, thần kinh bì cẳng tay trong đi ra nông trong khi thần kinh giữa bắt chéo trước động mạch; từ đây trở xuống, chỉ còn thần kinh giữa đi sát bên trong động mạch.

Động mạch cánh tay và liên quan - mạch máu chi trên

Hình 11.2. Động mạch cánh tay và liên quan

Sơ đồ động mạch cánh tay và các vòng nối quay khuỷu - mạch máu chi trên

Hình 11.3. Sơ đồ động mạch cánh tay và các vòng nối quanh khuỷu

– Các nhánh bên và tiếp nối

+ Động mạch cánh tay sâu là nhánh đầu tiên của động mạch cánh tay. Nó cùng với thần kinh quay chui qua tam giác cánh tay tam đầu vào ngăn mạc sau của cánh tay và chạy theo một đường xoắn quanh xương cánh tay. Động mạch cánh tay sâu tách ra các nhánh bên sau: các nhánh cho cơ tam đầu, một động mạch nuôi xương cánh tay và nhánh delta chạy lên tiếp nối với động mạch mũ cánh tay sau. Động mạch cánh tay sâu tận cùng bằng hai nhánh tham gia vào mạng mạch khớp khuỷu: động mạch bên giữađộng mạch bên quay. Động mạch bên quay cùng thần kinh giữa đi qua vách gian cơ ngoài và tiếp nối với với động mạch quặt ngược quay trong rãnh nhị đầu ngoài. Động mạch bên giữa đi xuống và tiếp nối với động mạch quặt ngược gian cốt ở sau khuỷu.

+ Động mạch bên trụ trên tách ra ở khoảng giữa cánh tay. Nó cùng thần kinh trụ xuyên qua vách gian cơ trong rồi đi xuống trong ngăn mạc cánh tay sau tới sau mỏm trên lồi cầu trong và tiếp nối tại đây với nhánh sau của động mạch quặt ngược trụ.

+ Động mạch bên trụ dưới tách ra ở ngay trên khuỷu. Nó đi xuống trên mặt trước cơ cơ cánh tay và tiếp nối với các nhánh trước và sau của động mạch quặt ngược trụ.

1.1.3. Động mạch trụ

Động mạch trụ và cấu trúc liên quan - mạch máu chi trên

Hình 11.4. Động mạch trụ và các cấu trúc liên quan

– Nguyên uỷ, đường đi – liên quan và tận cùng

Động mạch trụ là một trong hai nhánh tận của động mạch cánh tay, tách ra ở hố khuỷu ngang mức cổ xương quay. Ở phần ba trên cẳng tay, nó đi xuống dưới và vào trong, lúc đầu đi sau cơ sấp tròn, sau đó đi giữa cơ gấp các ngón nông và cơ gấp các ngón sâu. Ở hai phần ba dưới cẳng tay, động mạch đi thẳng xuống dưới sự che phủ của cơ gấp cổ tay trụ, giữa cơ này và cơ gấp các ngón tay sâu; cơ gấp cổ tay trụ được coi là cơ tuỳ hành của động mạch trụ. Ở ngay trên cổ tay, động mạch nằm nông ở giữa gân cơ gấp cổ tay trụ và gân cơ gấp các ngón nông. Ở cổ tay, động mạch bắt chéo trước hãm gân gấp, ngoài xương đậu. Nó tận cùng ở gan tay bằng cách tiếp nối với nhánh gan tay nông của động mạch quay tạo nên cung gan tay nông. Thần kinh trụ chạy sát ở phía trong của động mạch trụ ở hai phần ba dưới cẳng tay và cổ tay.

– Các nhánh bên và tiếp nối

+ Động mạch quặt ngược trụ chạy lên và sớm chia thành các nhánh trước và sau. Nhánh trước chạy lên ở giữa cơ cánh tay và nhóm cơ bám vào mỏm trên lồi cầu trong để tiếp nối với động mạch bên trụ dưới của động mạch cánh tay. Nhánh sau chạy vào trong và lên trên để đi sau mỏm trên lồi cầu trong, giữa hai đầu cơ gấp cổ tay trụ và tiếp nối với động mạch bên trụ dưới.

+ Động mạch gian cốt chung chạy xuống dưới và ra ngoài một đoạn ngắn thì chia thành các động mạch gian cốt trước và sau. Động mạch gian cốt sau đi ngay ra sau ở giữa cơ gấp các ngón sâu và cơ gấp ngón cái dài, rồi lướt qua bờ trên màng gian cốt để đi vào ngăn mạc cẳng tay sau. Lúc đầu, nó đi trên mặt sau màng gian cốt dưới sự che phủ của cơ ngửa. Khi lộ ra ở bờ dưới cơ ngửa, nó tách ra động mạch gian cốt quặt ngược. Nhánh này chạy lên giữa mặt nông cơ ngửa và mặt sâu cơ khuỷu, rồi tiếp nối ở sau mỏm trên lồi cầu ngoài với nhánh bên giữa của động mạch cánh tay sâu. Phần còn lại của động mạch gian cốt sau đi xuống giữa hai lớp cơ của ngăn mạc cẳng tay sau, phân nhánh vào các cơ duỗi và tiếp nối ở trên cổ tay với nhánh sau của động mạch gian cốt trước. Động mạch gian cốt quặt ngược có thể tách ra trực tiếp từ động mạch gian cốt chung. Động mạch gian cốt trước tách ra động mạch giữa cho thần kinh giữa rồi đi xuống trên mặt trước màng gian cốt giữa cơ gấp các ngón sâu và cơ gấp ngón cái dài; nó tách ra các nhánh cơ trên đường đi xuống. Đôi khi, động mạch giữa, thay vì chỉ cấp máu cho thần kinh giữa, là một động mạch lớn đi cùng thần kinh giữa vào bàn tay, nơi nó tham gia vào cung gan tay nông hoặc trực tiếp tách ra các động mạch ngón tay (Ở thời kì phôi thai, động mạch giữa là cuống động mạch chính của bàn tay). Động mạch gian cốt trước tận cùng bằng cách đi sau cơ sấp vuông và chia thành một nhánh trước và một nhánh sau; nhánh trước, nhỏ hơn, tiếp tục đi xuống ở trước khớp cổ tay trong khi nhánh sau đi qua một lỗ ở phần dưới màng gian cốt để tới phần sau – dưới cẳng tay. Nhánh sau tiếp nối với động mạch gian cốt sau và tiếp tục đi xuống tham gia vào mạng mạch mu cổ tay.

+ Các nhánh cổ tay: Ngay trước khi bắt chéo hãm gân gấp, động mạch trụ tách ra nhánh gan cổ tay chạy sau các gân gấp dài tới sàn ống cổ tay và nhánh mu cổ tay chạy vòng quanh mặt trong khớp cổ tay để gia nhập vào mạng mạch mu cổ tay.

+ Nhánh gan tay sâu: Ngay sau khi bắt chéo trước hãm gân gấp, động mạch trụ tách ra nhánh gan tay sâu. Nhánh này lách vào giữa các cơ mô út; nó có thể tham gia vào cung gan tay sâu hoặc không.

1.1.4. Động mạch quay

Động mạch quay và cấu trúc liên quan - mạch máu chi trên

Hình 11.5. Động mạch quay và các cấu trúc liên quan

– Nguyên uỷ

Động mạch quay là một trong hai nhánh tận của động mạch cánh tay ở hố khuỷu, ngang mức cổ xương quay.

– Đường đi và tận cùng

Động mạch quay đi xuống dưới và ra ngoài qua ngăn mạc trước của cẳng tay, dọc theo đường kẻ nối điểm giữa nếp gấp khuỷu với rãnh mạch. Tới dưới mỏm trâm quay, nó vòng quanh mặt ngoài cổ tay tới mu tay. Cuối cùng, nó lách qua khe giữa nền các xương đốt bàn tay thứ nhất và thứ hai vào gan tay và chia thành động mạch chính ngón cái và cung gan tay nông.

– Các liên quan

+ Ở cẳng tay: Động mạch quay chạy qua cẳng tay dưới sự che phủ của cơ cánh tay – quay; cơ này luôn nằm ở phía trước – ngoài của động mạch nên được coi là cơ tuỳ hành của động mạch. Ở phần ba giữa cẳng tay, nhánh nông thần kinh quay nằm ngay bên ngoài động mạch. Ở phía trong, động mạch liên quan với cơ sấp tròn ở phần ba trên và cơ gấp cổ tay quay ở hai phần ba dưới. Ở ngay trên cổ tay, động mạch nằm giữa bờ trong gân cơ cánh tay – quay và bờ ngoài gân cơ gấp cổ tay quay, mặt trước của nó chỉ có da và mạc che phủ. Trên đường đi xuống, động mạch lần lượt bắt chéo mặt trước gân cơ nhị đầu, cơ ngửa, cơ sấp tròn, đầu quay cơ gấp các ngón nông, cơ gấp ngón cái dài, cơ sấp vuông và cuối cùng là xương quay, nơi ta có thể sờ thấy mạch đập.

+ Ở cổ tay và bàn tay: Lúc chạy vòng ra ngoài tới mu tay, động mạch quay đi dưới gân của các cơ giạng ngón cái dài và duỗi ngón cái ngắn, tiếp đó đi qua hõm lào giải phẫu rồi đi dưới gân cơ duỗi ngón cái dài để tới được khe giữa nền các xương đốt bàn tay nhất và nhì. Tại khe này, động mạch nằm giữa hai đầu cơ gian cốt mu tay thứ nhất.

– Các nhánh bên và tiếp nối

+ Động mạch quặt ngược quay tách ra ở dưới nguyên ủy động mạch quay một đoạn ngắn. Nó chạy lên giữa cơ cánh tay – quay và các cơ ở phía trục cẳng tay, dọc theo đường đi của thần kinh quay, để tiếp nối với nhánh bên quay của động mạch cánh tay sâu.

+ Động mạch nuôi xương cánh tay và các nhánh cơ không có tên.

+ Nhánh gan tay nông tách ra ngay trước khi động mạch quay vòng ra mu tay. Nhánh này chạy vào các cơ mô cái và thường tận cùng bằng cách tham gia vào cung gan tay nông.

+ Nhánh gan cổ tay:  Đây là một mạch nhỏ tách ra ở ngang mức nguyên uỷ của nhánh gan tay nông. Nó đi sau các gân gấp và tiếp nối với nhánh gan cổ tay của động mạch trụ.

+ Nhánh mu cổ tay: Lúc đi ở mu cổ tay, động mạch quay tách ra một hoặc hai nhánh mu cổ tay và các nhánh đi đến cả hai bờ của mu ngón cái và bờ ngoài mu ngón trỏ. Các nhánh mu cổ tay chạy ngang vào trong để tiếp nối với nhánh mu cổ tay của động mạch trụ và nhánh tận của động mạch gian cốt trước tạo nên cung mu cổ tay. Cung mu cổ tay có thể là một cung đơn hoặc là một số quai tiếp nối. Nó tách ra ở phía xa ba động mạch mu đốt bàn tay. Khi các động mạch mu đốt đi qua đầu gần của các cơ gian cốt mu tay II, III và IV, chúng nhận được những nhánh xuyên từ cung gan tay sâu; chúng chia ra ở gần chỏm của các xương đốt bàn tay thành các động mạch mu ngón tay. Ngay trước khi phân chia, các động mạch mu đốt bàn tay tiếp nhận các nhánh xuyên từ các động mạch gan đốt bàn tay.

+ Động mạch chính ngón cái: Khi động mạch quay đi vào gan tay ở giữa hai đầu cơ gian cốt mu tay thứ nhất, nó chia thành động mạch chính ngón cái và cung gan tay sâu. Động mạch chính ngón cái chạy về phía xa, ở giữa cơ gian cốt mu tay thứ nhất và cơ khép ngón cái và thường tách ra động mạch quay ngón trỏ đi vào bờ ngoài của ngón trỏ (động mạch này có thể tách trực tiếp từ cung gan tay sâu), rồi sau đó, khi tới gần khớp đốt bàn tay – đốt ngón tay của ngón cái, chia thành hai động mạch cho hai bờ ngón cái. Động mạch cho bờ ngoài ngón cái chạy dưới gân của cơ gấp ngón cái dài và các động mạch trên ngón cái tương đương với các động mạch gan ngón tay riêng. Động mạch quay ngón trỏ cũng tương đương với một động mạch gan ngón tay riêng. Nó có thể nối với động mạch gan đốt bàn tay thứ nhất và cung gan tay nông.

1.1.5. Các cung gan tay

Cung gan tay nông - mạch máu chi trên

Hình 11.6. Cung gan tay nông

– Cung gan tay nông

Cung gan tay nông là sự tiếp tục của động mạch trụ sau khi động mạch này tách ra nhánh gan tay sâu. Cung này thường được hoàn thiện (khép kín) bằng cách nối với các nhánh của động mạch quay: nhánh gan tay nông, động mạch chính ngón cái và động mạch quay ngón trỏ. Nhiều tiếp nối có thể cùng tồn tại. Cung nông chạy cong ra ngoài ngang qua gan tay, ở ngay sau cân gan tay và trước các thần kinh và các gân gấp ở phần giữa gan tay. Nơi lồi xa nhất của cung nằm ở ngang mức bờ dưới của một ngón cái giạng hết cỡ.

Các nhánh: Cung gan tay nông tách ra một động mạch ngón tay cho bờ trong ngón út và ba động mạch gan ngón tay chung. Các động mạch gan ngón tay chung chạy ra xa về phía những khoảng kẽ ngón tay giữa các ngón trỏ và giữa, giữa và nhẫn, nhẫn và út. Chúng hợp với các động mạch gan đốt bàn tay ở gần các khớp đốt bàn tay – đốt ngón tay rồi sau đó chia thành các động mạch ngón tay riêng đi vào những bờ ngón tay liền kề với các khoảng kẽ.

Cung gan tay sâu - mạch máu chi trên

Hình 11.7. Cung gan tay sâu

– Cung gan tay sâu

Cung gan tay sâu là sự tiếp tục của động mạch quay sau khi động mạch này tách ra động mạch chính ngón cái. Nó chạy vào trong ở bên dưới các gân gấp và bắt chéo trước các cơ gian cốt và các xương đốt bàn tay. Cung được hoàn thiện ở phía trong bằng cách nối với nhánh gan tay sâu của động mạch trụ. Nhánh sâu của thần kinh trụ gần như chạy song song với cung gan tay sâu.

Các nhánh: Cung gan tay sâu tách ra ba động mạch gan đốt bàn tay, các nhánh xuyên và các nhánh nhỏ cho cổ tay.

+ Ba động mạch gan đốt bàn tay chạy về phía xa trên các cơ gian cốt và, khi đến gần các khớp đốt bàn tay – đốt ngón tay, chúng tách ra các nhánh xuyên chạy về phía mu tay đổ vào các động mạch mu đốt bàn tay. Sau đó, chúng đổ vào các động mạch ngón tay chung của cung nông.

+ Các nhánh xuyên của cung gan tay sâu chạy thẳng ra mu tay giữa các cặp đầu của các cơ gian cốt mu tay từ thứ hai đến thứ tư; chúng đưa máu tới các động mạch mu đốt bàn tay và thường lớn hơn các động mạch này tại nơi chúng tách ra từ cung mu cổ tay.

+ Các nhánh nhỏ chạy về phía gần cấp máu cho các dây chằng và các xương tạo nên sàn ống cổ tay.

1.2. Các tĩnh mạch

1.2.1. Các tĩnh mạch sâu

Các tĩnh mạch sâu của chi trên chạy kèm theo các động mạch và có tên như các động mạch; động mạch nách có một tĩnh mạch đi kèm, các động mạch còn lại mỗi động mạch có hai tĩnh mạch đi kèm. Tĩnh mạch nách nằm trong động mạch; nó thu nhận tất cả máu tĩnh mạch của chi trên và đổ về tĩnh mạch dưới đòn.

Tĩnh mạch nông chi trên cánh tay - mạch máu chi trên

Hình 11.8. Tĩnh mạch nông cánh tay chi trên cánh tay

Tĩnh mạch nông chi trên cẳng tay - mạch máu chi trên

Hình 11.9. Tĩnh mạch nông cẳng tay chi trên cánh tay

1.2.2. Các tĩnh mạch nông

Các tĩnh mạch nông nằm ngay dưới da nên có thể nhìn thấy được. Chúng tiếp nối rộng rãi với nhau và với các tĩnh mạch sâu.

Tĩnh mạch đầu xuất phát từ phần ngoài mạng lưới tĩnh mạch mu tay. Nó chạy lên uốn quanh bờ ngoài cẳng tay tới mặt trước cẳng tay và tiếp tục đi lên dọc theo bờ trước – ngoài của cẳng tay, khuỷu và cánh tay. Cuối cùng, tĩnh mạch chạy qua rãnh delta – ngực rồi đổ vào tĩnh mạch nách ở ngay dưới xương đòn.

Tĩnh mạch nền bắt đầu từ phần trong mạng lưới tĩnh mạch mu tay. Nó đi lên, lúc đầu ở mặt trong cẳng tay, sau đó ở mặt trước – trong của khuỷu và cánh tay; tới giữa cánh tay, nó xuyên qua mạc cánh tay vào sâu và tiếp tục đi lên tới nách. Nó cùng với các tĩnh mạch cánh tay hợp nên tĩnh mạch nách. Ở trước khuỷu, tĩnh mạch đầu tách ra một nhánh lớn – có tên là tĩnh mạch giữa khuỷu – đi chếch lên trên và vào trong nối với tĩnh mạch nền.

Tĩnh mạch giữa cẳng tay bắt đầu từ cung tĩnh mạch gan tay nông ở gan tay. Nó đi lên qua mặt trước cẳng tay và tận cùng ở tỉnh mạch nền hoặc tĩnh mạch giữa khuỷu. Nếu tĩnh mạch giữa cẳng tay đổ vào tĩnh mạch giữa khuỷu thì tĩnh mạch giữa khuỷu trông như hai nhánh chẽ đôi của tĩnh mạch giữa cẳng tay, nhánh chạy tới tĩnh mạch nền là tĩnh mạch giữa nền, nhánh chạy tới tĩnh mạch đầu là tĩnh mạch giữa đầu. Ở trường hợp này các tĩnh mạch ở vùng khuỷu tạo nên hình ảnh chữ M.

1.3. Các liên hệ chức năng và lâm sàng

Nhiều ứng dụng lâm sàng liên quan đến các mạch máu của chi trên: huyết áp động mạch thường được đo dựa mạch đập của động mạch cánh tay ở ngay trên khuỷu tay, nơi mà động mạch nằm nông ở ngay dưới da và mạc cánh tay; đếm tần số mạch đập/phút thường dựa vào mạch đập của động mạch quay ở ngay trên cổ tay, nơi nó nằm trước đầu dưới xương quay và chỉ được che phủ bởi da và mạc; các tĩnh mạch nông ở khuỷu cũng là một trong những vị trí thuận lợi để thực hiện việc tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.

Thắt các động mạch của chi trên: Khi cần thắt một động mạch lớn nào đó của chỉ trên, cần phải cân nhắc đến hậu quả của thắt đến đoạn chỉ ở xa hơn chỗ thắt bằng cách dựa trên các tiếp nối động mạch. Sẽ nguy hiểm cho chi trên nếu thắt động mạch nách ở giữa nguyên uỷ của các động mạch dưới vai và mũ cánh tay. Khi thắt động mạch cánh tay, cẳng tay có thể không bị hoại tử nhưng sự thiếu máu cung cấp cho các cơ gấp ở cẳng tay trước có thể làm cho các cơ này bị xơ hoá và ngắn lại, khiến cho các ngón tay bị co quắp. Để tránh tình trạng này, cần phải thắt động mạch cánh tay ở xa hơn nguyên uỷ của động mạch bên trụ dưới. Khi đó, các vòng tiếp nối quanh mỏm trên lồi cầu trong được phát huy tác dụng đầy đủ.

2. MẠCH MÁU CHI DƯỚI

2.1. Các động mạch

Các động mạch cấp máu cho chi dưới xuất phát từ các động mạch chậu trong và ngoài. Các động mạch chạy tiếp theo động mạch chậu ngoài bao gồm động mạch đùi, động mạch khoeo, các động mạch chày trước và sau, động mạch mu chân và các động mạch gan chân. Các nhánh của động mạch chậu trong cấp máu cho chi dưới là động mạch mông trên, động mạch mông dưới và động động mạch bịt.

2.1.1. Động mạch đùi

– Nguyên uỷ, đường đi và tận cùng: Động mạch đùi chạy tiếp theo động mạch chậu ngoài bắt đầu từ sau dây chằng bẹn, giữa gai chậu trước-trên và khớp mu. Nó chạy gần như thẳng đứng xuống dưới qua tam giác đùi và ống cơ khép. Hình chiếu lên bề mặt của động mạch là 2/3 trên của đường kẻ nối điểm nằm cách đều gai chậu trước – trên và khớp mu với củ cơ khép của xương đùi. Sau khi chui qua lỗ gân cơ khép, nó đi vào khoeo và trở thành động mạch khoeo.

– Các liên quan

+ Trong tam giác đùi: Động mạch nằm nông, được che phủ ở trước bằng da và mạc đùi. Mặt sau của động mạch tiếp xúc với cơ thắt lưng lớn, cơ lược và cơ khép dài. Cùng nằm trong tam giác đùi với động mạch có tĩnh mạch đùi ở trong, thần kinh đùi và các nhánh của nó ở ngoài.

+ Trong ống cơ khép: Động mạch đùi được vây quanh bởi các cơ và mạc tạo nên ống cơ khép: ở phía trước-trong là cơ may và vách gian cơ rộng – khép; ở phía trước – ngoài là cơ rộng trong; và ở phía sau là các cơ khép dài và khép lớn. Tĩnh mạch đùi bắt chéo sau động mạch để chạy ra ngoài; thần kinh hiển bắt chéo trước động mạch trước khi ra khỏi ống cơ khép.

Động mạch đùi phẫu tích nông - mạch máu chi dưới

Hình 11.10. Động mạch đùi và cấu trúc liên quan phẫu tích nông

Động mạch đùi phẫu tích sâu - mạch máu chi dưới

Hình 11.11. Động mạch đùi và cấu trúc liên quan phẫu tích sâu

– Các nhánh bên và tiếp nối

Động mạch đùi tách ra một số nhánh nhỏ và nông ở ngay dưới dây chằng bẹn; các nhánh khác là động mạch đùi sâu và động mạch gối xuống.

+ Động mạch mũ chậu nông chạy lên trên về phía gai chậu trước – trên, tiếp nối với các động mạch mũ chậu sâu, mông trên và mũ đùi ngoài.

+ Động mạch thượng vị nông chạy lên ở trước dây chằng bẹn và đi về về phía rốn trong mô dưới da bụng. Nó tiếp nối với các nhánh của động mạch thượng vị dưới.

+ Động mạch thẹn ngoài nôngđộng mạch thẹn ngoài sâu đi vào trong cấp máu cho da của bụng dưới, dương vật, bìu hoặc môi lớn, tiếp nối với các nhánh của động mạch thẹn trong.

+ Động mạch đùi sâu tách ra từ mặt sau – ngoài của động mạch đùi ở dưới dây chẳng bẹn khoảng 3,5cm. Nó là nguồn cấp máu chính cho các cơ của đùi. Động mạch đi xuống ở sau các mạch đùi, trên bề mặt của cơ lược và cơ khép ngắn, cho tới tận bờ trên cơ khép dài. Từ đây, nó đi xuống trong khe giữa cơ khép dài và cơ khép lớn, trở nên bị ngăn cách với các mạch đùi bởi cơ khép dài. Cuối cùng, động mạch đùi sâu tận cùng bằng nhánh xuyên thứ tư tiếp nối với các nhánh cơ trên của động mạch khoeo.

Các nhánh bên và tiếp nối: Động mạch đùi sâu tách ra các động mạch mũ đùi ngoài và trong ở ngay tại nguyên uỷ của nó và các động mạch xuyên trên đường đi.

  • Động mạch mũ đùi ngoài chạy ra ngoài ở sau cơ thẳng đùi rồi chia thành nhánh lên, nhánh ngangnhánh xuống. Nhánh lên đi lên ở dưới cơ căng mạc đùi, tiếp nối với các động mạch mông trên và mũ chậu sâu. Nhánh xuống chạy xuống ở sau cơ thẳng đùi, phân nhánh tới cơ rộng ngoài và tiếp nối trong cơ này với những nhánh của động mạch gối trên ngoài, góp phần vào mạng mạch khớp gối. Nhánh ngang chạy ra ngoài, xuyên qua cơ rộng ngoài rồi tiếp nối với các động mạch mũ đùi trong, mông dưới và xuyên thứ nhất tạo nên vòng nối chữ thập.
  • Động mạch mũ đùi trong chạy vòng ra sau quanh xương đùi ở giữa cơ thắt lưng – chậu và cơ lược. Nó tách ra nhánh ổ cối tiếp nối với nhánh sau của động mạch bịt hoặc cùng động mạch này cấp máu cho mô của hố ổ cối. Phần còn lại của động mạch chia thành nhánh nôngnhánh sâu; nhánh sâu chia ra ở trước cơ vuông đùi thành nhánh lênnhánh xuống; các nhánh này đi vào mông lần lượt ở trên và dưới cơ vuông đùi.
  • Các nhánh xuyên thường có số lượng là bốn nhánh, kể cả nhánh tận của động mạch đùi sâu. Chúng xuyên qua gân bám tận của các cơ khép, ở gần đường ráp, để trở thành những mạch cấp máu chính cho các cơ vùng đùi sau. Mỗi động mạch xuyên đều có các nhánh nối chạy lên và chạy xuống nối với các động mạch xuyên kế cận, tạo nên một chuỗi mạch liên tục. Nhánh nối đi lên của động mạch xuyên thứ nhất tiếp nối với các động mạch mũ đùi trong, mũ đùi ngoài và mông dưới; nhánh nối đi xuống của động mạch xuyên cuối cùng nối tiếp với các nhánh cơ trên của động mạch khoeo. Các động mạch xuyên tách ra các động mạch nuôi xương đùi. Ở mặt sau của đùi, từ các động mạch mông tới các nhánh cơ của động mạch khoeo có một chuỗi mạch nối liên tục qua vòng nối chữ thập và chuỗi tiếp nối của các động mạch xuyên.

+ Động mạch gối xuống là nhánh dưới cùng của động mạch đùi tách ra ở đầu dưới của ống cơ khép. Nó tách ngay ra nhánh hiển rồi đi xuống trong cơ rộng trong và tách ra các nhánh khớp. Nhánh hiển đi xuống cấp máu cho vùng da trên – trong cẳng chân và tiếp nối với động mạch gối dưới trong. Các nhánh khớp tham gia vào mạng mạch khớp gối.

Sơ đồ động mạch đùi và động mạch gối - mạch máu chi dưới

Hình 11.12. Sơ đồ động mạch đùi và động mạch khoeo

2.1.2. Động mạch khoeo

– Nguyên uỷ, đường đi và tận cùng

Động mạch khoeo chạy tiếp theo động mạch đùi bắt đầu từ lỗ gân cơ khép lớn. Nó đi xuống dưới và ra ngoài qua khoeo và khi tới bờ dưới của cơ khoeo thì chia thành các động mạch chày trước và sau.

– Các liên quan

Ở trước, từ trên xuống dưới: diện khoeo xương đùi, bao khớp gối và cơ khoeo. Ở sau: đoạn trên với cơ bán màng, đoạn dưới với cơ bụng chân, đoạn giữa của động mạch được ngăn cách với da và mạc bởi mô mỡ, tĩnh mạch khoeo và thần kinh chày; tĩnh mạch khoeo ở sau và ngoài động mạch, thần kinh chày ở sau và ngoài tĩnh mạch.

– Các nhánh bên và tiếp nối

Động mạch khoeo tách ra các nhánh da, các nhánh cơ và các nhánh gối.

+ Các nhánh da tách ra từ động động mạch khoeo hay các nhánh bên của nó. Chúng đi xuống giữa các đầu cơ bụng chân và xuyên qua mạc để cấp máu cho da ở mặt sau bắp chân; một nhánh thường đi theo tĩnh mạch hiển nhỏ.

+ Các nhánh cơ trên: Có hai hoặc ba nhánh tách ra từ đoạn trên của động mạch. Chúng đi tới cơ khép lớn và các cơ gấp đùi, tiếp nối với nhánh tận cùng của động mạch đùi sâu.

+ Các động mạch cơ bụng chân là hai động mạch lớn tách ra ở sau khớp gối và đi đến các đầu cơ bụng chân.

+ Các động mạch gối bao gồm các động mạch gối trên trongngoài, động mạch gối giữacác động mạch gối dưới ngoàitrong. Động mạch gối giữa xuyên qua mặt sau bao khớp gối để cấp máu cho các cấu trúc trong bao khớp. Các động mạch gối trên và dưới đều vòng ra mặt trước khớp gối ở dưới mặt sâu của các cơ và dây chằng quanh khớp: các động mạch gối trên vòng quanh xương đùi ở trên các lồi cầu, các động mạch gối dưới vòng quanh đầu trên xương chày. Chúng nối tiếp với nhau tạo nên mạng mạch khớp gối. Tham gia vào mạng mạch này còn có các nhánh của động mạch đùi, động mạch chày trước và động mạch chày sau.

2.1.3. Động mạch chày trước

– Nguyên uỷ, đường đi và tận cùng

Động mạch chày trước là nhánh tận của động mạch khoeo và tách ra ở bờ dưới cơ khoeo. Đầu tiên, nó đi trong ngăn mạc sau của cẳng chân, rồi chui qua một lỗ ở phần trên màng gian cốt đi vào ngăn mạc cẳng chân trước. Trong ngăn mạc trước, lúc đầu động mạch nằm ở trong cổ xương mác, sau đó đi ở trước màng gian cốt, tiến dẫn lại rồi nằm trước xương chày. Ở cổ chân, tại điểm giữa hai mắt cá, nó liên tiếp với động mạch mu chân. Hình chiếu của động mạch lên bề mặt là đường nối một điểm ở ngay dưới bờ trong chỏm xương mác với điểm nằm giữa hai mắt cá.

– Các liên quan

Lúc đi trước màng gian cốt ở 2/3 trên cẳng chân, động mạch nằm giữa cơ chảy trước và cơ duỗi các ngón chân dài đồng thời được các cơ này che phủ. Lúc đi trước xương chày ở 1/3 dưới cẳng chân, động mạch nằm giữa cơ chày trước và cơ gấp ngón chân cái dài, được che phủ ở trước bởi mạc cẳng chân. Ở cổ chân, sau hãm gần duỗi, nó bị gân cơ duỗi ngón cái dài bắt chéo trước từ ngoài vào trong và sau đó nằm giữa gần này và trẽ gân trong cùng của cơ duỗi các ngón chân dài. Đi cùng động mạch có các tĩnh mạch tuỳ hành và thần kinh mác sâu. So với động mạch, thần kinh nằm ngoài ở 1/3 trên, ở trước ở 1/3 giữa rồi lại nằm ngoài ở 1/3 dưới.

Động mạch chày trước - mạch máu chi dưới

Hình 11.13. Động mạch chày trước và cấu trúc liên quan

– Các nhánh bên và tiếp nối

Động mạch chày trước tách ra các động mạch quặt ngược chày trước và sau; các nhánh cơ; và các động mạch mắt cá trước ngoài và trong.

+ Động mạch quặt ngược chày sau tách ra lúc động mạch chày trước còn nằm ở ngăn mạc cẳng chân sau. Nó đi lên tiếp nối với nhánh gối dưới ngoài của động mạch khoeo.

+ Động mạch quặt ngược chày trước tách ra khi động mạch chày trước vừa đi vào ngăn mạc trước; nó đi lên và tiếp nối với các nhánh gối dưới của động mạch khoeo và nhánh mũ mác của động mạch chày sau.

+ Động mạch mắt cá trước – trong tách ra ở trên khớp cổ chân khoảng 5 cm; nó đi vào trong tiếp nối với nhánh mắt cá trong của động mạch chày sau, động mạch cổ chân trong của động mạch mu chân và các nhánh của động mạch gan chân trong tạo nên mạng mạch mắt cá trong.

+ Động mạch mắt cá trước – ngoài đi tới mặt ngoài cổ chân, tiếp nối với nhánh xuyên và nhánh mắt cá ngoài của động mạch mác, động mạch cổ chân ngoài của động mạch mu chân và các nhánh của động mạch gan chân ngoài tạo nên mạng mạch mắt cá ngoài.

2.1.4. Động mạch mu chân

– Nguyên uỷ, đường đi và tận cùng

Động mạch mu chân là sự tiếp tục của động mạch chày trước sau khi động mạch này đi qua cổ chân. Nó chạy về phía xa, hướng tới khoảng kẽ giữa các ngón chân thứ nhất và thứ hai, và khi tới đầu gần của khoang gian xương đốt bàn chân thứ nhất thì chia thành động mạch mu đốt bàn chân thứ nhấtđộng mạch gan chân sâu; động mạch gan chân sâu chạy xuống gan chân giữa hai đầu cơ gian cốt mu chân thứ nhất để hoàn thiện cung gan chân sâu.

– Các liên quan

Động mạch mu chân đi ở mu chân ở phía trong thần kinh mác sâu, giữa gân của cơ duỗi ngón cái dài ở trong và chẽ gân trong cùng của cơ duỗi các ngón chân dài. Mặt trước của động mạch được che phủ bởi da, mạc, hãm gân duỗi dưới và, ở gần nơi tận cùng, cơ duỗi các ngón chân ngắn.

– Các nhánh bên và tiếp nối

Động mạch mu chân tách ra các động mạch cổ chân, động mạch cung và động mạch mu đốt bàn chân thứ nhất.

+ Các động mạch cổ chân bao gồm động mạch cổ chân ngoài và động mạch cổ chân trong, cả hai tham gia vào các mạng mạch mắt cá.

+ Động mạch cung đi ra ngoài, trên nền các xương đốt bàn chân, dưới gân của các cơ duỗi ngón chân. Nó tách ra các động mạch mu đốt bàn chân từ thứ hai tới thứ tư; mỗi động mạch mu đốt bàn chân chia ra ở một khoảng kẽ ngón chân thành hai động mạch mu ngón chân đi vào các bờ ngón chân liền kề với khoảng kẽ đó. Trên đường đi, các động mạch mu đốt bàn chân nhận được các nhánh xuyên gần từ cung gan chân sâu và các nhánh xuyên xa từ các động mạch gan đốt bàn chân.

+ Động mạch mu đốt bàn chân thứ nhất chạy về phía xa và chia ra ở khoảng kẽ giữa các ngón chân thứ nhất và thứ hai thành ba nhánh cho hai bờ ngón chân cái và bờ trong ngón chân thứ hai.

Động mạch mu chân - mạch máu chi dưới

Hình 11.14. Động mạch mu chân

2.1.5. Động mạch chày sau

– Nguyên uỷ, đường đi và tận cùng

Động mạch chày sau là một nhánh tận của động mạch khoeo, tách ra ở ngang bờ dưới cơ khoeo. Nó đi xuống và vào trong qua ngăn mạc cẳng chân sau và tận cùng ở điểm cách đều mắt cá trong và củ gót trong bằng cách chia thành các động mạch gan chân trong và ngoài. Hình chiếu lên bề mặt của động mạch là đường kẻ nối điểm nằm trong đường giữa bắp chân 1-2 cm, ngang mức cổ xương mác, tới điểm tận cùng.

– Các liên quan

Từ trên xuống, động mạch kế tiếp nằm sau cơ chày sau, cơ gấp các ngón chân dài, xương chày và khớp cổ chân. Cơ tam đầu cẳng chân và mạc ngang sâu cẳng chân che phủ động mạch nhưng ở dưới chỉ có da và mạc che phủ động mạch. Đi cùng động mạch có hai tĩnh mạch tuỳ hành và thần kinh chày. Thần kinh lúc đầu nằm trong động mạch nhưng sớm bắt chéo sau động mạch để nằm ở ngoài động mạch.

Động mạch chày sau - mạch máu chi dưới

Hình 11.15. Động mạch chày sau

– Các nhánh bên và tiếp nối

Động mạch chày sau tách ra nhánh mũ mác, động mạch mác, động mạch nuôi xương chày, các nhánh mắt cá trong và các nhánh gót trong.

+ Nhánh mũ mác đi ra ngoài quanh cổ xương mác, nối với động mạch gối dưới – ngoài.

+ Động mạch mác tách ra ở dưới cơ khoeo khoảng 2,5 cm. Nó đi chếch ra ngoài tới xương mác rồi đi xuống, lúc đầu giữa cơ chày sau và cơ gấp ngón cái dài, sau đó dưới sự che phủ của cơ gấp ngón cái dài. Tới sau khớp sợi chày – mác dưới, nó tận cùng bằng nhánh mắt cá ngoài; nhánh này tiếp nối với động mạch mắt cá trước – ngoài của động mạch chày trước và tách ra các nhánh gót đi tới các mặt sau và ngoài của gót.

Các nhánh bên và tiếp nối của động mạch mác

  • Các nhánh cơ cấp máu cho cơ dép, cơ chày sau, cơ gấp ngón cái dài và các cơ mác.
  • Động mạch nuôi xương mác.
  • Nhánh xuyên: Nhánh này xuyên qua màng gian cốt ở trên mắt cá ngoài khoảng 5 cm để đi vào ngăn mạc cẳng chân trước, tiếp nối với động mạch mắt cá trước – ngoài của động mạch chày trước, nhánh mắt cá ngoài của động mạch mác và động mạch cổ chân ngoài của động mạch mu chân.

Nhánh nối với động mạch chày sau.

  • Động mạch nuôi xương chày đi vào xương ở ngay dưới đường cơ dép.
  • Các nhánh cơ cho cơ dép và các cơ lớp sâu của cẳng chân sau.
  • Các nhánh mắt cá trong chạy quanh mắt cá trong tới mạng mạch mắt cá trong.
  • Các nhánh gót tách ra ở ngay trên chỗ tận cùng và đi tới da ở các mặt trong và sau của gót.
2.1.6. Các động mạch gan chân

Động mạch gan chân trong chạy về phía xa dọc theo bờ trong bàn chân và ở phía trong thần kinh gan chân trong. Lúc đầu nó được che phủ bởi cơ giạng ngón cái, sau đó đi giữa cơ này và cơ gấp các ngón chân ngắn. Động mạch tách ra nhánh sâu cấp máu cho các cơ bao quanh và phần còn lại được gọi là nhánh nông. Nhánh nông chia ra ở gần nền xương đốt bàn chân thứ nhất thành: một nhánh chạy dọc bờ trong của ngón cái và tiếp nối với một nhánh của động mạch gan đốt bàn chân thứ nhất; và một thân tách ra thành ba nhánh chạy ra ngoài và ra trước ở mặt dưới cơ gấp các ngón chân ngắn để đổ vào các động mạch gan đốt bàn chân từ thứ nhất tới thứ ba.

Động mạch gan chân ngoài là nhánh tận lớn hơn của động mạch chày sau. Đoạn đầu của động mạch chạy chếch ra trước và ra ngoài, ở phía trong thần kinh gan chân ngoài, tới nền xương đốt bàn chân thứ năm. Từ đây, nó cùng với nhánh sâu thần kinh gan chân ngoài chạy vào trong ngang qua bàn chân tới đầu gần của khoảng gian xương đốt bàn chân thứ nhất thì nối với động mạch gan chân sâu của động mạch mu chân tạo nên cung gan chân sâu. Ở đoạn chếch, lúc đầu động mạch nằm giữa xương gót và cơ giạng ngón cái, sau đó giữa cơ gấp các ngón chân ngắn và cơ vuông gan chân, và cuối cùng giữa cơ gấp các ngón chân ngắn và cơ giạng ngón út dưới sự che phủ của cân gan chân. Đoạn ngang của động mạch được gọi là cung gan chân sâu. Cung này nằm dưới nền của các xương đốt bàn chân từ thứ hai tới thứ tư và được che phủ bởi phần chếch của cơ khép ngón cái.

Các nhánh bên và tiếp nối: Động mạch gan chân ngoài tách ra ba động mạch xuyên, bốn động mạch gan đốt bàn chân và nhiều nhánh khác cho da và cơ của gan chân. Các nhánh xuyên chạy lên qua đầu gần của các khoang gian xương đốt bàn chân từ thứ hai tới thứ tư để đổ vào các động mạch mu đốt bàn chân. Các động mạch gan đốt bàn chân chạy ra trước trong bốn khoang gian cốt. Chúng tiếp nhận các nhánh đến từ nhánh nông của động mạch gan chân trong, sau đó tách ra các nhánh xuyên xa chạy về mu chân đổ vào các động mạch mu đốt bàn chân rồi trở thành các động mạch gan ngón chân chung. Mỗi động mạch gan ngón chân chung rất ngắn vì chia ngay thành hai động mạch gan ngón chân riêng đi vào các bờ ngón chân kề với mỗi khoảng kẽ ngón chân.

Động mạch gan chân - mạch máu chi dưới

Hình 11.16. Động mạch gan chân

2.1.7. Động mạch mông trên

Động mạch mông trên là sự tiếp tục của thân sau động mạch chậu trong. Nó chạy ra sau giữa thân thắt lưng cùng và thần kinh cùng thứ nhất hoặc giữa các thần kinh cùng thứ nhất và thứ hai và rời khỏi chậu hông qua khuyết ngồi lớn ở trên cơ hình quả lê. Nó chia thành nhánh nông và nhánh sâu. Nhánh nông đi vào mặt sâu cơ mông lớn, cấp máu cho cơ này và tiếp nối với động mạch mông dưới. Nhánh sâu chạy giữa cơ mông lớn và xương chậu, sớm chia thành nhánh trên và nhánh dưới. Nhánh trên đi men theo bờ trên cơ mông nhỡ tới gai chậu trước – trên, tiếp nối với động mạch mũ chậu sâu và nhánh lên của động mạch mũ đùi ngoài. Nhánh dưới đi giữa các cơ mông nhỡ và nhỏ, cấp máu cho các cơ này và tiếp nối với các động mạch mũ đùi. Điểm mà động mạch mông trên ra khỏi chậu hông tương ứng với chỗ nối tiếp các phần ba trên và giữa của đường nối gai chậu sau – trên với đỉnh mấu chuyển lớn.

Động mạch mông trên và dưới - mạch máu chi dưới

Hình 11.17. Động mạch mông trên và dưới

2.1.8. Động mạch mông dưới

Động mạch mông dưới là nhánh tận lớn hơn của thân trước động mạch chậu trong. Nó đi xuống ở trước đám rối cùng và cơ hình quả lê, sau động mạch thẹn trong. Sau khi lách giữa nhánh trước của các thần kinh sống cùng I và II, rồi giữa cơ hình quả lê và cơ ngồi – cụt, nó đi qua khuyết ngồi lớn tới vùng mông. Ở mông, nó đi xuống giữa mấu chuyển lớn và củ ngồi cùng với các thần kinh ngồi và bì đùi sau, ở trước cơ mông lớn, tới tận phần trên của đùi và tiếp nối với các nhánh của các động mạch xuyên. Các động mạch mông dưới và thẹn trong thường do một thân chung của động mạch chậu trong tách ra, đôi khi thân này chung cho cả động mạch mông trên. Động mạch mông dưới rời khỏi chậu hông ở gần điểm giữa của một đường thẳng nối gai chậu sau – trên và củ ngồi. Các nhánh cơ ở ngoài chậu hông của động mạch mông dưới cấp máu cho cơ mông lớn, cơ bịt trong, các cơ sinh đôi, cơ vuông đùi và phần trên các cơ đùi sau, tiếp nối với các động mạch mông trên, thẹn trong, bịt và mũ đùi trong.

2.1.9. Động mạch bịt

Là nhánh của thân trước động mạch chậu trong; nó chạy qua thành bên chậu hông tới lỗ bịt, phân nhánh vào các cơ bịt và các cơ khép đùi.

2.2. Các tĩnh mạch

2.2.1. Các tĩnh mạch sâu

Các tĩnh mạch sâu đi kèm theo động mạch và mang tên như động mạch. Động mạch khoeo và động mạch đùi có một tĩnh mạch đi kèm; các động mạch còn lại có hai tĩnh mạch đi kèm. Tĩnh mạch đùi chạy lên tới sau dây chằng bẹn thì đổi tên thành tĩnh mạch chậu ngoài. Tĩnh mạch chậu ngoài chạy lên dọc bờ trong cơ thắt lưng, tới ngang khớp cùng – chậu thì hợp với tĩnh mạch chậu trong để tạo thành tĩnh mạch chậu chung. Những tĩnh mạch đi kèm các nhánh động mạch cấp máu cho chi dưới của động mạch chậu trong thì đổ về tĩnh mạch chậu trong.

Tĩnh mạch nông chi dưới nhìn trước và nhìn sau - mạch máu chi dưới

Hình 11.18. Tĩnh mạch nông chi dưới nhìn trước và sau

2.2.2. Các tĩnh mạch nông

Các tĩnh mạch ở ngón chân và bàn chân đổ về cung tĩnh mạch mu chân. Từ cung này có hai tĩnh mạch nông lớn chạy lên: tĩnh mạch hiển lớn và tĩnh mạch hiển bé.

Tĩnh mạch hiển lớn là tĩnh mạch dài nhất cơ thể. Nó bắt đầu từ đầu trong của cung tĩnh mạch mu chân và đi lên ở trước mắt cá trong (một vị trí rất hằng định), rồi ở mặt trong cẳng chân, gối và đùi, cuối cùng đổ vào tĩnh mạch đùi ở dưới dây chẳng bẹn khoảng 3 cm. Tĩnh mạch hiển lớn tiếp nhận các nhánh sau đây: các tĩnh mạch thẹn ngoài, tĩnh mạch mũ chậu nông, tĩnh mạch thượng vị nông, tĩnh mạch hiển phụ, các tĩnh mạch mu nông của dương vật hoặc âm vật, các tĩnh mạch mỗi trước hoặc bìu trước.

Tĩnh mạch hiển bé xuất phát từ đầu ngoài cung tĩnh mạch mu chân. Nó đi lên, lúc đầu ở sau mắt cá ngoài rồi sau đó ở mặt sau cẳng chân, tới khoeo thì xuyên qua mạc khoeo đi vào sâu đổ vào tĩnh mạch khoeo.

Các tĩnh mạch hiển thường tiếp nối với nhau và với các tĩnh mạch sâu. Chúng tiếp nhận nhiều nhánh bên trên đường đi.

2.3. Các liên hệ chức năng và lâm sàng

– Đầu gần của động mạch đùi nằm ngay trước bao khớp hông; vì thế, khi kiểm chế một chảy máu nặng ở chi dưới, có thể lấy ngón tay ép động mạch vào bao khớp hông.

– Ở trong tam giác đùi, mặt trước của động mạch đùi chỉ được che phủ bằng da và mạc đùi và ta dễ dàng sờ thấy mạch đập của động mạch. Đặc điểm này khiến cho động mạch đùi có thể bị lộ ra trong trường hợp chấn thương gây mất da. Mặt khác, nhiều thủ thuật chẩn đoán và điều trị được thực hiện dựa vào động mạch đùi: có thể chọc động mạch rồi đưa vào một catheter và đưa tới tận tim (để thực hiện một thủ thuật nào đó), hoặc đưa tới một vị trí cần thiết để bơm thuốc cản quang vào động mạch trước khi chụp.

– Các tĩnh mạch nông của chi dưới có thể bị giãn to nếu những van trong các tĩnh mạch nối các tĩnh mạch nông với các tĩnh mạch sâu bị suy (bình thường các van chỉ cho phép máu chảy từ tĩnh mạch nông về tĩnh mạch sâu), làm cho máu từ tĩnh mạch sâu chảy ra tĩnh mạch nông.

– Vị trí hằng định của tĩnh mạch hiển lớn ở trước mắt cá trong là cơ sở để tìm và tiêm, truyền vào tĩnh mạch này khi cần.

Cập nhật thông tin mới nhất về kiến thức y học và test y học tại facebook TEST Y HỌC

Tham gia nhóm zalo: Tài Liệu Y Học Tổng Hợp

Ôn thi nội trú, sau đại học Giải Phẫu TẠI ĐÂY

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one